07/05/2013 08:42 GMT+7

Chính quyền đô thị: giảm đầu mối, tiết kiệm thời gian

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Đó là nhận định của ông THANG VĂN PHÚC, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ. Theo ông Phúc, việc tổ chức lại chính quyền địa phương, phân biệt rõ chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị đang là yêu cầu bức thiết ở nước ta.

hE0r3O4G.jpgPhóng to
Ông Thang Văn Phúc

* Ông có thể nói rõ hơn tính bức thiết của việc cần xây dựng chính quyền đô thị?

- Việc không phân biệt chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn là bất cập trong việc tổ chức chính quyền địa phương của chúng ta. Sự bất cập thể hiện ở chỗ việc phân chia các đơn vị hành chính lãnh thổ còn hình thức, tổ chức nhiều cấp chính quyền không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng giảm cấp và giảm đầu mối, tăng giao dịch trực tiếp của người dân với cấp chính quyền có trách nhiệm giải quyết công việc trong điều kiện hiện đại hóa nền hành chính, với khả năng giải quyết trực tuyến của chính quyền điện tử...

Hơn nữa, việc phân biệt giữa chính quyền đô thị - nông thôn có cơ sở lý luận và thực tiễn của nó. Trong quá trình phát triển kinh tế, đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của địa phương, là động lực phát triển của một vùng, một địa phương. Đô thị là nơi tập trung dân cư cao, khu vực nội thành có dân phi nông nghiệp là chủ yếu, được hình thành nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khác với địa bàn nông thôn được hình thành tự nhiên của các cộng đồng dân cư hàng nghìn năm. Đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước, vệ sinh... là hệ thống khép kín, đồng bộ. Cả đô thị là một chỉnh thể không bị chia cắt bởi địa giới hành chính bên trong đô thị... Như vậy, mô hình tổ chức chính quyền đô thị càng ít cấp, ít tầng nấc càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

* Như vậy, chính quyền đô thị sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân, doanh nghiệp?

- Hệ thống chính quyền nhiều cấp, nhiều tầng nấc quá thì chỉ một việc nhưng lại có nhiều anh cùng tham gia, cùng quyết định, làm chậm chạp tiến độ giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều đầu mối cùng giải quyết một việc cũng dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho, chạy chọt. Trong khi đó, chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ điện tử rất tiên tiến, người ta bây giờ quản lý bằng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, nhiều công việc được giao tiếp qua mạng Internet, thậm chí là chữ ký điện tử và con dấu điện tử, chứ không phải gặp anh này anh kia vân vi trình bày để xin được chữ ký.

Việc giảm đầu mối giải quyết công việc, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tuân thủ pháp luật, tạo ra các công cụ, bộ tiêu chí để quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong chính quyền đô thị sẽ tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp.

* Ông đề xuất cụ thể gì về mô hình chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng?

- Tôi cho rằng sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội để xác định rõ cấp chính quyền địa phương cơ bản được giao đủ thẩm quyền và ngân sách để có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các nhiệm vụ đã được phân cấp, phân quyền. Cần kế thừa các bản Hiến pháp 1946, 1959 để tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, phù hợp với địa bàn nông thôn và địa bàn đô thị.

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, tôi đề xuất nghiên cứu hai phương án. Phương án 1: tổ chức chính quyền đô thị một cấp ở TP trực thuộc trung ương, TP thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn có HĐND và ủy ban hành chính; còn cấp dưới chỉ có cơ quan hành chính là ủy ban hành chính (ở quận, phường) do chính quyền cấp trên thành lập. Phương án 2: tổ chức chính quyền đô thị ở TP trực thuộc trung ương hai cấp TP và quận có HĐND và thị trưởng, quận trưởng cùng tòa thị chính; cấp phường là hành chính có phường trưởng. Chính quyền TP thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn có HĐND và thị trưởng với tòa thị chính.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên