14/05/2012 07:45 GMT+7

Chìm nổi theo tàu Vinalines

BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN
BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN

TT - Từng gắn bó với các con tàu của Vinalines vượt đại dương, rong ruổi khắp nơi, nay tàu kinh doanh thua lỗ, nằm bờ, nhiều thủy thủ bị cùm chân một chỗ trên tàu, sớm tối quẩn quanh trên một bến sông nhỏ.

Vinalines mua tàu cũ hơn 1 tỉ USDĐổ 100.000 tỉ vào VinalinesVinalines chi 490 tỉ đồng mua “đống sắt” 43 tuổi!

HYJQQtSh.jpgPhóng to
Nhiều thủy thủ trên tàu Sông Gianh bị nợ lương nhiều tháng nay- Ảnh: ĐÌNH DÂN

Đằng sau số phận chìm nổi theo những con tàu của Vinalines là gia đình của những thủy thủ. Họ cũng phải sống lay lắt qua ngày vì thu nhập giảm thê thảm, không đủ chi tiêu.

Thoi thóp trên tàu “chết”

Suốt gần bốn năm nay, ở khu vực phao MAR2 trên sông Sài Gòn (đoạn gần cầu Phú Mỹ, huyện Nhà Bè, TP.HCM), tàu Sông Gianh đồ sộ đã được người dân và thủy thủ trên tàu đổi tên thành “chùa Sông Gianh”. Các thủy thủ trên con tàu này thường than vãn rằng người ta nói sống tạm bợ qua ngày nhưng ở đây phải sống tạm bợ hết năm này qua năm khác. Ai cũng ngán ngẩm cuộc sống thiếu thốn và tẻ nhạt trên con tàu gần như đã “chết”. Tại đây, dù đang ban ngày nhưng nhiều thủy thủ phải chui vào ngồi trong mùng vì muỗi quá nhiều.

Thuyền phó tàu Sông Gianh cho biết các thủy thủ cứ luân phiên nhau mỗi người phải đến đây trông coi tàu vài năm rồi thay người khác. Thời điểm này trên tàu chỉ còn năm người gồm thuyền trưởng, thuyền phó và ba thủy thủ. Thủy thủ trưởng Đoàn Ngọc Bạch cho biết công việc hiện nay là trông coi tàu khỏi trộm cướp, mưa gió, buộc dây neo. Ông Bạch được giới đi biển giới thiệu là một thủy thủ lão luyện, có thâm niên đi tàu biển từ năm 1976 đến nay, qua nhiều tàu như: Hoa Sen, Bạch Đằng Giang, các tàu vận tải, tàu chở dầu...

Thế nhưng, dù nhiều kinh nghiệm lèo lái các con tàu đến mấy, giờ đây ông Bạch cũng phải cam chịu số phận ở yên một chỗ. “Sau một thời gian nằm bờ cùng tàu Hoa Sen, đến lúc tàu tiếp tục nằm bờ tại Trung Quốc thì công ty điều tôi về trông coi tàu Sông Gianh từ đầu năm nay. Tôi đã qua nhiều năm rồi nên giờ tàu “chết” cũng phải ráng theo, chỉ thương mấy em trẻ phải rơi vào cảnh ngồi đây chờ đợi không biết khi nào mới được ra khơi. Ở đây, họ vừa không được học nghề mà thu nhập chẳng đủ sống...” - ông Bạch tâm sự.

Trên tàu Sông Gianh này có ba thủy thủ đang ở tuổi đôi mươi, họ đều tốt nghiệp trường cao đẳng, đại học hàng hải. Ra trường với dự định “vươn ra biển lớn” nhưng giờ đây họ phải chôn chặt những hoài bão ấy trong lòng. Thủy thủ Hoàng Đình Long rầu rĩ: “Mình ăn học ra giờ bỏ nghề cũng không đành...”.

Cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn là tình cảnh của hầu hết thủy thủ, thuyền viên khi chẳng may bị phân công nằm một chỗ cùng những con tàu không có tương lai ra khơi, những thiết bị hàng trăm tỉ đồng đã mua sắm về mà chưa khai thác được. Trên ụ nổi No83M (thiết bị dùng trong ngành sửa chữa tàu biển) nằm tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai), hơn 10 thuyền viên, công nhân cơ khí hiện nay không còn được làm nhiệm vụ chuyên môn mà chuyển sang công việc của một bảo vệ. Anh Đ., một công nhân cơ khí đã gắn bó với ụ nổi này hơn ba năm nay, than vãn đã quá chán nản khi thấy tương lai mù mịt.

“Không biết lương được bao nhiêu nữa!”

Bao giờ được ra khơi...

Bước chân lên những con tàu nằm bờ của Vinalines, ở đâu cũng có một điểm giống nhau là gặp những khuôn mặt khắc khổ, bi quan của thủy thủ. Chiều nào họ cũng ra boong tàu ngồi nhìn xa xăm. Không chỉ ngóng về gia đình ở xa với tâm trạng rối bời vì không có tiền để thực hiện trách nhiệm người cha, người con, họ còn nhìn theo những con tàu khác vẫn lần lượt chạy qua, chất hàng đầy ắp, trong khi phận mình không biết đến bao giờ mới được ra khơi...

Ụ nổi No83M được mua về để phục vụ việc sửa chữa tàu biển nhưng từ khi mua về đến nay đã gần bốn năm, chính ụ lại phải sửa chữa hết lần này qua lần khác và hiện vẫn đang trong quá trình sữa chữa tiếp! Điều này khiến nhiều công nhân làm việc trên ụ rơi vào thảm cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. “Tôi phải tranh thủ những ngày được lên bờ để đi làm thuê, làm mướn cho các tiệm cơ khí lấy tiền sống qua ngày. Trông chờ vào đồng lương ở đây thì không đủ nuôi bản thân chứ nói gì đến giúp đỡ gia đình” - anh Đ. than vãn.

Theo anh Đ., thời gian đầu về làm, tổng tiền lương và phụ cấp ăn uống anh nhận được là 2,6 triệu đồng/tháng. Còn hiện nay, khi chỉ làm việc trông nom ụ nổi, hỏi lương nhận được bao nhiêu mỗi tháng, anh Đ. lắc đầu ngao ngán: “Tôi cũng không biết lương mình còn nhận được bao nhiêu nữa, chỉ biết mỗi tháng ứng lấy 2 triệu đồng để mua cơm ăn”.

Thu nhập eo hẹp, không đủ chi tiêu, nhiều thủy thủ không dám tranh thủ vào bờ thăm gia đình dù cả trong những ngày được nghỉ luân phiên. Thu nhập của nhiều thủy thủ giảm một nửa. Không những thế, số lương còn lại công ty nợ triền miên từ tháng này qua tháng khác. Các thủy thủ trên tàu Sông Gianh cho biết hiện tại ai cũng bị công ty nợ lương vài tháng chưa trả. Thuyền phó bị nợ, thủy thủ trưởng bị nợ, các thủy thủ còn lại cũng bị nợ 2-6 tháng.

Riêng thủy thủ trẻ nhất trên tàu Nguyễn Văn Tới bị nợ tới sáu tháng lương. Tới buồn rầu kể: “Tôi lên tàu Sông Gianh được hơn một năm nay nhưng công ty đang nợ tới sáu tháng lương. May mà tiền cơm hằng ngày không bị nợ, chứ không chắc chết đói. Tôi đang phải viết đơn xin nghỉ việc trước thời hạn hợp đồng để đi kiếm sống ở nơi khác”.

Khổ nhất trong mấy thủy thủ là anh Hoàng Đình Long, tàu nằm bờ công ty nợ lương nên anh không còn tiền gửi về cho vợ con. Con trai đầu lòng mới sáu tháng tuổi phải gửi cho ông bà nội, ngoại nuôi giùm. “Mấy ngày trước công ty trả cho 2 triệu đồng tiền lương của một nửa tháng 2. Lương tháng 3 và tháng 4 công ty vẫn chưa trả. Đợt này ngoài quê nắng nóng, con sốt hoài mà chẳng có tiền gửi về cho vợ mua thuốc men, đành phải nhờ ông bà chăm giùm” - anh Long than thở.

BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên