![]() |
Nhà văn Sơn Nam - Ảnh: Đức Huy |
Tôi đến thăm ông tháng ba năm trước, sau tết ta độ mấy tuần. Qua cầu Bông, loay hoay cũng phải chục phút mới nhớ ra con hẻm nhà ông. Dân Sài Gòn vốn quen nếp sống đô thị biết tên hàng xóm hai bên vách đã là hiếm vậy mà từ đầu hẻm hỏi nhà ông Sơn Nam, bà hàng xén rồi cô bán cà phê cóc đã nhiệt tình chỉ dẫn rất chu đáo.
Mở cổng cho tôi là vợ chồng cô con gái. Bà vợ khoảng ngoài 60, không biết là bà thứ mấy, nhanh nhẹn chào hỏi và đưa tôi đến chỗ ông nằm. Đã biết tính ông già, không sữa bột ngoại nhập hay trái cây đắt tiền, chỉ cần mấy hộp sữa ông Thọ, bịch cà phê xay và chục cam mật là đủ. Ông chỉ thích uống cà phê sữa, nhiều cà phê ít sữa, thức uống ông gọi là xây nại.
Tôi còn nhớ lần gặp đầu tiên ông đã tỉ mỉ giúp tôi phân biệt xây chừng là cà phê đen, xây nại là cà phê sữa nhiều cà phê, bạc xỉu là cà phê sữa nhiều sữa. Giải thích xong ông hỏi tôi mắt nhướng nhướng đúng kiểu ông già Nam Bộ: “Nói tiếng Nam rặt sao hổng biết mấy thứ này”. Tôi ngượng nghịu trả lời mình sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng gốc Bắc và cả đời chỉ uống đá chanh, mới uống cà phê đá từ hồi bỏ dạy tập tành viết lách độ hơn năm nay. Ông cười miệng móm xọm gật gật đầu ra chiều thông cảm.
Trên chiếc giường cá nhân bên khung cửa sổ đầy nắng, ông mặc pizama cũ sọc xanh trắng, nghiêng xoay người vào vách như đang ngủ. Vậy mà tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế cạnh chân giường, ông đã xoay người hấp háy mắt hỏi ai đó như đang nóng lòng chờ một người khách hẹn đến chơi. Mới mấy tháng mà trông thần sắc ông khác quá. Mái tóc trắng cắt ngắn lởm chởm, râu ria cũng bạc trắng, gương mặt như nhỏ lại, má hõm sâu. Chỉ có cặp mắt là vẫn thế, đang đục lờ, lim dim bỗng thỉnh thoảng lóe lên một tia tinh anh, sắc sảo. Nắng sáng chiếu lên làn da xanh của ông, thỉnh thoảng một vài giọt nắng đậu trên tóc, trên áo rồi nhảy nhót xuống chiếu.
Tôi hỏi bác còn nhớ cháu không ? Hỏi cho có hỏi chứ không nghĩ ông còn có khả năng lưu giữ những thoáng chốc lướt qua cuộc sống mình ở hoàn cảnh này. Vậy mà ông trả lời làm tôi hết sức ngạc nhiên: “Cô làm phim cho học trò học phải không?”, giọng nói chừng đã ngọng nghịu rất khó nghe. Tôi cầm lấy bàn tay ông, mấy ngón tay mảnh khảnh thuôn dài giờ chỉ còn da bọc xương, nhăn nheo, cứng quèo. Chợt thấy chua xót. Bàn tay đã viết những trang văn tài hoa, hào sảng về đất và người phương Nam giờ gần như bất động, lạnh lẽo không còn sinh khí.
Tôi nhớ tấm ảnh ông cho tôi xem lần trước. Đâu rồi người đàn ông da ngăm đen, tóc rối lòa xòa rũ xuống trán, mắt trầm tư nhìn theo làn khói thuốc chập chờn? Cứ im lặng thế hồi lâu bất chợt ông hỏi: Có về Bạc Liêu không? Lại một giây thảng thốt. Ông già không quên thứ gì cả! Ông nói khó nhọc: Qua quê ở An Giang nhưng đã tới xứ đó hồi lâu rồi. Xứ đó nhiều khô cá lắm, nhiều muối nữa. Xứ nào của miền Tây cũng giàu đẹp.
Rồi ông im lặng, mắt nhắm nghiền hơi thở nhè nhẹ như say ngủ hay đang chìm vào hồi ức. Đã quen từ lần gặp trước, tôi cứ kiên nhẫn ngồi đợi. Ông lại mở mắt hỏi tôi như câu chuyện vẫn liền mạch không hề đứt đoạn: Biết tại sao cải lương và đờn ca tài tử không bị diệt vong không? Không cần tôi trả lời, ông nói luôn: Vì nó là bản chất, là tinh túy nhất của Nam Bộ, chỉ có đồ giả mới sợ, vàng không sợ lửa phải không? Như đạo Hòa Hảo cũng vậy, bao nhiêu biến động thời cuộc vẫn không hề hấn gì vì nó sống trong cái vựa lúa gạo khổng lồ và sự lành mạnh của người dân. Lời ăn tiếng nói cũng vậy, cả một kho, qua học hoài mà không hết chữ.
Tôi kinh ngạc ngắm nhìn ông già trong cái thời khắc minh triết hiếm hoi này. Hình như tâm thức ông vẫn đang miệt mài, nung nấu điều gì đó chỉ có ông mới biết, cho dù thân xác đã tàn tạ, bất lực. Mới hay cõi nhân sinh bí ẩn vô chừng.
Ông lại nghiêng người như bứt rứt, khổ sở trên chiếc giường chật chội. Cũng phải thôi, con người đã đi miết như ông giờ làm sao chịu nổi không gian chật hẹp này. Rồi lại hỏi rất tự nhiên: Làm phim hả? Được, nhưng có tiền nhiều không ? Phải có tiền mới làm được nghe. Hàm răng đã rụng hết, lộ chiếc lưỡi di chuyển qua lại theo từng cử động khi nói làm gương mặt ông có nét gì đó rất thơ trẻ.
Tôi cười cười nói; Có tiền nhưng không nhiều, đủ cho bác uống cà phê vài tháng được không? Ông cũng cười nhăn nhúm hết gương mặt bé xíu: Vậy cũng được, nhưng bây giờ có đi được đâu, thèm ngồi quán cóc Sài Gòn quá. Lâu không thấy đứa nào tới chở đi chơi. Nhưng bác phải ăn nhiều, ngủ nhiều để đóng phim nghe. Bác phải kể chuyện ngày xưa đi dạy làm báo viết văn, chuyện Tư Hoạch Bắt sấu rừng U Minh Hạ đẹp giàu, về Hương Rừng Cà Mau để mai mốt học trò nhớ bác hoài, để bác ở lại hoài dù có lỡ đi xa tới đâu.
Nói tới đó tự nhiên tôi nghẹn lời, tự hỏi lòng: không biết có kịp không? Lại hứa hẹn với ông những điều bản thân mình cũng chưa chắc là có thể. Mà thật sự tôi chỉ có nhiệt tình và niềm khát khao làm một cái gì có ý nghĩa, gọi là chút nghĩa trả cho những con người đã nuôi dưỡng tâm hồn mình qua những trang viết đẹp đẽ của họ. Nhưng nhiệt tình và khát vọng có nơi nào định giá được bao nhiêu để tôi đủ sức thuyết phục những nhà kinh doanh và quản lí giáo dục mở hầu bao cho một nhà văn lớn của Nam Bộ nhưng tác phẩm chỉ được đọc thêm trong nhà trường? Tôi lủi thủi ra về với quyết tâm đi tìm nhà tài trợ cho bộ phim của tôi. Nhưng tìm ở đâu thì thật sự tôi cũng còn mơ hồ lắm.
Suốt tháng tư, tháng năm làm phim chân dung nhà văn Tô Hoài vì cơ hội đến thật hiếm hoi và ông cũng đã chậm chạp lắm. Chuyến ra Hà Nội đó tôi được nhiều nhà giáo, nhà văn và bạn bè giúp đỡ để tôi đi đến cùng giấc mộng ngông ngạo của mình chỉ với mười lăm triệu đồng cho toàn bộ phần nội dung của bộ phim tư liệu dài 33 phút. Để tôi phấn khích tin rằng mình sẽ làm phim về Sơn Nam còn thuận hơn vì không phải đi xa thế. Rồi chúi đầu vào biên tập, làm hậu kì, tuyên truyền đến các trường học ở miền Nam. Một vài trở ngại về kinh phí, phát hành lù lù xuất hiện cũng không làm lòng nhiệt thành lung lay, hao mòn.
Và thật sự là không kịp nữa rồi. Cả đời tôi cứ phải hối hận, day dứt vì những chùng chình. Một tuần đi công tác Cà Mau, Bạc Liêu không có thời gian để nhìn đến Internet, không cả báo chí, chiều 14-8 ngồi trên xe về Sài Gòn lật lật trang Tuổi Trẻ thấy tin Sơn Nam qua đời. Biết là sẽ tới ngày này mà vẫn không muốn tin.
Lúc xe sang phà Hậu Giang tôi bước ra mũi phà, tì tay vào song sắt nhìn ra mặt sông Hậu mênh mông trong nắng chiều. Những gợn sóng vàng nối tiếp chạy đến vô cùng. Con thuyền ai đang nhấp nhô trên sông nhỏ bé và đơn độc. Dáng người đàn bà chống mũi sào ngược nước vừa mạnh mẽ vừa buồn bã. Giọng hò cất lên tiếng được tiếng mất trong gió. Rặng cây xa mờ bên kia sông. Hình như tôi đã thấy những cảnh tượng này từ thơ bé trong những trang viết của ông.
Gió sông lồng lộng thổi bạt tóc. Gương mặt tôi in mờ mờ trong làn nước đục ngầu phù sa. Chuyến phà nào đã từng đưa ông qua sông Hậu năm xưa? Và mặt nước này có từng lưu lại Hình bóng cũ? Ông đã yêu đất phương Nam này đến cạn kiệt lòng mình, rút ruột trả nợ cho tình yêu đó, đến tận trang khảo cứu cuối đời cũng dành trọn cho những Chuyện xưa tình cũ. Nước chảy mây trôi nhưng tôi tin hồn phách ông mãi ở lại với đất trời Nam Bộ.
Cánh Chim Quyên xuống đất năm xưa sau những rong chơi mỏi mệt của kiếp người giờ đang phiêu diêu nơi nào trong cõi vô thường?
*****************************
Tin bài liên quan:
Nhớ Sơn NamTái bản sách Sơn Nam nhân kỳ giỗ đầu Ông già Nam bộ đã có nơi về không lạnh lẽo Con đường dài của người đi bộHạt bụi nghiêng mình nhớ đất quêVĩnh biệt "ông già Nam bộ" Sơn NamNhà văn Sơn Nam: Cả đời viết về cuộc khẩn hoang Nam BộĐi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn NamNhà văn Sơn Nam đang nguy kịchNghe chuyện xưa, tích cũ với Sơn NamBấm vào đây nghe Biển cỏ miền TâyBấm vào đây nghe tuyển tập truyện ngắn Sơn Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận