Phóng to |
Nhếch nhác nhưng tiện
Bà Mai sống tại khu B3B Nam Trung Yên cho biết nhà ở tầng sáu, mỗi lần muốn mua thức ăn lại phải xuống tầng một lấy xe máy phóng ra chợ Trung Hòa cách tới 4km. Trời nắng còn chịu khó đi vì thức ăn dễ ôi thiu chứ trời rét bà thường mua thức ăn về chất đầy tủ lạnh dự trữ ba bốn ngày.
Nhưng kiểu gì ăn đồ để tủ lạnh cũng không ngon bằng thực phẩm tươi sống.
Mấy chị trước ở Kim Liên - Ô Chợ Dừa bèn thử dọn mẹt bán thịt trước cửa căn hộ phục vụ bà con cùng chung cư thấy hàng hết veo liền bán thêm rau rồi hàng khô, đường, sữa, bánh trái. Có hộ thiết kế cả phòng khách bán đồ ăn sáng, đông khách dọn cả ra hành lang ngồi tạm, giấy ăn vứt ngổn ngang trên sàn.
Ai cũng biết là nhếch nhác nhưng không kêu ca vì tiện. Kể từ khi có hàng xóm bán, các chị đi làm về chỉ việc ra cửa bấm thang máy chạy vù lên tầng trên là có đủ thức ăn tươm tất, đắt hơn một chút cũng chẳng sao.
Không chỉ Nam Trung Yên thiếu chợ, khu đô thị mới hiện đại như Trung Hòa - Nhân Chính cũng bị phản ảnh là bất tiện. Hàng rong không được bén mảng, gần 2.000 hộ dân chỉ trông vào một số siêu thị như Vinaconex. Thế nhưng cứ đến 4-5 giờ chiều là các ngăn tủ đựng thức ăn đã trống hoác trống huơ. Thực phẩm bày bán tại đây chủ yếu là đồ đông lạnh không đa dạng nên khó đổi món.
Do Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ đô thị VN (đơn vị quản lý khu Trung Hòa - Nhân Chính) không cho phép bán hàng hay làm dịch vụ tại các căn hộ nên một số gia đình làm chui. Khách muốn thuê đĩa gọi điện thoại rồi vào tận căn hộ chọn chứ ngoài cửa không có biển hiệu gì hết.
Quên lập chợ
Khi được hỏi tại sao cả khu đô thị rộng lớn như vậy không có địa điểm nào họp chợ, các ban quản lý dự án đều chỉ lên hỏi cấp trên. Họ cho hay chỉ là người tiếp quản, bàn giao thế nào quản lý như vậy. Đây cũng chính là lý do chợ tự phát, mất mỹ quan nhưng ban quản lý khu Nam Trung Yên không thể dẹp được vì bà con phản đối.
Ông Nguyễn Đăng Bình, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường và nhà đất Hà Nội, nói khó có thể chấp nhận việc hình thành các chợ tạm, chợ cóc tại các khu chung cư vì nó vừa nhếch nhác, mất vệ sinh lại khó giải tỏa sau này.
Ông Bình cho biết chỉ có các khu chung cư cũ là không dành quĩ đất cho chợ còn các khu mới như Định Công, Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính đều phải dành đất cho chợ hoặc dành toàn bộ diện tích tầng một để cho thuê cửa hàng, làm dịch vụ. Trong qui hoạch chợ của thành phố cũng ưu tiên đất cho các khu đô thị mới. Có thể các chủ đầu tư dự án đã tập trung xây dựng nhà ở mà quên lập chợ, trong trường hợp này lỗi thuộc về các chủ đầu tư. Người dân tại các khu chung cư có thể phản ảnh yêu cầu lên ban quản lý hoặc tập trung ý kiến gửi tới sở để kiến nghị UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận