01/01/2013 08:22 GMT+7

Chơi thể thao: Làm sao giảm thiểu đứt dây chằng?

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Một chấn thương khá phổ biến trong khi chơi thể thao là đứt dây chằng (bong gân độ 3). Thế nhưng không phải ai cũng biết mình đang gặp chấn thương này hoặc có những cách xử lý không phù hợp để lại những hậu quả xấu cho sức khỏe.

Theo bác sĩ Ngô Thành Ý, khoa y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), những môn thể thao có tính đối kháng như đá bóng, bóng rổ, võ thuật... dễ bị đứt dây chằng nhất vì thường xuyên xảy ra những va chạm mạnh.

Không biết bị đứt dây chằng

Anh Lê Hồ Minh Bằng (Q.6, TP.HCM) là bệnh nhân mới được phẫu thuật nối dây chằng tại khoa y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Anh Bằng cho biết tháng 7 năm ngoái trong một lần đá bóng, khi bị chấn thương anh nghe khớp gối của mình kêu một tiếng rắc rất giòn, sau đó đầu gối sưng vù, đau và không co lại được.

1alWxwQy.jpgPhóng to
Trần Minh Chiến băng đầu gối đá bóng ở trận cầu chia tay Thế hệ vàng năm 2005 - Ảnh: Sĩ Huyên

Anh Bằng chỉ uống một vài loại thuốc, sau đó gối bớt sưng và giảm đau dần nên anh nghĩ mình đã khỏi. Hơn một năm nay anh Bằng vẫn đi lại được nhưng rất khó đi khi lên cầu thang và không thể chơi thể thao được.

Gần đây, anh cảm nhận chân mình ngày càng yếu đi, teo lại và bắt đầu đau nhức mà không rõ nguyên nhân. Mãi tới lúc khám ở Bệnh viện Nhân dân 115 để kiểm tra mới biết mình bị đứt dây chằng khớp gối khá lâu. Bệnh viện phải phẫu thuật nối dây chằng bằng phương pháp nội soi cho anh Bằng.

Theo bác sĩ Ngô Thành Ý, đứt dây chằng khớp gối khi chơi thể thao là chấn thương có xu hướng gia tăng. Điều đáng lưu ý có rất nhiều người không hề biết mình bị đứt dây chằng. Bởi vì khi bị đứt dây chằng khớp gối chỉ sưng một thời gian, sau đó hết sưng và bệnh nhân vẫn đi lại được, không có biểu hiện đau nhiều, chỉ khó khăn trong chơi thể thao và vận động mạnh. Biểu hiện đau nhức chỉ xuất hiện khi các phần xung quanh khớp gối như sụn chêm, sụn khớp bị tổn thương.

Bác sĩ Thành Ý cho biết dây chằng và cơ có tác dụng giữ cho khớp gối được vững chắc, dây chằng đóng vai trò đến 70% trong việc giữ vững khớp gối. Trong số các dây chằng quanh khớp gối thì dây chằng chéo trước đóng vai trò chủ lực, chịu tải nhiều nhất nên rất dễ bị đứt khi gặp những va chạm. Nếu dây chằng đứt mà không được phẫu thuật tái tạo kịp thời thì khớp gối sẽ bị xộc xệch, lâu ngày khớp sẽ dần bị tổn thương và thoái hóa nghiêm trọng.

Muốn tránh, chớ nhậu

Bác sĩ Ý cho biết ngày càng nhiều người có điều kiện chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, đối với người chơi thể thao không đúng cách, không có phương tiện bảo vệ khi chơi, sân bãi và thời gian chơi cũng không phù hợp thì rất dễ dẫn đến chấn thương, trong đó có đứt dây chằng.

Để hạn chế bị đứt dây chằng, theo bác sĩ Thành Ý, ngoài việc khởi động kỹ và đúng cách để gân cũng như cơ sẵn sàng vào cuộc, nên chơi thể thao vào buổi sáng hoặc giờ chính, tránh chơi buổi trưa hoặc buổi tối, vì khi đó cơ thể đang mệt mỏi cần được nghỉ ngơi. Sau khi chơi thể thao nên đi lại nhẹ nhàng, thả lỏng để đưa cơ thể về trạng thái ổn định rồi mới chuyển qua hoạt động khác.

Một thói quen phổ biến của nhiều người chơi thể thao là sau khi chơi thường rủ nhau đi nhậu lai rai. Đây là một thói quen không những ảnh hưởng xấu cho các bộ phận cơ thể như tim mạch, não, thận, gan... mà còn làm cho cơ mệt mỏi. Khi cơ mệt mỏi, nhiệm vụ giữ vững khớp gối dồn hết “trách nhiệm” cho dây chằng, làm dây chằng ngày càng yếu đi và rất dễ bị đứt dù chỉ gặp những va chạm nhẹ.

Một số lưu ý

Bác sĩ Ý cho biết khi va chạm mà nghe tiếng rắc trong khớp, không thể đi lại bình thường, khớp bắt đầu sưng lên và đau cần nghĩ ngay đến đứt dây chằng.

Gặp tình huống này cần nhanh chóng chườm đá lạnh, nẹp gối cố định và đến bác sĩ để được thăm khám. Tuyệt đối không thoa dầu nóng hay đắp thuốc lá vào chỗ sưng vì sẽ làm mạch máu tại đó giãn ra, gây nên tình trạng chảy máu nhiều hơn, thậm chí có thể gây bỏng da do quá nóng.

“Có nhiều bệnh nhân bị đứt dây chằng nhưng không đến bác sĩ mà ở nhà tự ý đắp thuốc lá. Khi đến bệnh viện thì vùng da ở chỗ chấn thương đã bị bỏng”, bác sĩ Ý nói.

Khi bệnh nhân được xác định đứt dây chằng, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ để tái tạo dây chằng. Hiện phương pháp mổ nội soi được áp dụng chủ yếu. Hai ngày sau khi phẫu thuật bệnh nhân có thể xuất viện, đi lại được, nhưng để phục hồi hoàn toàn thì cần tập phục hồi chức năng sáu tháng sau phẫu thuật.

Những bài tập này được các bác sĩ hướng dẫn và lên lịch hợp lý. Sau thời gian tập phục hồi chức năng, bệnh nhân nên đến bác sĩ kiểm tra xem mình có thể chơi thể thao được hay chưa vì việc phục hồi còn tùy từng người khác nhau.

Cuối cùng bác sĩ Ngô Thành Ý nhấn mạnh: có ba đối tượng không nên phẫu thuật tái tạo dây chằng. Đó là người trên 60 tuổi, người có các bệnh nội khoa chống chỉ định với phẫu thuật vì khi mổ có thể gây ra những tai biến.

Trẻ em dưới 15 tuổi, ở độ tuổi này băng sụn tiếp hợp đang phát triển, nếu phẫu thuật sẽ làm lệch chiều cao giữa hai chân. Những trường hợp này nên dùng nẹp để gối vững hơn, có chương trình tập luyện riêng, tạo điều kiện cho cơ và các dây chằng khác xung quanh khớp gối mạnh lên. Với trường hợp trẻ em, khi đã trưởng thành có thể phẫu thuật để tái tạo dây chằng.

Danh thủ Trần Minh Chiến kể chuyện chấn thương

Năm 1993, hai năm sau khi rời trường năng khiếu nghiệp vụ thể thao về đầu quân cho đội bóng đá Công An TP.HCM, trung phong Trần Minh Chiến dính chấn thương đầu gối trong trận gặp Bình Dương. Cứ tưởng chấn thương nhẹ, anh chườm đá, xoa bóp và chữa trị bằng phương pháp cổ truyền của một thầy lang vùng Chợ Lớn là tiêm thuốc giảm đau thẳng vào đầu gối.

Ỷ sức trẻ cộng với khát khao được ra sân thi đấu, nhiều lúc Minh Chiến nén đau vào sân đá với đầu gối quấn băng trắng. Chấn thương không hồi phục, càng cố đá thì dây chằng càng đè sâu xuống nên anh bị bể bao hoạt dịch giữa khớp gối, hai đầu xương cọ vào nhau liên tục dẫn tới việc bể sụn chêm. Sau SEA Games 18, Minh Chiến được phẫu thuật gọt bớt sụn chêm bị bể, do nghỉ đá lâu ngày nên tăng cân rất nhanh.

Khi ấy, HLV đội tuyển VN Weigang đưa thêm bài tập riêng để giảm cân. Tập mười ngày, anh giảm liền 5kg. Nhưng tai họa đến ngay tức khắc - cơ thể đang yếu, các cơ cùng khớp gối không khỏe, dây chằng bị nhão do lượng vận động quá tải dẫn tới việc dây chằng chéo trước và chéo trong bị đứt. Minh Chiến buộc phải giải nghệ vào năm 1996 khi mới hơn 24 tuổi.

Minh Chiến đã đưa ra lời khuyên để các cầu thủ hạn chế khả năng dính chấn thương đầu gối:

“Tránh tối đa những buổi tiệc tùng vô bổ để nghỉ ngơi thích hợp. Chẳng may bị chấn thương gối thì bắt buộc phải chữa trị tích cực, đúng địa chỉ. Chữa trị xong, cần tập vật lý trị liệu đúng bài bản để dần lấy lại phong độ. Khi quay lại tập hoặc thi đấu, nếu đầu gối nhói đau hay ê ẩm thì phải ngưng tập và đến gặp bác sĩ thể thao để chụp phim xem tình trạng chấn thương ra sao. Tuyệt đối không được giấu bác sĩ của CLB hay HLV trưởng về tình trạng chấn thương”.

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên