12/01/2012 01:17 GMT+7

Chín chữ cù lao

ĐÀO THỊ LỆ XUÂN
ĐÀO THỊ LỆ XUÂN

TT - Giờ đây, khi mang trong mình một sinh linh bé bỏng, khi đã cảm nhận được từng chuyển biến của hài nhi, con càng thấu hiểu, càng thấm thía những nỗi khắc khoải trong khát khao chờ đợi, những niềm hi vọng trong cháy bỏng âu lo mà mẹ của con đã từng trải.

RmooIuYs.jpgPhóng to

Con được sinh ra trong cái giá buốt thấu tận tâm can của một buổi sáng mùa đông năm 1985. Là kết quả của hai ngày mẹ quằn quại đau đớn, của ba năm mẹ khắc khoải đợi chờ, của bốn lần mẹ sinh hạ trong niềm hi vọng âu lo. Mẹ đã trào nước mắt khi được nghe tiếng khóc ngằn ngặt của con, khi được tận tay đón con từ cô y tá, khi cảm nhận được khuôn mặt bé xíu của con áp vào bầu sữa. Tất cả đã là sự thật. Hoàn toàn là sự thật. Ba năm trời mẹ mỏi mòn trông mong. Mỗi lần biết mình có thai là mỗi lần hi vọng và lo sợ quặn thắt trái tim mẹ. Lần đầu nhìn thấy đứa con trai trắng trẻo khôi ngô đã lạnh ngắt trên bàn sinh, mẹ khóc ngất. Lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Bà nội đi xem bói nói mẹ cao số, bà bắt bố lấy vợ khác. Khi cái thai thứ ba cũng không được làm người, bà càng giục bố gay gắt hơn. “Con cái gì! Thì bà cứ để từ từ...”. Bà không giục bố nữa nhưng lại bóng gió đay nghiến mẹ. Những lần bố đi vắng là những lần bát cơm mẹ chan đầy nước mắt.

"Con đã lần đi từng bước trong cái thế giới tăm tối của con như thế. Mỗi bước chân con đều có dấu chân mẹ song hành"

Song tất cả đã qua. Giờ mẹ đã có con, niềm hạnh phúc của mẹ. Con của mẹ được cả nhà nâng niu, cưng nựng. Có cháu, bà nội đã ít ghẻ lạnh mẹ, bố hay cười và thường ở nhà hơn. Nhưng được một tháng, mẹ đành phải gửi con cho bà nội để chạy chợ. Mẹ đi từ bốn giờ sáng đến tám chín giờ tối mới về. Nghe bà nói ở nhà con thèm sữa cứ khóc suốt, mẹ xót quá. Đứng bán hàng, bầu sữa căng mọng đau nhức, mẹ lại trào nước mắt thương con. Con của mẹ mới một tháng tuổi! Tầm này, như con người ta...

Nhìn búp bê của mẹ khôn lớn từng ngày, mẹ chất chứa hi vọng. Mẹ âm thầm cố làm lụng chắt chiu chuẩn bị cho tương lai của con. Mẹ lấy nhiều hàng hơn, gắng đi sớm để chọn được chỗ đông khách, tối nán lại lâu hơn bán cho những người về muộn, trưa nắng mọi người tranh thủ nghỉ ngơi mẹ lại đi bán dạo trong làng. Cùng mọi người ghé vào uống cốc nước chè, ăn cái bánh rán, mẹ rơm rớm nước mắt nghĩ đến con. Chỉ uống cốc nước chè cho đỡ khát, còn cái bánh mẹ gói về cho con. Mẹ về muộn, khi con đã ngủ say. Hôm sau bánh đã bị ỉu nhưng con vẫn thích lắm. Từ đó nhiều hôm mẹ tranh thủ về sớm, mua thật nhiều bánh cho con. Nhìn con vừa háo hức ăn vừa líu lo kể chuyện, mẹ cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc vô bờ của những người mẹ.

Nhưng một bất hạnh! Lại một bất hạnh nữa đã đổ ập xuống đầu mẹ. Hôm ấy đang bán hàng như thường ngày nhưng chưa bao giờ mẹ nóng ruột đến thế. Lo có chuyện gì xảy ra với con, mẹ vội gửi hàng nhờ người bán giúp, tất tả đạp xe về. Vừa đến cổng mẹ đã nghe con khóc, tiếng khóc đã ngàn ngạt. Mẹ vội đón con trên tay bà. Người con nóng bỏng, hai mắt đỏ nhừ. Bố mẹ cấp tốc đưa con vào bệnh viện.

- Cháu bị ung thư võng mạc, tỉ lệ điều trị thành công rất thấp. Có thể phải khoét bỏ đôi mắt mới giữ được tính mạng - bác sĩ nói.

Trời đất quay cuồng, mẹ khuỵu đổ. Hạnh phúc, hi vọng của mẹ mới chỉ nhen nhóm đây thôi. Con còn bé bỏng quá! Sao nỡ? Mẹ ghì chặt con vào lòng. Làm sao mẹ có thể chịu nổi? Họ sẽ lấy đi đôi mắt của con, đôi mắt vẫn long lanh đón mẹ sau mỗi phiên chợ, đôi mắt thông minh, láu lỉnh mỗi khi chọc mẹ cười, đôi mắt thơ ngây biết nói mỗi khi mẹ buồn, đôi mắt... Thiên thần của mẹ.

Hằng ngày mẹ bế con ra sân, chỉ cho con từng cây hoa, chậu cảnh. Mắt con đã yếu lắm. Các bác, các cô, ai cũng muốn bế con: “Con bé bụ bẫm, xinh xắn quá!”. Nghe mọi người khen, mẹ tủi thân chực khóc. Mẹ đã kể cho mọi người biết bao chuyện về con.

Ngày mai con sẽ lên bàn mổ. Bất giác mẹ siết chặt con vào lòng. Cổ họng nghẹn đắng mà mẹ không thể khóc! Trong tay mẹ, hơi thở con vẫn đều đều, nặng nhọc. Ngày mai. Mẹ hoang mang nghĩ về tương lai.

Hai tiếng đồng hồ. Cánh cửa phòng mổ bật mở. Mẹ vụt đứng dậy. Trên chiếc băng ca con nằm im bất động, khuôn mặt bé xíu chìm dưới lớp băng trắng toát. Mẹ chuệnh choạng kiệt sức.

Những ngày tiếp theo không một bước mẹ rời khỏi con. Mỗi lần thay băng, nhìn con nhăn mặt chịu đau không khóc, lòng mẹ se sắt yêu thương. “Có thể tháo băng cho cháu được rồi”, bác sĩ bảo.

Mẹ thảng thốt. Đã chuẩn bị cho thời khắc ấy nhưng bây giờ khi nó đến mẹ vẫn sợ vô cùng. Mẹ đã thấy rõ nét hớn hở, rạng ngời trên gương mặt con. Sẽ giải thích với con sao đây khi con hỏi mẹ? Làm sao cho con chấp nhận được thực tế bây giờ!?

Mảnh băng trắng đang được từ từ gỡ ra khỏi mắt con trong nỗi buốt nhói của mẹ. Con cố mở mắt nhìn.

- Mẹ ơi!

- Mẹ đây - Mẹ vội nắm tay con.

- Sao con vẫn chưa nhìn thấy mẹ?

Con đưa tay sờ lên mắt. Đôi mắt giờ đã trũng sâu vô dụng.

- Ơ! Sao mắt con lạ thế mẹ?

Người mẹ câm lặng, ràn rụa nước mắt.

Mẹ cũng không biết hồi ấy bố mẹ đã giải thích cho con như thế nào. Nhưng con đã không kêu gào, khóc lóc. Con ngơ ngác, hốt hoảng. Con luôn cố gắng nhìn mọi thứ. Khi mẹ đưa cho con chiếc khăn mặt, con giơ lên nhìn, con ghé mắt sát vào bức tường lớn, con đòi mẹ đưa ra vườn ngắm những chậu hoa mà mẹ đã chỉ cho con. Khi mẹ đặt tay con lên những bông hoa đang nở, con đã bật khóc. Con khóc nức nở, tuyệt vọng. Mẹ ôm con tê tái nghẹn ngào.

Ngày xuất viện. Về nhà mình mà con như đến một nơi xa lạ. Con bước từng bước dò dẫm, bối rối. Bác sĩ dặn phải tập cho con tự làm mọi thứ. Mẹ hiểu. Mẹ đã dắt con từng bước một chứ không bế con lên, để con ngồi vào một chỗ. Mẹ tập cho con tự đến lấy những thứ con cần chứ không lấy hộ con. Con phải mò mẫm, quờ quạng từng bước. Mẹ xót quá nhưng biết làm sao. Mẹ thương con nhưng một ngày nào đó mẹ cũng sẽ phải xa con. Con phải tự bước đi một mình nhưng chưa bao giờ ánh mắt mẹ rời khỏi con. Mẹ thấp thỏm lo lắng khi phải đi làm mà để con ở nhà. Niềm vui của mẹ biến đổi theo nét mặt con từng ngày. Mỗi ngày qua đi, mẹ càng cảm nhận rõ sự thích ứng của con trong cuộc sống mới. Con đã dần quen thuộc lối đi trong nhà. Con tự mình đi chơi khắp xóm.

Con đã lần đi từng bước trong cái thế giới tăm tối của con như thế. Mỗi bước chân con đều có dấu chân mẹ song hành. Vòng tay mẹ luôn dang rộng quanh con, sẵn sàng nâng con lên nếu con vấp ngã. Từ vòng tay ấy con đã vững vàng bước đi. Để rồi mười một tháng giêng năm 2004, cái ngày định mệnh đã quyết định cuộc đời con.

Trong cái se lạnh, lất phất mưa phùn của tiết trời miền Bắc cuối đông đầu xuân, mẹ con mình đã khăn gói lên tàu. Bỏ qua mọi lời can ngăn của những người xung quanh, rằng: “Đằng nào cháu cũng hỏng mắt rồi, chị cho nó ở nhà gần bố gần mẹ, đi xa làm gì”; rằng: “Trước sau anh chị cũng phải nuôi cháu, học làm gì nhiều!”; rằng... Mẹ nén lại mối lo con một mình thân gái dặm trường, kiên quyết cho con đi. Bởi mẹ hiểu đó là điều tốt nhất cho con và mẹ biết con gái mẹ sẽ chấp nhận tất cả để tìm kiếm một tương lai. Dù bị say tàu xe, mẹ vẫn quyết định sẽ thay bố đưa con vào Sài Gòn để được nhìn tận mắt nơi ăn chốn ở của con, để được biết con sẽ học hành trong điều kiện như thế nào.

Bảy năm một mình nơi đất khách quê người, chốn đô thành với biết bao bon chen, thử thách đối với con không hề dễ dàng. Nhưng từng bước con đã vượt qua tất cả. Mục tiêu sắp tới của con là tấm bằng đại học thứ hai. Con biết còn nhiều lắm những khó khăn đang chờ con phía trước. Nhưng con sẽ không bao giờ chùn bước bởi con đã có đôi tay mẹ, điểm tựa mãi mãi nâng con lên.

Nét bút tri ân lần 3

Cuộc thi Nét bút tri ân lần 3 bắt đầu từ ngày 20-11-2011 và kéo dài đến 20-4-2012, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục - đào tạo, Ngân hàng TMCP Đông Á, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, Ban thanh thiếu niên VTV6 phối hợp tổ chức. Tham khảo thông tin chính thức về cuộc thi trên website www.netbuttrian.vn hoặc tuoitre.vn.

Xin giới thiệu bài viết được điểm cao nhất tháng đầu tiên của bạn Đào Thị Lệ Xuân.

ĐÀO THỊ LỆ XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân