02/11/2015 08:09 GMT+7

Chỗ ngồi tại phiên tòa có quan trọng?

HOÀNG ĐIỆP ghi (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
HOÀNG ĐIỆP ghi (hoangdiep@tuoitre.com.vn)

TT - Chuyện tưởng như nhỏ “tranh luận chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư” mà TAND TP Đà Nẵng đã điều chỉnh (Tuổi Trẻ ngày 1-11) lại đang được nhiều ý kiến quan tâm...

Vị trí chỗ ngồi mới trong phiên tòa tại TAND TP Đà Nẵng

* Ông Nguyễn Văn Quảng (viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM):

So sánh khập khiễng

So sánh kiểm sát viên và luật sư tại phiên tòa Việt Nam là khập khiễng, bởi một kiểm sát viên không chỉ thực hiện vai trò buộc tội, mà còn chịu trách nhiệm với Nhà nước, kỷ luật với cơ quan.

Họ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc nếu để xảy ra sai sót, vi phạm tố tụng tại phiên tòa, phải chịu trách nhiệm về việc gây ra việc sai cho đương sự.

Còn luật sư thì chấm dứt vụ án, họ cũng chấm dứt vai trò đối với bị cáo. Vậy thì vai trò pháp lý, luật sư có bị ràng buộc không?

Nếu cứ giữ cách nhìn và bàn như thế này thì có thể ngay cả thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong phiên tòa sơ thẩm cũng cần phải có chỗ ngồi khác biệt. Ông thẩm phán cần phải ngồi cao hơn, vì ông ấy chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với bản án, còn hội thẩm nhân dân thì phải ngồi thấp hơn. Bởi vậy, theo tôi, bàn làm sao để luật sư thể hiện hết vai trò của mình tại phiên tòa để bảo vệ bị cáo thì tốt hơn là bàn về chỗ ngồi.

* Luật sư Phan Trung Hoài (phó chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Việt Nam):

Phù hợp chủ trương cải cách tư pháp

Việc xem xét, thay đổi vị trí chỗ ngồi trong phòng xử án ngang bằng giữa bên buộc tội và bên bào chữa hoàn toàn phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta thể hiện trong nghị quyết số 08 ngày 2-1-2002, nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 và chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 5-7-2011.

Định hướng nói trên còn góp phần nâng cao vị thế và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong đời sống và trong hoạt động tố tụng; gia tăng phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của luật sư, trên cơ sở quy định các trình tự, thủ tục một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện cho việc hành nghề được thuận lợi, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng hình sự.

* Ông Quảng Đức Tuyên (phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM):

Ngồi chỗ nào không quan trọng

Là thẩm phán xét xử nhiều phiên tòa, tôi thấy rằng quan trọng nhất hiện nay đối với một phiên xử đó là đổi mới tư duy, và đổi mới cách làm. Còn chỗ ngồi thì không quan trọng. Vì chỗ ngồi cũng không làm thay đổi gì.

Chẳng ai bảo ngồi trên thì mạnh hơn chỗ ngồi dưới. Luật sư ngồi ở dưới nhưng nếu trình bày lý lẽ thuyết phục thì được ghi nhận, thậm chí làm thay đổi thân phận cho bị cáo. Và bản thân chỗ ngồi không phải là cái ghế, cái vị trí, quyền lực gì.

Ở các phiên tòa, người ta đều bố trí cái bục dành cho luật sư, cho kiểm sát viên và ghi bảng cho mọi người thấy, vậy nên ai nhìn cũng biết đấy là luật sư.

Tôi thấy nhiều cuộc họp về việc này, nhưng theo tôi thì chẳng quan trọng, cũng như mặc áo gì cũng không quan trọng. Quan trọng là làm được những gì cho phiên tòa ấy, để bị cáo tâm phục khẩu phục, để dư luận đồng tình đối với vai trò của từng người trong phiên xử.

HOÀNG ĐIỆP ghi (hoangdiep@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên