Một tiết học của thầy trò Trường THCS-THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Luật giáo dục cần phải làm rõ tính chất, hay bản chất của nền giáo dục VN trong tương lai. Điều này rất quan trọng, vì bao năm nay chúng ta không thoát ra được một nền giáo dục ứng thí, làm chúng ta lao đao
PGS Trần Kiều (nguyên viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN)
Hội nghị tham vấn chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 15-12.
Trước hội nghị này, khá nhiều ý kiến ở các hội nghị góp ý cho Luật giáo dục sửa đổi cũng đã đưa ra vấn đề "Nếu đã đặt ra các chính sách ưu đãi cho giáo viên, học sinh phổ thông thì tại sao chỉ áp dụng với giáo viên, học sinh trường công mà bỏ qua trường tư thục?".
Một số ý kiến đề nghị "cần phải miễn học phí cho học sinh trường tư thục".
"Công" và "tư" phải cùng hưởng chính sách
Câu chuyện trên cũng được đặt lại ở hội nghị tham vấn chuyên gia. TS Nguyễn Hải Hữu, phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN, cho rằng: "Cơ chế để đảm bảo công bằng giữa khu vực ngoài công lập với công lập phải rất rõ. Nếu không, người đi học ngoài công lập sẽ không được hưởng bất cứ chính sách gì của Nhà nước".
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hướng đi đúng là chia đều ngân sách trên tổng số học sinh, cho cả những trường tư cung cấp dịch vụ công như trường công lập và Nhà nước sẽ can thiệp về mức học phí.
Còn với những trường tư cung cấp dịch vụ giáo dục cao thì Nhà nước không cần phải đầu tư, học phí là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.
"Việc chi bao nhiêu phần trăm ngân sách cho giáo dục thì nhiều nước đã đưa vào luật. Ở nước ta, ngân sách chi cho giáo dục hiện nay khoảng 20%. Tỉ lệ này đã được xác định thì có thể khẳng định được không?" - ông Nguyễn Sĩ Dũng đề xuất.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề nghị nếu ngân sách không thể miễn học phí cho tất cả học sinh phổ thông thì nên miễn học phí cho đối tượng cần phổ cập - bao gồm học sinh tiểu học, THCS và mầm non 5 tuổi.
"Đối tượng học sinh là con công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có thu nhập thấp, không có điều kiện gửi con vào trường công, mà phải gửi con ở nhóm lớp tư thục nhỏ, lẻ. Đối tượng này cũng cần được xem xét hỗ trợ" - bà Nga nói.
Nên bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm
GS Đào Trọng Thi - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng ông rất ngạc nhiên khi cả Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH đều không có quyết sách về việc dừng thực hiện chính sách miễn học phí dành cho sinh viên sư phạm.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trường Giang - Bộ Tài chính - đề xuất nên sửa đổi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm theo hướng: sinh viên sư phạm sẽ được vay tín dụng nhà nước để trang trải học phí.
Sau khi học, nếu công tác trong lĩnh vực sư phạm, đáp ứng đủ điều kiện thời gian theo quy định sẽ được miễn trả phần vay. Trường hợp không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả tiền vay.
Không phân biệt bằng: tin thất thiệt?
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn trước thông tin trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ không còn phân biệt bằng ĐH tập trung (trước đây vẫn gọi là chính quy) hay không tập trung (trước đây hay gọi là hệ tại chức, vừa học vừa làm) trên văn bằng.
Đáp lại băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Phúc, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định dự thảo luật không hề đề cập đến việc trên bằng cấp có ghi hay không còn ghi hình thức đào tạo (tập trung hay không tập trung). Dự thảo điều 38 quy định "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục kèm theo...".
Như vậy, theo ông Phúc, ghi hay không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng sẽ do bộ trưởng Bộ GD-ĐT cân nhắc, quyết định trên cơ sở các góp ý. Tất nhiên đa số các nước không ghi nhưng với VN, "do có yếu tố lịch sử khiến nhiều người còn nghi ngại về chất lượng..." - ông Phúc nói.
Nguyên tắc biên soạn sách giáo khoa
Tại hội nghị, GS Trần Kiều cho rằng khi đặt ra việc các tổ chức, cá nhân được phép biên soạn sách giáo khoa (SGK), nhiều người cho rằng không khả thi khi biên soạn cả một bộ SGK với khoảng 200 cuốn - khối lượng rất lớn, việc huy động kinh phí cũng là vấn đề khó khăn, nếu không được thẩm định thì bộ sách sẽ không dùng được.
Vì thế, cần phải làm rõ các tổ chức, cá nhân có nhất thiết phải biên soạn cả bộ SGK từ lớp 1 đến 12 hay có thể biên soạn một cấp, một lớp, một môn, thậm chí biên soạn một cuốn sách? TS Nguyễn Hải Hữu cho rằng cần cân nhắc tính vùng miền khi quy định về chương trình SGK, để phù hợp học sinh ở mỗi vùng đặc thù.
Về điều này, GS Trần Quốc Toản - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho rằng luật chỉ đưa vào các nội dung mang tính nguyên tắc, được làm rõ. Còn với những nội dung cụ thể thì nên đưa vào văn bản dưới luật để có cơ hội thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận