
Từ công viên, lề đường cho đến những trung tâm làm đẹp cao cấp,nơi đâu cũng treo biển “xăm thẩm mỹ” với nhiều mẫu mã, kích cỡ, còn công nghệ xăm thì mỗi nơi mỗi kiểu như xăm thủ công (xăm bằng tay) xăm máy và xăm phun, hay còn gọi là xăm công nghệ cao. Nhưng, cho dù có xăm bằng kiểu gì đi nữa, thì chỉ có dân chơi hình xăm mới chết. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Rùng mình với kiểu xăm “công nghệ cao”
“Công nghệ cao” thực ra chỉ là từ lóng mà dân chơi hình xăm dùng để ám chỉ những người thợ xăm... dạo, hay những thợ xăm hành nghề “tại gia”. Thường thì, những người thợ xăm dạo này chỉ cần một ít đồ nghề như mực, kim xăm, bông gòn và vài vỉ thuốc ampixilin và chiếc giỏ đựng đồ nghề là có thể vô tư “hành tẩu giang hồ”.
Theo chân Tùng - một dân chơi thuộc loại nghiện hình xăm, chúng tôi đến “hang ổ” của Thái xăm, một chuyên gia chuyên xăm trổ cho giới dân chơi nửa mùa. Lúc chúng tôi đến tầm 10 giờ sáng, nhưng đã thấy 6 thanh niên choai choai, tóc xanh đỏ như con két đang ngồi chờ làm thủ tục “đầu tiên” và tranh nhau cuốn sổ hình xăm mẫu cũ nát. Nhưng, có lẽ “cuốn sổ” hình mẫu đẹp nhất chính là thân thể “không còn chỗ để xăm” của Thái là sống động nhất. Từ cổ xuống đến chân là hình xăm nối tiếp hình xăm. “Chọn hình nào, đánh dấu vô đó rồi qua ghế ngồi chờ tới lượt.” - Tùng bảo và chọn một hình xăm ở vai phải là hình trái tim bị mũi tên xuyên qua rỉ máu: “Mới bị con bồ nó “đá giò lái”, xăm hình này để nhắc cho mình nhớ sau này yêu ai phải cẩn thận kẻo bị phụ tình lần nữa.” - Tùng giải thích về cái hình xăm quả tim bị xuyên qua mũi tên như thế.
Thấy tôi lật tới lật lui muốn nát cuốn sổ “catalo” mà vẫn không chọn được hình ưng ý. Thái vỗ vai tôi chỉ vào hình xăm con hổ vờn trước ngực mình (biểu tượng của dân “nhập kho” trại Bố Lá) và nói: “Xăm hình này, khi nào trời nóng ở trần cho người ta sợ.”- “Dạ thôi, xăm hình này người ta tưởng mình là dân giang hồ rồi đánh cho đi viện thì hỏng cả người”.
“Thôi, vào làm đi, để anh còn làm cho người khác.” - Thái nói và ra hiệu cho một cu cậu tên B. ở trần đi vào phòng. Đồ nghề của Thái chỉ là vài cây kim rỉ sét và một bịch bông gòn dính máu loang lỗ. Hơ “bó kim xăm” (4-5 cây kim buộc lại thành một) qua lại vài lần trên ngọn lửa của chiếc quẹt gas để sát trùng, sau đó chấm vào chén mực xăm và cứ thế một tay cầm bông gòn thấm máu, tay kia múa kim liên tục trên da thịt của B. Và thật ngạc nhiên, chỉ hơn 1 giờ, từ những vết xăm rỉ máu lộ ra hình con rồng đang quấn quanh một cô gái trong tư thế lõa thể. “Thằng kế tiếp vô đi.” - Thái rống lên; một gã khác lại lặng lẽ đi vào.
Vẫn là chiếc kim cũ, nhưng lần này, nó được thả vào cái chén đựng cồn đang bốc lửa rừng rực để sát trùng. Sau công đoạn đốt sát trùng, kim xăm sẽ được ngâm vào rượu trắng lần nữa cũng với mục đích duy nhất là sát trùng: “Mấy chỗ khác chỉ cần đốt cồn là xong, ở đây anh làm cho anh em thân thiết thì phải sát trùng kỹ mới tránh lây bệnh. Sát trùng kiểu này, cả ngàn con virut “i-vê” (HIV) cũng toi, chứ nói gì vài con”. Vừa xăm, Thái vừa giải thích để trấn an khách hàng.
Theo quan sát của tôi, thì đối với đám dân chơi “bất cần thân thể” này, thì dường như, con virut “i-vê” chẳng là cái đinh gì, bởi chẳng đứa nào thắc mắc nửa lời về kiểu “sát trùng” mà ngành y có biết cũng ngả mũ bái phục kiểu xăm “công nghệ cao” này. Theo thông tin mà chúng tôi có được, bản thân Thái cũng từng là “khách mời” dài hạn của trại Bố Lá, nên thân thể chi chít hình xăm như hố rác trên cơ thể Thái cũng từ đó mà ra.
Và được ít mất nhiều
Trước đây, người ta cứ nghĩ, chỉ có giới “ma cô, ma cậu, ma cà rồng” mới chơi hình xăm để thể hiện “số má” trên giang hồ. Nhưng bây giờ thì khác, bất cứ ai có tiền và có máu liều, từ anh xe ôm, đám trẻ “dạt nhà” cho đến giới ca-ve, thậm chí là mấy cô con gái nhà lành nhưng bản thân cô ta thì “rách”, rồi giới nghệ sĩ cũng chơi hình xăm để thể hiện đẳng cấp.
Thời hình xăm chỉ “ngự” trên thân thể của “người trong giang hồ” thì giá của một hình xăm trị giá tiền triệu, nhưng nay, hình xăm gần như đã thành cái mốt làm đẹp của bất cứ ai, và thợ xăm hình cũng xuất hiện “lổm nhổm” khắp nơi, nên giá cho một hình xăm chỉ còn vài chục cho đến vài trăm là cùng. N. - một bậc thầy chuyên xăm mình cho “người trong giang hồ” nay đã giải nghệ cho biết: “Cái giá ban đầu của một hình xăm, dao động từ 500.000đ trở xuống, nhưng bù lại, dân chơi hình xăm rất nhanh chán, nên chuyện một tháng người ta đi đổi hình xăm vài lần cũng là bình thường. Nên thợ xăm chỉ cần kiếm khoảng chục mối ruột là sống vô tư”.
Lời nói của N. không phải là không có căn cứ, bởi theo tìm hiểu của chúng tôi thì một khi đã chơi hình xăm, bao giờ người ta cũng muốn hình của mình là “độc như thuốc độc” để chứng tỏ với bạn bè, nhưng khi ra đường, vô tình thấy một anh hay chị nào đó có cái hình xăm như thế sau gáy, hay lưng quần thì tự nhiên cái cảm giác “độc quyền” không còn nữa, thế là lại vội vã đến thợ nhờ “thửa” ngay cho cái hình khác chỉ với lý do hết sức đơn giản “tiền không thành vấn đề, miễn sao không đụng hàng là được”. Nhưng ác ở chỗ là bao giờ trước khi xăm, thợ xăm cũng quả quyết: “Hình xăm này là độc quyền, mẫu từ nước ngoài đưa về”. Khiến cho nhiều dân chơi tin sái cổ, nhưng khi xăm xong, lao ra đường đã thấy cái hình xăm “độc quyền, mẫu từ nước ngoài đưa về” thiên hạ đã có từ đời tám hoánh nào?
Thời gian thực hiện một hình xăm chỉ vài tiếng, còn tiền công chỉ vài trăm. Nhưng khi muốn phá bỏ thì cả một vấn đề, có khi tốn cả chục triệu cũng không có lại làn da lành lặn như trước. Thậm chí có người còn đánh mất tương lai, hạnh phúc của mình chỉ vì hình xăm như chuyện của H. là một ví dụ: Là kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu có vốn đầu tư nước ngoài, nên công việc của cô thường tiếp xúc với giới nhà giàu. Trong cái giới nhà giàu ấy, H. quen và yêu một chàng “giai đẹp”, con của một đại gia là đối tác của công ty.
Sau hai năm quen nhau, cả hai thề sống chết có nhau và được hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt để chàng đưa nàng về dinh. Tưởng đâu hạnh phúc đã mỉm cười với mình, vậy mà đùng một phát, sau cái ngày đi thử đồ cưới, chàng nói lời chia tay vì phát hiện ra nàng có hình xăm là một con bướm ở ngay cái chỗ “không cởi ra thì không ai thấy”. Mặc cho nàng khóc như mưa, và nhắc lại lời thề “sống chết có nhau” nhưng chàng chỉ trả lời ngắn gọn: “Có muốn chết thì em chết một mình đi” kèm thêm một câu nói như xát muối vào vết thương: “Ngay chỗ đó, mà em cũng dám để cho người ta xăm, thì người như em khó tin lắm”.
Khó tin cũng phải thôi, bởi ngay bản thân tôi ra đường thấy đàn ông xăm mình cũng “ngứa con mắt bên trái” chứ huống chi là phụ nữ. Cũng rơi vào hoàn cảnh đau thương như H. là M., nhưng khác ở chỗ là vì hình xăm mà M. bị “tẩn” cho một trận tơi bời. Chuyện là một chiều nọ, trên đường đi giao hàng, M. có va quẹt xe với một ông cụ đi xe đạp băng qua đường. Tuy ông cụ chỉ bị trầy chút đỉnh, còn M. thì bị nặng hơn, máu thấm ra cả áo.
Thấy cái áo bị dính máu và rách do cà xuống đường, một thanh niên gần đó thấy vậy mang cho M. cái áo cũ và bảo M. cởi áo ra để lau vết thương. Nhưng khi vừa cởi áo ra, chưa kịp cảm ơn “người thanh niên tốt bụng” thì đã bị anh ta đánh mấy bợp tai kèm theo câu chửi: “Tưởng mày con nhà nghèo tử tế, chứ cái thứ xăm mình vằn vện như mày chạy xe không gây tai nạn mới là chuyện lạ”. Nghe ồn ào, nhiều thanh niên gần đó chạy đến “hưởng ứng” thế là M. bị một trận đòn còn đau hơn cả té xe. “Sau trận đòn đó, em tốn gần năm triệu để đi xóa xăm thẩm mỹ, nhưng da vẫn lồi lên xấu không dám nhìn. Bây giờ nghe nói tới hình xăm là em nổi da gà. Rồi tự nhiên thấy ai có hình xăm là mình ghét không chịu được” - M nói.
Chơi hình xăm, chỉ là một thú vui nhất thời, vừa tốn tiền vừa để lại “dấu ấn khó phai” với người đối diện và hại sức khỏe nếu không may bị nhiễm trùng do vết xăm, rồi bệnh truyền nhiễm do dùng chung kim xăm, vì vậy, trước khi quyết định mang thân thể mình ra cho thợ xăm “đục khoét” thì nên cân nhắc kỹ trước khi quá muộn.
DÃ QUỲ
Tuổi Trẻ Cười số 433 (1-08-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận