Nghị quyết trung ương 4 khóa XII đã nhận diện và chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng cần phải chấn chỉnh ngay. |
PGS.TS Lê Quốc Lý - phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đã phân tích như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết trung ương 4 khóa XII.
PGS.TS Lê Quốc Lý nhận định: “Lãnh đạo Đảng đã rất quyết tâm trong thời gian qua, có nhiều biện pháp tích cực chống lại các biểu hiện suy thoái, tha hóa, biến chất trong Đảng. Điều này thể hiện tinh thần mới, quyết tâm mới để Đảng ta vững bền”.
* Sau nghị quyết trung ương 4, Đảng đã có những khởi động mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý quyết liệt sai phạm của cán bộ đảng viên. Sau khởi động, chúng ta cần làm gì để tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh trong tình hình mới?
- Nghị quyết trung ương 4 khóa XII đã nhận diện và chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng cần phải chấn chỉnh ngay.
Thực tế theo quy luật phát triển, trong quá trình hoạt động, tổ chức đảng nào cũng sẽ bộc lộ những yếu kém, mà nếu không chỉnh đốn quyết liệt sẽ có những nguy cơ làm cho đảng đó trở nên suy yếu.
Việc chấn chỉnh, phê bình nghiêm khắc một người từng là cán bộ cấp cao như ông Vũ Huy Hoàng đã tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
PGS.TS Lê Quốc Lý - Ảnh: V.V.T |
Tuy nhiên, những biểu hiện suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ đảng viên mà các nghị quyết Đảng đã nêu chưa giải quyết được triệt để, nên còn phải tiếp tục đấu tranh.
Đặc biệt, năm 2017 chắc chắn việc triển khai nghị quyết trung ương 4 phải quyết liệt hơn nữa, các giải pháp phải đưa từ trên xuống dưới, chỉnh đốn từ cấp cao xuống cơ sở.
Tuy nhiên, việc chỉnh đốn Đảng cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, xử lý điển hình, đảm bảo đủ tính răn đe, rút kinh nghiệm sâu sắc, từ đó đưa ra những quy chế giám sát chặt chẽ hơn.
Như vụ ông Vũ Huy Hoàng đã xử lý như vậy nhưng vẫn phải làm tiếp, phải xem xét có vi phạm pháp luật không, có khai trừ khỏi Đảng không...
Việc xử lý suy thoái trong Đảng không nên làm theo hình thức, phong trào, bởi phong trào chỉ dấy lên một lúc rồi “nguội”, “nguội” rồi thì ai cũng nghĩ thế là xong.
Bài học nghị quyết trung ương 4 khóa XI cho thấy việc triển khai quá rộng rãi sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn. Cứ kiểm điểm tràn lan thì ai cũng kiểm điểm, nhưng cuối cùng ai cũng đạt kết quả tốt.
* Nghị quyết trung ương 4 đã chỉ ra những biểu hiện suy thoái cụ thể của đảng viên, trong đó có đặc biệt cảnh báo tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống. Nhiều người lo ngại chính sự suy thoái về đạo đức, tư lợi cá nhân là căn nguyên tình trạng tha hóa, biến chất của cán bộ đảng viên thời gian qua. Liệu có “thuốc” trị được không, thưa ông?
- Căn nguyên đã rõ, bây giờ chỉ có cách tìm được thuốc, uống thuốc đúng thời gian, đúng liều. Nếu không trị tận gốc, thuốc không đủ liều, mầm bệnh còn đó, con vi trùng chỉ hơi say thuốc, rồi có khi sức đề kháng lại mạnh hơn.
Vậy cần loại thuốc gì? Thực chất là phải kiểm soát quyền lực. Muốn không xảy ra tiêu cực cần có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực lẫn nhau, không cho ai có quyền lực tuyệt đối.
Giữa các cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ, giữa các cơ quan dân sự... đều phải có giám sát bên ngoài, giám sát chéo lẫn nhau. Nếu không có giám sát thì rất dễ tha hóa.
Cần phải thiết kế cho được một nhà nước có cơ chế kiểm soát quyền lực đến cùng. Ở các nước, họ quy định rất rõ người ở vị trí này lương bổng ra sao, thu nhập thế nào, được hưởng những chế độ gì, rất chuẩn mực, không ai được vượt quá.
Còn chúng ta, quy định về quyền lực xử lý công việc, vận hành bộ máy vẫn chưa rõ, chưa được luật hóa đầy đủ, vẫn chủ yếu sử dụng hàng rào “mềm”.
* Như vậy công tác cán bộ cần được đặt ở vị trí nào trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, thưa ông?
- Bài học rút ra từ Đại hội VI của Đảng là một trong những sai lầm lớn nhất chính là công tác cán bộ. Khâu cán bộ không được kiểm soát chặt nên mới có tình trạng có người được nhấc qua nhiều chức vụ như tráng men, mới có chuyện một người 26 tuổi chưa vào biên chế đã cất lên làm vụ phó...
Nếu có những cán bộ như thế thì đất nước không có đường đi lên, Đảng khó lòng bền vững. Cho nên việc đầu tiên để chỉnh đốn Đảng chính là phải xem xét khâu tổ chức cán bộ, phải chặn cửa đem tiền mua quyền, chấm dứt tình trạng “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ...”.
Muốn Đảng trường tồn, nhất định phải có được những cán bộ nhiệt huyết, tài năng, vì dân, vì nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận