Leica là thương hiệu máy ảnh nổi tiếng từ rất lâu của Đức. Các sản phẩm Leica được xếp vào dòng máy cao cấp và giá bán thường rất đắt.
Phóng to |
Buổi sáng Hà Nội qua máy ảnh Leica M9 - Ảnh: Minh Trí |
Máy ảnh đẳng cấp
Ngày 9-9-2009, Leica trình làng máy M9 với rất nhiều điểm đặc biệt. Trước nhất, đây là chiếc máy ảnh full-frame 24x36mm (cảm biến máy ảnh chụp ra bằng khổ phim 35mm truyền thống) nhỏ gọn nhất thế giới, chỉ cần nhìn bên ngoài cũng thừa sức khẳng định sự “mi nhon” của M9 so với các máy ảnh full-frame khác. M9 còn là máy ảnh rangefinder đầu tiên mang cảm biến full-frame.
Rangefinder là loại máy ảnh thay vì nhìn qua ống kính, người chụp nhìn trực tiếp cảnh vật, còn khung hình sẽ được biểu thị bằng các vệt đường sáng ở bên trong khung nhìn (tương tự các máy phim tự động trước đây). M9 mới chỉ là chiếc máy ảnh kỹ thuật số thứ 2 trong dòng M của Leica (dòng M vốn nổi tiếng là các máy ảnh cơ).
Các trang công nghệ chuyên về máy ảnh kỹ thuật số đều nhận định M9 là phiên bản M kỹ thuật số đầu tiên khai thác được tất cả lợi thế của ống kính dòng M nhờ khả năng tương thích cao, chất lượng xử lý hình ảnh và độ phân giải (18 chấm) rất tốt. Nghe tới M9, nhiều người đều trầm trồ về khả năng kỹ thuật của nó nhưng còn há hốc mồm khi biết giá chiếc M9 tại thị trường VN khoảng 9.200 USD (khoảng 164 triệu đồng) sau khi tính thuế.
Người chơi khác thường
Ông Nguyễn Gia Phong, phụ trách bán hàng và tiếp thị một công ty phân phối máy ảnh Leica tại VN, đánh giá: “Người VN chơi máy ảnh giờ cũng rất sành điệu và rất chịu đầu tư. Xu hướng chơi máy ảnh độc ngày càng phổ biến nên Leica M9 xuất hiện tại thị trường VN là chuyện dễ hiểu. Hiện tại đã có 15 đơn đặt hàng cho chiếc M9”.
“Leica rất kén người dùng. Khi chơi Leica thì tiền không phải là vấn đề, tuy nhiên nếu mua không đúng sở trường của mình sẽ rất phí tiền. Người dùng phải xác định mua để chụp gì và xem mình đã đủ tính kiên nhẫn, điềm đạm để sử dụng chưa” - đó là những chia sẻ của Hoàng Minh Trí, phóng viên một tờ báo tại Hà Nội và cũng là người hâm mộ Leica với bộ đồ nghề khá “khủng” hiện nay.
Mới chỉ đến với niềm đam mê Leica ba năm nay nhưng Trí đã tỏ ra rất chuyên nghiệp. Kết quả niềm đam mê Leica đến giờ của Trí là chiếc M8 được mua từ hai năm trước với giá 5.000 euro (lúc đó hơn 100 triệu đồng). Còn chiếc M7 được mua lại năm ngoái ở Sài Gòn với giá rẻ 2.400 USD trong khi giá thực của nó đến 4.000 USD. Ba chiếc ống kính 21mm, 28mm và 50mm. Tổng giá trị của dàn Leica khoảng 15.000 USD (khoảng 267 triệu đồng). Hiện Trí đang dùng thử chiếc M9 để trải nghiệm các tính năng mới.
Trí bày tỏ: “Khi dùng Leica rồi thì nó như một thứ tôn giáo, ta phải nghiêm chỉnh hơn trong tiếp cận. Ống kính Leica rất hạn chế, luôn bắt người chụp phải tiếp cận. Canon, Nikon có dải ống kính rất rộng tới vài trăm milimet và dễ làm người ta lười biếng. Những người tính sôi nổi rất khó dùng Leica. Tôi gặp rất nhiều người thế rồi, họ chỉ biết đến máy ảnh 35mm thì Leica là huyền thoại thế là mua, nhưng được mấy bữa lại bán vì không dùng được”.
Sự kén người chơi của Leica còn khó đến độ ngay cả việc lập hội cũng chỉ để cà phê, tám chuyện và giúp nhau mua thiết bị, còn người chụp Leica thích đi một mình. Trí kể: “Hội Leica bắt đầu hình thành với khoảng 10 người ở Hà Nội. Điểm chung là đều mê Leica nhưng tính cách rất độc lập với nhau, chúng tôi chỉ chia sẻ thành quả là ảnh”. Theo Trí, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 50 người chơi Leica.
1. Máy dùng thấu kính tự nhiên phải phơi nắng 3-5 năm rồi mài bằng tay, trong khi các thấu kính của máy khác được làm khô bằng nhiệt độ nhân tạo. 2. Vật liệu làm máy hoàn toàn bằng đồng và thép, được chế tác bởi những thiết bị chuyên biệt của nền cơ khí Đức đầy kinh nghiệm. 3. Máy được chế tác bằng tay nên một tháng hãng chỉ xuất xưởng khoảng 1.500 máy. 4. Do các yếu tố trên nên tuổi thọ của máy rất cao, có khi hơn tuổi thọ con người. * Theo thông tin từ leica-camera.com và Wikipedia, mẫu Leica đầu tiên được hoàn thiện vào năm 1914 mang tên Ur-Leica, do Oscar Barnark, một người chuyên chế tạo kính hiển vi sáng chế. Từ 1954, camera dòng M của Leica ra đời với tiêu chí chất lượng hình ảnh hàng đầu, đã trở thành máy ảnh không thể thiếu cho phóng viên cũng như nghệ sĩ nhiếp ảnh. Với sự ra mắt của M8 năm 2006, Leica đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ kỹ thuật số của dòng M. Và đến 2009, với sự ra đời của M9, Leica đặt một mốc mới trong thời đại ảnh số. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận