11/07/2019 06:41 GMT+7

Chó cảnh xinh, hiền cũng tiềm ẩn nguy cơ gây chết người

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Chó cảnh nhỏ xinh, ai cũng nghĩ rằng nó không nguy hiểm nên khi bị cắn, người bệnh không đi chích ngừa. Mới đây, 5 người cùng gia đình ở Kon Tum bị chó cảnh trong nhà cắn khiến 1 người chết vì bệnh dại, 4 người vẫn đang nằm viện.

Chó cảnh xinh, hiền cũng tiềm ẩn nguy cơ gây chết người - Ảnh 1.

Nuôi chó cảnh là thú vui của nhiều người hiện nay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong các loài vật nuôi, chó cảnh được cảnh báo là nguồn gây bệnh dại cao thứ hai, chỉ sau mèo. Trong bối cảnh "nhà nhà nuôi chó cảnh" như hiện nay, nguy cơ này càng báo động. Đặc biệt, liên tiếp thời gian gần đây rất nhiều trường hợp tử vong bởi phát bệnh dại do chó, mèo cắn.

Ăn ngủ cùng thú cưng

Gần hai năm nay, Trang (24 tuổi) cùng Daisy - tên loại chó Pomeranian - sống chung với nhau trong một căn hộ ở P.Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Daisy có bộ lông màu trắng óng mượt, "ngoại hình" siêu nhỏ khi cân nặng khoảng 2kg cùng chiều cao khiêm tốn chỉ 25cm. 

"Daisy xinh xắn, biết vâng lời, luôn làm tôi vui vẻ. Mỗi lúc thấy tôi buồn, nó lại quấn quýt hôn lên má động viên" - Trang chia sẻ.

Với bản tính thích phiêu lưu, T.H.N. (30 tuổi, quê Đồng Nai) quyết định dành dụm tiền lương "tậu" một chú chó cảnh Alaska với giá 10 triệu đồng. Với cân nặng khoảng 30kg, chú chó này khoác lên mình bộ lông màu xám xồm xoàm. Cứ mỗi khi được thả dạo chơi, nó lại le lưỡi dài để lộ hàm răng nanh trắng tinh.

Trước mối lo ngại nuôi chó trong khu dân cư sẽ gây nguy hiểm cho người xung quanh, N. thú nhận sự thật có nhiều em nhỏ lần đầu nhìn thấy chó cảnh Alaska rất lo sợ, không dám lại gần. Sự xuất hiện của thú cưng cũng khiến một số người trong khu phố góp ý phải rọ mõm để tránh nguy cơ chó gây họa, nhưng N. vẫn quả quyết: "Không vấn đề gì cả". 

Theo N., từ lúc nuôi chưa thấy thú cưng của mình có biểu hiện gì khác thường nên chưa đưa đi tiêm phòng.

Chó cảnh xinh, hiền cũng tiềm ẩn nguy cơ gây chết người - Ảnh 2.

Người nuôi chó nên chích ngừa đầy đủ cho chó - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trên nhiều diễn đàn mua bán thú cưng, nhu cầu mua chó cảnh các loại rất lớn. Với mong muốn tìm kiếm một người bạn "tâm tình", nhiều người sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn tậu thú cưng yêu thích. Thế nhưng khi được hỏi về độ an toàn khi nuôi, phần lớn đều cho rằng "chó cảnh rất hiền, không vấn đề gì cả".

Tuy nhiên, trường hợp gia đình bị chó cảnh cắn ở Kon Tum là một ví dụ điển hình về nguy cơ gây họa tiềm ẩn. Cụ thể, trong 5 người bị chó cảnh cắn có 1 người vừa tử vong do chủ quan không đến các cơ sở y tế tiêm phòng dại. 

Sau ba tháng bị chó cắn, người này mới nhập viện trong tình trạng bệnh dại đã khởi phát với các triệu chứng như lên cơn kích động, sợ gió, sợ nước, co giật toàn thân...

36

Đó là số người tử vong do bệnh dại trên cả nước 6 tháng đầu năm 2019, theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT.

Cục Thú y nhận định nguy cơ phát sinh bệnh dại còn nhiều do tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó rất thấp, chỉ đạt khoảng 40%, trong khi người dân chủ quan không tiêm phòng khi bị chó nhà cắn, thậm chí còn tự điều trị bằng thuốc nam khi bị chó cắn.

Nguy cơ hơn chó nuôi

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế TP.HCM), dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong rất cao. Thời gian ủ bệnh rất thay đổi, từ vài tuần đến hàng năm tùy theo vị trí vết cắn. 

Để phòng tránh bệnh dại, người nuôi cần tiêm phòng dại định kỳ cho chó. Nếu chó bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân, cần liên hệ cơ quan thú y để được hướng dẫn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khương Trần Phúc Nguyên, trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM, cho rằng tất cả các loài vật nuôi như chó thường, chó cảnh và mèo... đều có khả năng gây bệnh dại.

"Thông thường, chó cảnh được tiêm phòng đầy đủ hơn nên có phần giảm bớt mối lo gây bệnh. Tuy nhiên, đối với chó cảnh dưới 2 tháng tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chó tiêm phòng mà không được tái tiêm chủng... thường mang nguy cơ cao hơn với chó bình thường. Bởi mức độ tiếp xúc thân mật giữa chó và người diễn ra khá thường xuyên nên nguy cơ lây lan nhiều hơn" - ông Nguyên nói.

Theo phân tích của ông Nguyên, khi nước bọt của chó có virút bệnh dại dính vào vết thương hở, niêm mạc mắt, miệng hoặc mũi..., đó chính là "con đường" lây bệnh. 

"Do đó để an toàn, người nuôi nên tuân thủ việc tiêm phòng cho chó, đồng thời có những biện pháp rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc. Có nhiều người chủ quan chó được tiêm phòng không có khả năng gây bệnh. 

Điều này hoàn toàn sai lầm, bởi có thể chó không phát dại nhưng trong lúc săn bắt chuột có dính virút trong nước bọt nên khi bị liếm hoặc cắn, khả năng lây bệnh ở người rất cao" - ông Nguyên khuyến cáo.

Nguy cơ nhiễm sán chó

Theo ông Nguyên, trong nhóm phân loại nguy cơ gây bệnh dại thì mèo là vật nuôi có nguy cơ cao nhất, kế đến là chó cảnh và cuối cùng là chó nuôi bình thường.

Ở chó cảnh, ngoài việc lây bệnh dại, theo khuyến cáo của ông Nguyên, thông qua việc tiếp xúc thân mật, thường xuyên với con người, chó cảnh còn có thể gây nguy cơ bị giun sán (sán chó) xâm nhập qua da vào cơ thể.

Hàng loạt vụ chó cắn tử vong đau lòng

* Tết Nguyên đán 2019, cả gia đình anh B.V.T. (Hòa Bình) gồm 4 người bị chó nhà cắn. Sau gần 2 tháng bị chó cắn, anh T. chủ quan không xử lý vết thương và tiêm văcxin kháng dại. Ngày 31-3, anh T. và con trai phát bệnh, tử vong.

* Từ đầu tháng 1-2019 đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận trên 10 trường hợp bị chó cắn, trong đó có 2 trẻ em ở Hưng Yên và Thái Nguyên đã tử vong.

Ngày 3-4, bé N.Đ.D. (học sinh lớp 1) trong lúc chơi đùa tại sân vận động của huyện Kim Động (Hưng Yên) bị một đàn chó (5-6 con) tấn công, bị thương rất nặng dẫn đến tử vong sau đó.

Trường hợp khác là bé trai 7 tuổi (ngụ Thái Nguyên) vừa đi học về bị giống chó cảnh Pitbull, nặng 17kg, của gia đình tấn công. Bé nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đa vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, cánh tay và tầng sinh môn. Tình trạng quá nặng, bệnh nhân không qua khỏi.

* Ngày 9-4, bé trai S.A.N. (11 tuổi, Sơn La) tử vong sau 3 tháng bị chó cắn. Trước đó, bé N. sang nhà bác họ chơi thì bị chó cắn. Vì chủ quan nên gia đình không đưa đi khám, tiêm phòng.

* Tối 10-4, tại khối 4 (thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh), con chó của gia đình ông P.H.L. bất ngờ cắn 4 người dân và sau đó tiếp tục cắn con gái của chủ nhà là bé N.T.A.T. (5 tuổi). Sau một ngày cắn người, con chó tử vong.

* Ngày 5-6, khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết có một bệnh nhân tử vong do bệnh dại là chị P.T.C. (24 tuổi, bác sĩ thú y tại một phòng khám thú y ở Phú Thọ). Trước đó khoảng một tháng rưỡi, chị C. bị chó cắn vào bàn tay phải. Sau khi bị cắn, chị C. được sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng nhưng không tiêm phòng.

Chó cảnh cắn một loạt 5 người trong nhà, 1 người chết Chó cảnh cắn một loạt 5 người trong nhà, 1 người chết

TTO - Ngày 8-7, ông Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế Kon Tum - cho biết trên địa bàn xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum) xảy ra việc một gia đình có 5 người bị chó cảnh của gia đình cắn, 1 người chết, 4 người phải nhập viện.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên