14/08/2006 07:05 GMT+7

Cho và ghép thận: Ai được cho, ai được nhận?

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - Sự kiện “nhiều người hâm mộ bóng đá tình nguyện hiến thận giúp huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá VN Alfred Riedl ghép thận” được nhiều bạn đọc quan tâm. Mong muốn này có thực hiện được không?

ftlcUQ38.jpgPhóng to
TT - Sự kiện “nhiều người hâm mộ bóng đá tình nguyện hiến thận giúp huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá VN Alfred Riedl ghép thận” được nhiều bạn đọc quan tâm. Mong muốn này có thực hiện được không?

Có phải ai cho thận cũng được?... TS Phạm Văn Bùi (ảnh) - trưởng khoa thận niệu Bệnh viện Nhân Dân 115, TP.HCM - cho biết:

- Một người bị suy thận mãn tính khi có các biểu hiện bị ứ đọng các chất độc creatinin và urea trong máu. Tuy nhiên, chỉ khi nào mức độ tổn thương của cả hai thận trên 70% thì mới có biểu hiện tăng cả hai chỉ số này. Đồng thời bệnh nhân (BN) có một số triệu chứng khác như thiếu máu, phù, cao huyết áp, buồn ói, ói...

Nếu BN chỉ bị tổn thương một bên thận, một thận còn lại bình thường thì hai chất này không tăng cao trong máu. Như vậy BN vẫn sống bình thường với thận duy nhất còn đầy đủ chức năng.

o168sWN6.jpgPhóng to
TS.BS Phạm Văn Bùi - trưởng khoa thận niệu - cùng các chuyên gia nước ngoài đang ghép thận cho một bệnh nhân tại Bệnh viện 115 - Ảnh: L.TH.H.
* Vậy thận hư đó có phải cắt bỏ?

- Nếu thận hư gây một số biến chứng như nhiễm trùng niệu tái phát nhiều lần, cao huyết áp, gây đau đớn nhiều cho BN thì mới chỉ định cắt bỏ.

* Thưa TS, ghép thận có phải là biện pháp điều trị tốt nhất?

- Ghép thận, chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc là ba phương pháp điều trị hiện nay cho BN bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Nghĩa là khi chức năng của cả hai thận đều bị tổn thương trầm trọng (trên 90%) và không thể hồi phục.

Theo qui định của Ủy ban Ghép tạng quốc gia, hiện nay các bệnh viện chưa được phép lấy thận từ người sống tự nguyện hiến thận, mà chỉ được lấy thận của người cho có cùng huyết thống hoặc có quan hệ gần gũi với người nhận như cha mẹ, anh em, con cái, vợ chồng, họ hàng... Những trường hợp này đều phải được chính quyền địa phương xác nhận để tránh tình trạng mua bán thận như đã xảy ra ở một số nước.

Tại TP.HCM có ba bệnh viện đã thực hiện được ghép thận là Chợ Rẫy, 115 và Gia Định, nhưng số lượng BN được ghép thận còn hạn chế so với BN có nhu cầu ghép thận. TP.HCM hiện có khoảng 1.000 BN đang chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc, song số lượng được ghép mới gần 150 người.

Ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất. Lý do: quả thận thật có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương là điều hòa huyết áp, tạo máu, loại thải các chất độc, giúp bền vững hệ xương, điều chỉnh những rối loạn nội môi trường của cơ thể... Hai phương pháp kia chỉ thay thế được một phần chức năng thận, đó là chức năng loại thải chất độc và điều chỉnh những rối loạn nội môi trường, còn các chức năng khác thì không.

Sau khi ghép thận, 80-90% BN có đời sống gần như bình thường. Họ sinh hoạt, đi làm và có vợ chồng, con cái... bình thường. BN không còn phải lệ thuộc bệnh viện (mỗi ngày phải chạy thận nhân tạo một lần, không thể đi làm được)...

* Việc cho và nhận thận ghép đòi hỏi những điều kiện gì, thưa TS?

- Để việc ghép thận thành công, cả người cho và nhận thận phải tương hợp về nhóm máu, về di truyền học, phản ứng đỏ chéo giữa người nhận và cho thận âm tính; người cho thận phải có hai thận cùng tốt, hệ thống mạch máu của người cho và nhận thận cũng phải tương đối tốt.

Về phía người nhận thận cũng phải không có bệnh nhiễm trùng, đường tiểu dưới (bàng quang, niệu đạo) có chức năng hoạt động bình thường, không mắc bệnh tâm thần, biết tuân thủ điều trị.

* Tuổi tác, chủng tộc và giới tính có ảnh hưởng đến kết quả ghép thận?

- Về nguyên tắc, nếu người cho thận tuổi càng trẻ, không hút thuốc lá, không uống rượu, có đời sống sinh hoạt lành mạnh thì chức năng thận càng tốt. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu tạng ghép nên có thể lấy thận của người cho thận tới 60 tuổi. Quá tuổi này thận sẽ bị già đi theo tuổi (sau 40 tuổi, chức năng thận của người hoàn toàn khỏe mạnh tự động giảm 5-10% sau mỗi 10 năm).

Về chủng tộc, người da trắng và da vàng không thấy có sự khác biệt nhau. Người da trắng vẫn được ghép thận của người da vàng và ngược lại. Còn khác biệt về giới tính không quan trọng, miễn là giữa hai người có sự tương hợp về miễn dịch.

* Sau ghép thận có biến chứng gì và tỉ lệ thành công ra sao, thưa TS?

- Thường BN gặp phải biến chứng nhiễm trùng và hiện tượng chống lại mảnh ghép. Các biến chứng này thường xảy ra nhiều sau 3-6 tháng ghép thận và nó giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, khi các biến chứng trên giảm dần thì BN lại có nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng lên, do việc dùng thuốc chống thải ghép có tác dụng phụ gây cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, giữ muối và nước...

Tỉ lệ thành công sau ghép một năm là trên 95%. Tỉ lệ thận ghép còn hoạt động sau năm năm là 70-80%. Sau 10 năm còn khoảng 50-60% và thời gian càng lâu tỉ lệ này càng giảm dần. Nếu BN vẫn còn sống mà thận ghép bị mất chức năng thì phải ghép thận khác hoặc quay lại chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc. Song cũng có những BN dù thận ghép vẫn còn sống tốt nhưng BN chết vì bệnh khác, như bệnh tim mạch hoặc nhiễm trùng sau ghép.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên