Ông Nguyễn Kim Hoan (giảng viên Trường CĐ Hòa Bình, Xuân Lộc, Đồng Nai) - Ảnh: D.TRỌNG |
Ông Nguyễn Kim Hoan (giảng viên Trường CĐ Hòa Bình, Xuân Lộc, Đồng Nai):
Luôn nhớ quy tắc an toàn
Liên quan đến công việc hàn hơi, hàn điện, có các quy định quy chuẩn an toàn, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đã được quy định tại thông tư 41/2013, thông tư 27/2013 của Bộ LĐ-TB&XH.
Những người thực hiện việc hàn xì phải bảo đảm được đào tạo chuyên môn và có chứng chỉ kèm theo, đã qua huấn luyện về bảo hộ lao động và được cấp thẻ an toàn.
Trong quá trình thực hiện việc hàn, người lao động phải sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát theo chế độ như áo quần vải bạt, găng tay chịu nhiệt và có độ dẫn điện thấp, giày da lộn cao cổ có đế cách điện, mặt nạ hàn có gắn kính hàn đúng mã hiệu và không bị nứt...
Người làm việc hàn hơi, hàn điện phải nắm rõ kỹ thuật hàn để bảo đảm an toàn. Cụ thể: máy hàn điện phải được nối đất, phải kiểm tra trước khi hàn đối với hệ thống điện phục vụ máy hàn, tình trạng đường ống dẫn khí, các chai chứa khí, cơ cấu an toàn, độ kín của các mối liên kết ống, giữa ống với thiết bị…
Cần dọn sạch các chất dễ cháy (dầu, mỡ...) xung quanh bán kính cách vị trí hàn là 5m. Phải che chắn, bảo vệ an toàn cho những người xung quanh, có hệ thống khử hơi khí độc hại cho những vị trí hàn cố định. Cấm hàn, cắt các thiết bị đang chịu áp lực; các thiết bị chứa chất cháy nổ...
Cần lưu ý là khi hàn trong điều kiện nguy hiểm cao bởi dòng điện (ví dụ bên trong các khoang tàu thủy, hộp kim loại, công trường xây dựng có nhiều khung sắt...), phải có sự theo dõi giám sát của một người thứ hai từ bên ngoài. Bởi lẽ quá trình hàn dễ xảy ra xẹt tia lửa, xỉ hàn rơi, chạm điện... gây nguy hiểm.
Hai hình thức hàn hiện nay đều có nguy cơ riêng, hàn hơi có thể gây nổ, hàn điện dễ gây cháy nếu bất cẩn. Vì vậy quá trình giảng dạy cho học sinh sinh viên, chúng tôi thường xuyên buộc họ phải nhớ quy tắc an toàn kỹ thuật cũng như ý thức cao trong việc bảo đảm an toàn chung cho mình và người khác.
Bởi nếu không nâng cao ý thức khi lao động sẽ dẫn tới các tác hại khôn lường như gây ra những vụ hỏa hoạn với những thiệt hại về người.
Một cảnh sát phòng cháy chữa cháy huyện Hoài Đức, Hà Nội:
Cần đảm bảo lối vào, lối ra
Hiện nay người dân và các cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm nhiều đến phòng cháy chữa cháy nên hỏa hoạn dễ xảy ra. Vì thế không chỉ các cơ sở sản xuất, mà cả người dân cũng cần nâng cao cảnh giác đề phòng trong mọi trường hợp.
Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất hoạt động khi chưa đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Về việc thiết kế nhà và xưởng sản xuất cũng cần nhiều lưu ý. Đối với xưởng, dãy tường phía sau khi xây dựng nên có cửa thông ra phía sau hoặc nên đánh dấu một vùng tường gạch dễ công phá để khi xảy ra cháy có thể đập chỗ tường ấy để thoát nạn.
Trên thực tế, để đảm bảo tiêu chuẩn cần phải có 2 lối: lối vào và lối ra.
Đại tá Lê Tấn Bửu (giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM):
Phải có giấy phép, chứng chỉ Hoạt động hàn xì phải bảo đảm các yêu cầu an toàn lao động vì dễ gây ra cháy nổ. Cụ thể, tổ chức hoạt động lĩnh vực này phải có giấy phép, chứng chỉ. Nhân viên tiến hành hàn xì cũng phải có chứng chỉ an toàn lao động kỹ thuật. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức hàn cũng phải chuẩn bị đầy đủ các vật dụng (ví dụ vải thấm nước), biện pháp bảo đảm an toàn cháy và có thể xử lý ban đầu nếu xảy ra cháy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận