14/03/2018 08:01 GMT+7

Chờ lời xin lỗi tại nơi này của các cựu binh Hàn

TĂNG QUỲNH
TĂNG QUỲNH

TTO - Trong số những người đến các địa phương xảy ra thảm sát ở Việt Nam có cả anh chị em hay con của những người lính Hàn từng tham chiến. Chỉ những cựu binh là chưa thấy đâu!

41 người Hàn Quốc vừa đến Quảng Nam để xin lỗi những nạn nhân và thân nhân những người dân thường bị lính Hàn giết ở Quảng Nam trong chiến tranh Việt Nam. Họ đến với phẩm cách cá nhân, cảm thấy xấu hổ trước hành động của những người lính Hàn trong chiến tranh nên họ phải và sẽ còn đến Việt Nam rất nhiều lần để xin lỗi.

Chờ lời xin lỗi tại nơi này của các cựu binh Hàn - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh (phải) - nhân chứng sống vụ lính Hàn thảm sát 74 người tại Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam) - ôm một người Hàn Quốc hoạt động vì hòa bình trong chuyến thăm Việt Nam ngày 10-3 - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Trong chiến tranh Việt Nam, lính Hàn Quốc đã gây ra khoảng 80 vụ thảm sát, giết chết 9.000 người dân tay không tấc sắt, theo tài liệu của tiến sĩ sử học Ku Su Jeoung. Những nạn nhân và thân nhân của họ đã tha thứ tất cả vì nói như bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị (Quảng Nam): "Sống mà thù hận thì cả hai cũng chẳng thanh thản được". Và sự thanh thản của hai bên sẽ đạt đến trạng thái cao nhất nếu cựu binh Hàn Quốc trực tiếp bắn dân thường cất lên lời xin lỗi.

Hơn ai hết, người dân Hàn Quốc thấu hiểu rằng để phía gây ra lỗi lầm trong chiến tranh lên tiếng xin lỗi còn khó hơn dời núi. Mấy chục năm qua, Hàn Quốc đã kiên trì đấu tranh để Nhật Bản từ chưa thừa nhận đến thừa nhận, xin lỗi và bồi thường cho những phụ nữ Triều Tiên bị cưỡng bức làm công việc "mua vui" trong các trại lính Nhật từ năm 1910-1945, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả mong muốn.

Năm 2015, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận, trong đó có hai điểm then chốt: Nhật Bản sẽ xin lỗi và cung cấp quỹ hỗ trợ trị giá 9,4 triệu USD cho những phụ nữ nói trên và gia đình họ. Tuy nhiên, nhân dân Hàn Quốc không đồng tình. Tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In đã cho lập một nhóm chuyên trách xem xét lại thỏa thuận này và đến cuối năm ngoái, ông tuyên bố vấn đề phụ nữ mua vui không thể giải quyết bằng thỏa thuận đã nêu.

Biết là khó, nên những người khởi xướng phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" đã vượt qua nhiều trở ngại, sáng tạo các nội dung hoạt động trong hơn 10 năm qua để làm cho nhiều người dân Hàn Quốc biết rõ sự thật trong chiến tranh Việt Nam và đồng hành cùng phong trào. Trong số những người đến các địa phương xảy ra thảm sát có cả anh chị em hay con của những người lính Hàn tham chiến tại Việt Nam. Chỉ những cựu binh là chưa thấy đâu!

Tuy nhiên, trong 41 người Hàn vừa đến Việt Nam có ông Kim Hyun Kwon. Theo Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, ông là đại biểu quốc hội đầu tiên của Hàn Quốc đến Việt Nam để xin lỗi các nạn nhân trong những vụ thảm sát. Các nạn nhân sống sót tin rằng đại biểu quốc hội đã đến, thế nào cựu binh cũng sẽ đến!

Và khi ấy đôi bên thực sự hóa giải chuyện xưa, thành bạn của nhau, cùng hướng tới tương lai.

TĂNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên