Đó là những câu hỏi liên quan đến vụ tai nạn ở biển Cần Giờ mà PV Tuổi Trẻ cố gắng “giải mã” nhưng vẫn chưa có câu trả lời trọn vẹn.
Phóng to |
Anh Nguyễn Văn Cương, người duy nhất gọi điện thoại cầu cứu, kể chuyện gặp nạn với PV Tuổi Trẻ - Ảnh: M.Trường |
Đại tá Lê Ngọc Hùng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng TP.HCM, nói ông rất đau lòng và tiếc vì chỉ nhận được thông tin canô bị nạn ở vùng biển Cần Giờ quá muộn, lúc 21g30 ngày 2-8, lẽ ra là phải sớm hơn thời điểm này, tước đi cơ hội sống sót của nhiều hành khách.
Báo tin quá trễ
Anh Nguyễn Văn Cương, người gọi về đất liền cầu cứu, cho biết anh đã gọi cho ông Hà Ngọc Phước - giám đốc Nhà máy Sản xuất ống thép dầu khí - khoảng 19g, ngay sau khi tàu lật vài phút. Nhưng đến 21g, Cảng vụ Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khu vực 3 tại Vũng Tàu mới nhận tin canô chìm từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn, công tác tại Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Maria - đơn vị hợp đồng đưa nhóm của PV Pipe đi chơi. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tuấn tỏ ra rất ngập ngừng, không muốn nói về chuyện báo tin ra sao mà chỉ nói mình nhận được tin nhắn không rõ của ai vào 20g25, sau đó đi trình báo. Khi chúng tôi yêu cầu ông Tuấn cho xem tin nhắn và số điện thoại để đối chiếu thì ông Tuấn nói xóa từ lâu. Về việc ông Tuấn báo tin, đại tá Lê Ngọc Hùng cho biết thông tin tàu bị nạn được phía Vũng Tàu chuyển ngay cho TP.HCM nhưng khi liên lạc với ông Tuấn theo số điện thoại ông ghi trong đơn báo thì điện thoại tắt máy.
Ông Phước xác nhận được anh Cương báo tin khoảng 19g30 và gọi ngay cho ông Sơn - giám đốc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina và ông Vũ Văn Đảo - giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc (gọi tắt là Công ty Việt - Séc). Sau đó ông Phước liên lạc nhiều lần với anh Cương để nắm tình hình và liên tục báo tin. Ông Phước cho rằng lý do báo cho ông Sơn và ông Đảo vì đây là hai đơn vị phối hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển công nhân đi Vũng Tàu. Ông Phước còn nói ông Sơn và ông Đảo có nói với ông là sẽ điều tàu cứu nạn và báo tin ngay cho cơ quan chức năng. Yên tâm với lời hứa này, ông Phước không báo tin cho bất kỳ cơ quan cứu nạn nào tại TP.HCM, Vũng Tàu hay Tiền Giang. Tin nhắn mà ông Tuấn nhận được, theo ông Phước, là của anh Cương sau khi chờ quá lâu mà không thấy phản hồi về việc cứu nạn.
Như vậy, theo lời ông Hà Ngọc Phước, khoảng 1 giờ 30 phút sau khi ông báo tin cho ông Sơn và ông Đảo thì Cảng vụ Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3 mới nhận được tin. Chiều tối qua 4-8, chúng tôi liên lạc với ông Sơn và ông Đảo qua điện thoại để được giải thích thêm về sự chậm trễ này nhưng cả hai đều không bắt máy, dù trước đó hai ông có trao đổi về một số vấn đề khác.
Phóng to |
Đồ đạc, tư trang cá nhân của 30 người đi trên canô H29-BP được đưa ra khỏi cabin vào chiều 4-8 - Ảnh: Đông Hà |
Báo tin chưa trung thực?
Tìm đến Cảng vụ Vũng Tàu, chúng tôi được ông Lê Văn Chiến (giám đốc) cho biết một thông tin khá bất ngờ: tin báo đầu tiên từ ông Tuấn chỉ cho biết canô bị chết máy cần hỗ trợ chứ không nói ngay là bị chìm, thông tin đầu tiên cũng nói tất cả hành khách đều mặc áo phao (trong khi thực tế 8/9 nạn nhân thiệt mạng không mặc áo phao). “Cấp độ báo tin như vậy là hoàn toàn khác với tình trạng khẩn cấp của chiếc canô, đó là chưa kể tin không báo tọa độ nên việc triển khai cứu nạn là cực kỳ khó khăn” - ông Chiến nói.
Có mặt tại Vũng Tàu để chỉ huy tìm kiếm nạn nhân, ông Nguyễn Nhật - cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - tỏ ra rất bức xúc về việc báo tin chậm trễ và nội dung tin báo không đúng sự thật. Theo ông Nhật, cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc này, bởi nó ảnh hưởng quá lớn đến việc cứu nạn ban đầu. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Chiến cho rằng không loại trừ Việt - Séc đã chủ quan, cố gắng tự xử lý tình huống, không muốn thông tin canô bị chìm lọt ra ngoài.
Có canô cùng đoàn ngang qua
Không thể chạy luôn và im luôn Về việc hai canô đi ngang qua canô bị chìm không tham gia cứu nạn, ông Lê Văn Chiến khẳng định nếu xét theo luật, thấy phương tiện thủy khác bị nạn thì hai canô này không được bỏ đi mà phải ứng cứu. Tuy nhiên lúc này trên cả hai canô đều đang chở khách quá tải, trong điều kiện thời tiết xấu, dừng lại cứu nạn có thể sẽ bị sóng đánh chìm. Do đó, việc chạy về phía Vũng Tàu để bảo đảm an toàn cho hành khách có thể chấp nhận được. “Nhưng sau đó thì buộc phải quay ra để cứu, đồng thời báo ngay cho cơ quan cứu nạn chứ không thể chạy luôn và im luôn như vậy” - ông Lê Văn Chiến bức xúc. |
Nghi vấn về hai chiếc canô còn lại trong đoàn đi ngang qua nhưng không dừng lại cứu nạn mà bỏ đi về phía Vũng Tàu được Cảng vụ Vũng Tàu xác nhận. Theo ông Lê Văn Chiến, đến thời điểm này cảng vụ biết được có ba canô chạy nối tiếp nhau với khoảng cách không xa trên hành trình từ bến cá Vàm Láng (Tiền Giang) về Vũng Tàu.
Anh Đoàn Văn Thanh, thành viên của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV Pipe), đi trên một trong hai chiếc canô còn lại, cho biết canô của anh xuất phát lúc gần 18g, chỉ sau chiếc canô gặp nạn ít phút. Khi chúng tôi hỏi về chuyện có biết chiếc canô đầu tiên bị chìm không, các nhóm trưởng (theo danh sách do PV Pipe lập) là Nguyễn Thành Hưng, Đoàn Văn Thanh, Hồ Hữu Lộc và Nguyễn Đình Sơn Vương đều xác nhận canô của họ đi sau canô đầu tiên chỉ ít phút, nhưng những người này tỏ ra lảng tránh, không trả lời cụ thể thời điểm nhận được thông tin về vụ tai nạn. Có người nói nhận được khi còn ở trên canô, có người nói về đến bến mới biết... Lúc chúng tôi yêu cầu trả lời cụ thể rõ ràng thì mọi người trả lời: “Đề nghị hỏi lãnh đạo”. Anh Nguyễn Văn Cương, người đi trên chiếc canô bị nạn đã báo tin về đất liền, sau khi được cứu sống cũng rất phẫn nộ nói: “Tôi thấy hai canô đậu cách xa khoảng 500m, mọi người mừng rỡ kêu to, nghĩ là sẽ được cứu nhưng cuối cùng hai canô đó lại kéo ga chạy thẳng về phía Vũng Tàu”.
Ai chủ trì chuyến đi định mệnh?
Sáng 4-8, trao đổi qua điện thoại, ông Vũ Văn Đảo nói: “Canô công vụ của người ta để đó, không được phép lấy nhưng có những cá nhân đã tự ý lấy đi chở khách”. Khi được hỏi ai là người đã lấy canô đi chở khách, ông Đảo cho biết có hai người của công ty là Lê Văn Hiếu và một người nữa tên Bảo mà ông không nhớ họ. Theo trình bày của ông Đảo, người “rủ rê” hai nhân viên của mình lấy canô đi chở khách chính là ông Phạm Duy Phúc - đã tử nạn trong vụ chìm canô. Khi được hỏi vì sao ông Phúc không phải là người trong công ty mà được phép lấy canô, ông Đảo giải thích rằng ông Phúc có biết anh em (trong công ty) nên mượn đi chơi. Ông Đảo còn nói ngoài hai canô đang sửa chữa của bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có thêm một canô vừa đóng xong, đang chuẩn bị bàn giao cũng được lấy đi để chở khách.
Chiều 4-8, ông Trần Đăng Thuyết - giám đốc Công ty PV Pipe - vẫn tiếp tục khẳng định công ty này không hề có hợp đồng vận chuyển với bất cứ một đơn vị nào. Thế nhưng, chúng tôi lại thu thập được một bản danh sách có đề rõ ràng: “Danh sách đi đám cưới Mr.Minh”. Theo danh sách này, có tổng cộng 72 người nhưng có ghi chú năm người không đi. Ông Nguyễn Đăng Thuyết cho biết ông không hề biết có danh sách trên, mãi đến ngày 3-8 thư ký mới lục tìm và đưa cho ông bản danh sách. Ông Thuyết cho hay chuyến đi do nhà máy (thuộc PV Pipe) tự tổ chức và không báo cáo.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi phát hiện một công ty khác có liên quan đến chuyến canô bị nạn. Đó là Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina. Bởi người báo tin cứu nạn chính thức cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 vào đêm 2-8 bằng giấy viết tay là ông Nguyễn Ngọc Tuấn. Trong tờ giấy, ông Tuấn ghi địa chỉ công ty này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đảo thừa nhận ông có cổ phần trong Công ty Vũng Tàu Marina. “Tất nhiên sự việc xảy ra, công ty cũng có một phần trách nhiệm” - ông Đảo nói.
Đáng chú ý, tại báo cáo vụ việc ngày 3-8 của bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết chiều 2-8, ông Đinh Văn Quyết, người của Vũng Tàu Marina, có sang mượn trực tiếp ông Vũ Văn Đảo ba canô để đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp dầu khí Soài Rạp - Kiến Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang). Khoảng 15g30 ngày 2-8, ba canô đã xuất phát từ xưởng đóng tàu của Công ty Việt - Séc sang Tiền Giang đón công nhân.
Tìm thấy 7/9 thi thể nạn nhân Đến 18g ngày 4-8, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khu vực 3 cho biết đã tìm thấy 7/9 thi thể nạn nhân. Như vậy, trong ngày 4-8 đã tìm thấy năm nạn nhân gồm: Hà Tiến Sơn, Nguyễn Thị Kim Hoàng, Phạm Duy Phúc (tài công) và hai người chưa xác định được danh tính. Chiều qua, ông Nguyễn Văn Đua - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - tiếp tục trực tiếp đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích trên vùng biển Cần Giờ. Ông Đua yêu cầu ngoài việc huy động tối đa lực lượng cần phải bám thông tin từ người dân quanh khu vực để tăng hiệu quả tìm kiếm. Ông Đua đánh giá các lực lượng tham gia cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân rất tích cực, phản ứng nhanh trong vụ việc. Trước đó, đại tá Lê Ngọc Hùng - tham mưu trưởng Bộ chỉ huy biên phòng TP.HCM - cho biết lực lượng cứu hộ của TP.HCM phản ứng rất nhanh sau khi nhận thông tin. Chỉ 15 phút sau khi nhận tin, tàu cứu nạn của biên phòng TP.HCM đã xuất bến từ Cần Giờ, gồm ba tàu tuần tra chiến đấu kết hợp cứu nạn cứu hộ do Thành ủy TP.HCM tặng biên phòng TP. Đại tá Hùng khẳng định biên phòng TP huy động những phương tiện tối tân nhất vào việc cứu nạn và tìm kiếm. Trong việc cứu nạn có một khó khăn rất lớn là tọa độ canô bị nạn được cung cấp không chính xác. Lúc phát hiện vị trí canô thì thời tiết rất xấu, sóng to gió lớn, tiếp cận rất khó khăn, do đó đến một giờ sau việc cứu nạn mới hoàn tất. “Chúng tôi đã tận dụng từng phút để việc cứu nạn diễn ra trong thời gian nhanh nhất có thể, biên phòng TP.HCM cứu được 17/21 hành khách” - đại tá Hùng nói. |
____________
Tin bài liên quan:
Cận cảnh ca nô chở 30 người gặp nạnĐã tìm được thi thể thứ 7 trong vụ lật ca nôCanô gặp nạn ở Cần Giờ chở khách khi đang sửa chữa6 giờ vật lộn với tử thần tại biển Cần GiờKỳ nghỉ cuối tuần đẫm nước mắtHành khách đu trên thân ca nô lật nghiêng nhiều giờNgười trên tàu không đủ áo phao!Ca nô chở khách bị chìm, 9 người mất tíchTìm thấy thêm một thi thể nạn nhân chìm tàuGiây phút 21 nạn nhân sống sót trong ca nô H29 cập bờ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận