Điều tra độc lập của Quỹ sáng kiến tái thiết Nhật Bản cho hay như vậy.
Phóng to |
Ông Naoto Kan đã từ chức sau thảm họa ngày 11-3 nhưng các học giả cho rằng ông đã có một quyết định đúng để cứu nước Nhật. Ảnh: AP |
Theo New York Times ngày 28-2, ông Yoichi Funabashi - người sáng lập Quỹ sáng kiến tái thiết Nhật Bản, đồng thời là cựu tổng biên tập tờ nhật báo Asahi Shimbun nổi tiếng, một trong những trí thức được coi trọng nhất ở nước này, đã lãnh đạo nhóm hơn 30 giáo sư đại học, luật sư, nhà báo điều tra lại phản ứng của các cơ quan liên quan trong thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân ngày 11-3-2011.
Tờ New York Times cho hay sáu tháng qua, họ đã phỏng vấn hơn 300 người, trong đó có các quan chức chính phủ, các nhà quản lý vấn đề hạt nhân và cả nguyên thủ tướng Naoto Kan để tìm ra sự thật về phản ứng của các cơ quan và cá nhân hữu trách. Cuối cùng, bản báo cáo 400 trang cho thấy rằng có những bí mật trái ngược với các báo cáo của Chính phủ Nhật Bản khi thảm họa xảy ra.
Điều tra trước đó của chính phủ cho biết TEPCO nói rằng ông Naoto Kan đã hiểu lầm họ và họ chỉ muốn rút một phần nhân sự khỏi Nhà máy hạt nhân Fukushima 1 đang bị hư hại. Trong khi đó, điều tra của nhóm ông Funabashi cho thấy chính Công ty TEPCO nói rằng họ muốn rút toàn bộ nhân viên.
Đó là khoảnh khắc sống còn sáng 15-3, ông Kan đến trụ sở của TEPCO sau khi biết tin công ty muốn “bỏ của chạy lấy người” và đã yêu cầu TEPCO không được đầu hàng thảm họa.
“Ông ấy đã có quyết định sáng suốt khi buộc TEPCO làm như vậy. Dù ông ấy có một số sai sót nhưng quyết định này đã cứu Nhật Bản khỏi thảm họa tồi tệ hơn”, ông Funabashi nói.
Báo cáo cho biết khi thảm họa ập đến, chính quyền của ông Kan đã e ngại tạo ra nỗi sợ hãi trong cộng đồng khi giảm nhẹ mối nguy hiểm thật sự của sự cố hạt nhân. Họ che giấu những điều đó còn vì sợ làm tổn hại đến mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Chỉ khi hai quốc gia có cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin ngày 22-3, nỗi lo sợ đó mới được dỡ bỏ.
Trong khi đó, tờ Front Line ngày 28-2 đã đăng bài phỏng vấn cựu thủ tướng Naoto Kan. Dưới đây là đoạn về phản ứng với thảm họa hạt nhân.
Ông cảm thấy thế nào khi nghe tin về tình trạng của Fukushima?
- Tôi đặt ra câu hỏi tại sao lại mất điện được? Về cơ bản, ngay cả khi mất điện vẫn có năng lượng dự phòng trong tình huống khẩn cấp. Tôi đánh giá đó là sự cố rất nghiêm trọng và nếu cứ để như vậy sẽ xảy ra tình trạng tan chảy.
Sau đó Văn phòng thủ tướng đã có lệnh gì?
- Chúng tôi lập ban phản ứng ngay tại Văn phòng thủ tướng. Bộ trưởng kinh tế - công nghiệp (METI) cho tôi biết các quy trình tuyên bố tình trạng khẩn cấp về hạt nhân. Chúng tôi lập các trụ sở phản ứng với động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân cùng lúc.
Tôi họp đại diện Công ty TEPCO, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân NISA và Ủy ban An toàn hạt nhân NSC, bộ trưởng METI và rất nhiều chuyên gia tư vấn khác tại Trung tâm Quản lý thảm họa.
Ông có giận dữ gì với TEPCO, NISA hay NSC không?
- Họ không thể đánh giá đúng tình hình, về áp suất trong lò, mực nước, nhiệt độ… Họ đều cố hết sức sau khi thảm họa xảy ra nhưng rõ ràng là không có kế hoạch trước để đối phó với thảm họa nên cuối cùng các dự báo đều sai.
Có thông tin về việc TEPCO rút nhân sự ngày 14-3. Ông đã phản ứng thế nào?
- Lúc đó là 3g sáng. Bộ trưởng METI Kaieda nói rằng TEPCO cho hay họ không thể xử lý tình huống được nữa và muốn rút nhân sự. Tôi hỏi ý kiến các cố vấn. Tôi nghĩ rằng nếu họ rút đi, sáu lò phản ứng và bảy bể nhiên liệu sẽ bị bỏ rơi và tất cả sẽ tan chảy, phóng xạ sẽ cao gấp 10 lần thảm họa Chernobyl.
Các cố vấn nói rằng chủ tịch TEPCO Masataka Shimizu đã nhắc đến việc rút người và tôi yêu cầu gọi điện cho ông Shimizu để tôi nói chuyện trực tiếp. Ông ta không nói rõ là sẽ rút hay không và tôi nghĩ là sẽ rất nguy hiểm khi để sự việc như thế. Tôi nói với ông ta là: “Chúng ta hãy cùng lập ban phản ứng nhanh gồm cả chính phủ và TEPCO”. Ông ta nói là đã hiểu. Tôi trở thành người đứng đầu ban này.
Lúc 5g sáng 15-3, tôi đến trụ sở TEPCO tại Tokyo. Văn phòng của họ nối với khu vực Fukushima 1 bằng hội nghị trực tuyến. Có khoảng 200 người đang ở nhà máy.
Tôi nói một cách quả quyết: “Đây là tình huống hết sức nguy nan. Các bạn không thể bỏ rơi nhà máy. Số phận của Nhật Bản như ngàn cân treo sợi tóc. Tất cả những ai trên 60 tuổi hãy chuẩn bị lên đường vào nơi nguy hiểm”.
Sau đó, TEPCO không nói về chuyện rút người với tôi nữa.
Khi xe của ông trên đường tới TEPCO, ông nghĩ gì?
- Chúng tôi nghĩ thảm họa này sẽ đi đến đâu và tôi đề nghị mọi người đưa ra các giả thiết. Giả thiết tệ nhất là phải sơ tán tới phạm vi hàng trăm kilômet, cách nhà máy và nếu điều đó xảy ra, Tokyo sẽ mất và Nhật Bản cũng sẽ mất.
Nhưng tôi chỉ cảm nhận khủng hoảng trong vài ngày đầu. Những ngày sau tôi cảm thấy rất tin tưởng rằng việc rút nhân sự sẽ không xảy ra.
Sự vững tâm đó có ảnh hưởng tới tình hình?
- Trong một đám cháy, theo góc độ an toàn thì bạn có lựa chọn rút lui và đợi hỏa hoạn dịu đi thì nhảy vào dập lửa. Nhưng với một sự cố hạt nhân, bạn không thể đợi nó qua đi bởi nó sẽ không qua đi mà còn diễn biến tệ hơn.
Kẻ thù đó không chỉ ảnh hưởng tới Nhật Bản mà còn gây nguy hiểm cho cả thế giới.
Khi thế giới có một nghìn, hai nghìn nhà máy điện hạt nhân, chúng ta có thể nói thế giới sẽ an toàn không? Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và đúng đắn về điều này. Tôi nghĩ thế giới có thể có đủ năng lượng mà không cần dựa vào năng lượng hạt nhân hay nhiên liệu hóa thạch. Hãy cùng nhau tạo ra năng lượng tái sinh và lấy đó làm nguồn năng lượng chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận