31/08/2013 08:43 GMT+7

Chờ nữa, chờ mãi!

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Khi Công ty TNHH Nhà máy bột giấy Lee&Man VN (thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper Hong Kong, Trung Quốc) được UBND tỉnh Hậu Giang gia hạn lần thứ tư về tiến độ thực hiện dự án, dù đã được cấp phép từ năm 2007, không ít chuyên gia trong ngành tự hỏi liệu dự án này có thực hiện đúng cam kết mới nhất là sẽ đưa nhà máy vào hoạt động cuối năm 2014 hay lại tiếp tục... hoãn.

tR0MtoMK.jpgPhóng to
Đã có không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành sản xuất giấy - Ảnh: T.V.N.

Với số vốn đầu tư lên tới gần 1 tỉ USD, Nhà máy bột giấy Lee&Man VN từng được kỳ vọng là một trong những dự án đầu tư lớn nhất vào ngành công nghiệp giấy, một ngành mà có rất ít doanh nghiệp “chịu” đầu tư một cách nghiêm túc bài bản, thay cho thực trạng manh mún nhỏ lẻ lâu nay. Cứ hình dung thế này cũng đủ thấy sự kỳ vọng có cơ sở thế nào: khi năng lực sản xuất bột giấy của toàn ngành giấy VN năm 2012 ở mức xấp xỉ 485.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được một nửa nhu cầu, thì công suất sản xuất bột giấy của Lee&Man VN (theo dự án đăng ký đầu tư) đã là 330.000 tấn/năm.

Nghĩa là khi nhà máy bột giấy của Lee&Man VN đi vào hoạt động, ngành giấy VN chỉ cần phải nhập thêm khoảng 150.000 tấn/năm là đủ nhu cầu sử dụng, tiết kiệm biết bao ngoại tệ, cũng như giảm áp lực nhập siêu lên cán cân thương mại chung của cả nước. Điều này cũng diễn ra tương tự với mặt hàng giấy bao bì cao cấp khi Lee&Man VN góp tới 420.000 tấn/năm thông qua dự án đã đăng ký đầu tư, chiếm một lượng không nhỏ trong tổng lượng cần nhập 1,3 triệu tấn giấy các loại của năm 2013.

Thế nên, Lee&Man VN càng kéo dài thời gian thực hiện dự án bao nhiêu, cũng đồng nghĩa với quy hoạch phát triển của ngành giấy lao đao theo bấy nhiêu, vì đã có hạng mục đầu tư nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy sản phẩm ra lò. Những trường hợp như Lee&Man VN hiện không thiếu ở những lĩnh vực đầu tư khác. Ngành thép hiện đang có ít nhất ba dự án của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng khởi công rồi để đó, chủ đầu tư cứ liên tục xin điều chỉnh giấy phép đầu tư. Và mỗi lần được chấp thuận điều chỉnh thì y như rằng tiến độ thực hiện cứ kéo dài ra, không biết khi nào mới kết thúc.

Theo các chuyên gia, do đã được phân cấp về địa phương quản lý cấp phép nên việc cơ quan quản lý ngành muốn kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cũng không dễ dàng. Bởi lẽ dù có quyền thực hiện việc kiểm tra, giám sát nhưng do nhân lực mỏng, cộng thêm sự phối hợp giữa cơ quan cấp trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, nên bộ thì đợi địa phương báo cáo, còn địa phương lại chờ doanh nghiệp báo cáo nên không nắm được tình hình một cách chính xác nhất.

Chưa kể tình trạng chạy đua thu hút đầu tư giữa các địa phương với mong muốn tỉnh/thành phố của mình có dự án đầu tư siêu lớn đặt đại bản doanh để “nở mày nở mặt”, đã khiến không ít cơ quan quản lý các địa phương “du di” cho qua sau nhiều lần hứa hẹn của chủ đầu tư. Điều này dẫn đến việc không chỉ làm mất đi những cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính lẫn năng lực thực hiện dự án chuyên nghiệp hơn. Bởi đất đã “cắm dùi” cho nhà đầu tư đã cấp phép thì còn đất đâu để giao cho nhà đầu tư khác muốn “nhảy vào”.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên