![]() |
Khách Tây đã quen với chợ của người Việt - Ảnh: Thi Hương |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nằm trên một thửa đất rộng 240.000m2 ở quận 4, Praha, Trung tâm thương mại Sapa của người Việt là chợ châu Á lớn nhất ở Cộng hòa Czech. Không chỉ là nơi làm ăn buôn bán, ban quản lý chợ còn có tham vọng muốn biến nơi đây thành một xã hội VN thu nhỏ.
Chợ Sapa mọc lên trên nền một nhà máy chế biến thực phẩm cũ của Cộng hòa Czech. Nhưng trái ngược với vẻ tiêu điều bên ngoài, bên trong nó là một trung tâm buôn bán tương đối sầm uất với cả ngàn sạp hàng mà 80% là của người VN; 10% của người Trung Quốc và một số chủ hàng nhiều quốc tịch khác. Các mặt hàng bày bán ở đây rất phong phú, hầu hết nhập từ Trung Quốc, VN và Thái Lan.
Từ khoảng trưa đến 4 giờ chiều, chợ lại tấp nập người mua kẻ bán. Hầu như không có người mua lẻ ở đây. Sapa là chợ đầu mối, là nơi cung cấp các chủng loại hàng châu Á cho Praha và thậm chí cả những tỉnh lân cận. Xe tải to, xe tải nhỏ, xe con… ra vào như mắc cửi.
Chỉ đủ ăn
Những người VN buôn bán tại chợ này mỗi người mỗi cảnh. Có những trí thức “chuyển ngành” sang buôn bán, nhưng hầu hết là những người đi xuất khẩu lao động, và gần đây là những người đi sang theo những hợp đồng kinh doanh với Cộng hòa Czech. “Có một số người buôn bán ở đây rất giàu có. Họ là những nhà buôn lớn, trực tiếp lấy hàng từ nước ngoài về đổ ở chợ này - Chi, một cô gái trẻ có quầy tạp hóa ở Praha đến đây lấy hàng, thổ lộ - khoảng 30% tương đối khá, còn thì chỉ đủ ăn thôi. Những năm gần đây làm ăn càng ngày càng khó, vì người Việt và cả những nước khác sang đông quá. Có những nơi cả làng ở VN đưa nhau sang đây hết, chỉ trừ người già và trẻ em”.
Gian hàng thực phẩm của chị Lý không khác gì ở VN. Rau cỏ thứ gì ở VN có thì ở đây cũng có. Thậm chí nơi đây bán cả ốc bươu, cua đồng... “Bên này có những người chuyên đi mò cua, bắt ốc cung cấp cho cửa hàng tôi. Họ kiếm nhiều tiền hơn cả người đi buôn, nhưng phải có sức khỏe” - chị Lý cho biết. Giữa mùa hè, khi xung quanh ai cũng mặc quần áo mát mẻ, thì chị Lý sù sụ cái áo khoác bởi đang ngây ngây sốt. “Ốm cũng có được nghỉ đâu! - chị Lý phàn nàn - quanh năm suốt tháng cứ phải đứng hàng. Thu nhập cũng được nhưng chi phí cao quá. Đa số người Việt bên này chỉ biết có đi từ cửa hàng về nhà chứ mấy khi được vui chơi, thăm thú”.
![]() |
Một góc quê nhà Hà Nội ở cửa hiệu thực phẩm |
Với một số người sống ở tỉnh lẻ, đến chợ Sapa lấy hàng còn là dịp để được nói tiếng Việt, để được giao lưu dù trong chốc lát với những người đồng hương. Chị Phi sang đây đã được 10 năm và sống cách Praha 6 giờ ôtô. Cứ một, hai tuần vợ chồng chị lại đánh xe lên đây để lấy hàng và để được nói tiếng Việt. “Buồn lắm chị à - chị Phi tâm sự - Cả ngày bán hàng cho Tây, tối về đến nhà cơm nước cho con cái xong một lúc là đến giờ chúng nó đi ngủ. Cả thành phố tôi sống có bốn người Việt thôi nên không có ai để nói chuyện”. Ngay cả khi có thời gian với con, anh chị Phi cũng không trao đổi gì được nhiều với con cái. Vì hai vợ chồng có vốn tiếng Czech rất hạn chế, còn ba đứa con đi học trường Czech thì không hề biết nói tiếng Việt!
Dù buôn bán tấp nập nhưng ở đây không thấy có cảnh xô bồ. Hiếm khi nghe thấy tiếng chửi thề trong chợ và mọi người có vẻ rất đoàn kết, đùm bọc nhau. Vào Sapa, người ta có cảm giác đang ở đâu đó ở VN, vì tất cả biển hiệu cửa hàng đều viết bằng tiếng Việt, và xung quanh hầu như chỉ nghe người ta trao đổi bằng tiếng Việt. Những món ăn ở đây vẫn giữ nguyên khẩu vị VN chứ không bị pha tạp chút nào. Giữa trưa hè xứ người, một cốc chè sen xanh hay một ly sấu dầm thạch đá ở chợ Sapa ngay lập tức giúp bạn quên cái nóng nực khi tận hưởng hương vị quê nhà.
"Sapa không chỉ là một trung tâm thương mại mà còn là một điểm hẹn cho hàng ngàn người VN, là nơi để họ tổ chức những sự kiện quan trọng trong cộng đồng như đám cưới, sinh nhật hoặc các hoạt động văn hóa. Sapa là một xã hội VN thu nhỏ” - ông Hoàng Đình Thắng khẳng định với vẻ tự hào. Ông là giám đốc Trung tâm thương mại Sapa, đồng thời là chủ tịch Hội Người VN tại CH Czech. Tại chợ có cả nhà trẻ, câu lạc bộ thanh niên, câu lạc bộ phụ nữ, câu lạc bộ võ thuật, lớp dạy tiếng Việt… Tất cả dịch vụ cơ bản như y tế, in ấn, du lịch, tư vấn tài chính… đều có. Chợ bắt đầu hoạt động từ năm năm qua và sẽ còn tiếp tục mở rộng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận