Sự lừa dối của các tập đoàn hóa chất Mỹ
Phóng to |
Những người tâm huyết với hành trình tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam trong buổi họp báo chiều 4-3 tại Hà Nội - Ảnh: H.Giang |
Kokkoris là người ký đơn kiện trong bản đơn đầu tiên đệ trình lên Tòa án quận Brooklyn, New York ngày 30-1-2004, thời điểm bắt đầu tiến trình đòi công lý đầy gian nan của các nạn nhân VN.
Năm năm trước, khi bắt đầu tham gia, luật sư Kokkoris đã phải từ bỏ việc làm tại hãng luật riêng của mình để tập trung vào vụ kiện. Khi đó, vợ anh cũng đang thất nghiệp và anh nhanh chóng rơi vào nợ nần với khoản nợ lên tới gần 100.000 USD do các chi phí liên quan của vụ kiện. Chính anh cũng là người cùng với Jeanne Mirrer và một số người nữa liên lạc các hãng luật để vận động mọi người tham gia nhóm luật sư bên nguyên. Và cũng chính anh là người đã từ chối một khoản tiền lớn do VAVA (Hội Bảo vệ nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN) đề nghị hỗ trợ phần nào chi phí cho các luật sư.
Nhắc đến những đóng góp thầm lặng sẽ còn cần nhắc đến chị Trang Thu, nữ luật sư có bằng tại Mỹ, trong suốt mấy năm trời từng chấp nhận làm việc không lương chỉ để thầm lặng giúp chuyển ngữ hàng ngàn lời khai của các nạn nhân da cam và hỗ trợ các luật sư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vụ kiện. Trước đó, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ luật từ Trường Duke danh tiếng, giỏi cả năm thứ tiếng (Anh, Pháp, Nga, Ý, Tây Ban Nha) nhưng chị đã từ chối cơ hội kiếm việc làm tại các hãng luật quốc tế với thu nhập cao, chỉ để “tôi muốn giúp đòi lại công lý cho các nạn nhân da cam VN và vụ thảm sát Sơn Mỹ”.
Đó chỉ là một trong vô số những hi sinh thầm lặng của những luật sư và những nhà hoạt động cả người Mỹ, quốc tế và VN đã trải qua trong suốt hơn năm năm đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam VN. Có những nhà hoạt động dù không dư dả gì (nếu không muốn nói là khó khăn) như Susan Hammond, Dick Hughes, Billy Kelly, Sarah Flounder, Merle Ratner... nhưng vẫn say sưa dấn thân trong hành trình đó.
Tất cả đều mong ước cháy bỏng rằng công lý sẽ đến được với hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, những người đang chịu đủ thứ khổ hạnh và bệnh tật. Vì công lý, tất cả đã chấp nhận hi sinh mọi lợi lộc hay thu vén riêng tư để tiếp bước trong hành trình khó khăn này. Vì công lý, họ chấp nhận những thiệt thòi, chấp nhận trong yên lặng chỉ với khát khao công lý lớn hơn được thực thi. Vì công lý, họ sẵn sàng vượt qua bản thân bé nhỏ của mình để sống lớn hơn vì hàng triệu nạn nhân chất độc da cam khác.
Đến giờ thì công lý mà hàng triệu người VN mong mỏi đang gặp một bước chặn lớn sau phán quyết của Tòa thượng thẩm Mỹ. Nhưng nói như luật sư Kokkoris thì đây chỉ là trận đầu trong cuộc chiến dài. Công lý không sẵn đến nếu không qua thử thách lớn. Chúng ta không nên chùn bước sau trở ngại ban đầu.
Như tục ngữ VN có câu: chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Những hi sinh thầm lặng của các luật sư và vô số những nhà hoạt động khác buộc chúng ta phải vững bước trong cuộc chiến còn lâu dài này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận