05/06/2007 22:47 GMT+7

Chiến tranh 6 ngày và bài học sau 40 năm

VŨ ĐOÀN KẾT (Theo Washington Times)
VŨ ĐOÀN KẾT (Theo Washington Times)

TTO - Cách đây đúng 40 năm, ngày 5-6-1967, cuộc “chiến tranh 6 ngày” bùng nổ giữa Israel và liên minh các nước Arab. 40 năm sau, hệ quả của cuộc chiến vẫn còn dai dẳng, mặc dù Israel đã rút khỏi phần lớn những vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến tranh này.

Trong những ngày đầu tháng 6 năm nay, 40 năm sau cuộc chiến tranh 6 ngày giữa Israel và các nước Arab, không khí ở Trung Đông lại trở nên ngột ngạt với tuyên bố của Tổng thống Iran Ahmanedinjad rằng Israel là một “nhà nước tự diệt vong” và các nước Trung Đông sẽ không phải đợi lâu ngày tàn của Nhà nước Do Thái.

Một sự trùng lặp, vào tháng 5 -1967, Tổng thống Ai Cập Nasser khi đó tuyên bố rằng “mục tiêu cơ bản của chúng ta (các nước Arab) là xoá sổ Nhà nước Do Thái. Người Arab đang muốn chiến tranh”. Tuyên bố của Tổng thống Nasser ngay lập tức được sự hưởng ứng của các nước đồng minh. Hơn 465.000 binh lính cùng gần 3000 xe tăng và hơn 800 máy bay chiến đấu Arab đã được chuẩn bị cho “nhiệm vụ cao cả” xua đuổi người Do Thái khỏi lãnh thổ của người Arab.

Trước sức mạnh vượt trội của liên minh các nước Arab gồm Ai Cập, Syria, Jordania cùng sự ủng hộ của Libanon, Iraq, Kwait và Algeria, Israel đã lựa chọn chiến lược đánh đòn phủ đầu (pre-emtive action) nhằm huỷ diệt tiềm năng quân sự của đối thủ.

Ngay sau khi Ai Cập đưa ra tuyên bố yêu cầu lực lượng LHQ khỏi bán đảo Sinai, Israel đã lên kế hoạch cho cuộc chiến. Tướng Moshe Dayan được mời ra làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Thống nhất trực tiếp nắm quyền chỉ huy chiến dịch quân sự. Trong tư thế không còn đường lùi về chiến lược, với sự trợ giúp hết sức hiệu quả của mạng lưới tình báo cũng như sự sáng suốt trong dự báo phản ứng của thế giới, 8g sáng ngày 5-6-1967, không quân Israel đã đồng loạt ra quân làm tê liệt hoàn toàn lực lượng không quân và pháo binh Ai Cập.

Trong vòng chưa đầy 2 tiếng, không quân Israel đã làm chủ chiến trường. Bộ binh của Israel lập tức được triển khai áp sát thủ đô các nước trong liên minh Arab và như một điều “thần kỳ” - theo cách diễn đạt của các tướng lĩnh Do Thái, trong vòng 5 ngày, quân đội Israel đã làm chủ bán đảo Sinai, Dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan và một phần cao nguyên Golan buộc các nước Jordania, Ai Cập và Syria lần lượt tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Cuộc chiến tranh 6 ngày kết thúc với thắng lợi thuộc về Israel. Các nước trong liên minh Arab mất các vùng lãnh thổ như một phần cao nguyên Golan, Dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan vào tay Nhà nước Do Thái thù địch. Không chỉ có vậy, sự thất bại của liên minh Arab còn thể hiện ở những thiệt hại về kinh tế do việc Kênh đào Suez bị đóng cửa dài ngày, buôn bán dầu lửa giữa những nước này với thế giới phương Tây bị đình trệ và đặc biệt, kể từ đây, nội bộ các nước Arab chia rẽ sâu sắc vì họ đã không thực hiện được lời hứa đoàn kết trong cuộc chiến chống lại người Do Thái.

Về phía Israel, thắng lợi quân sự đã giúp Nhà nước Do Thái vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhờ vào sự đoàn kết của các đảng phái và dân chúng. Những vùng đất mới được chiếm đóng đã mang lại cho Israel sinh lực mới thu hút dòng người nhập cư đến từ các nước Trung và Đông Âu.

Ở góc độ chính trị - xã hội, cuộc chiến 6 ngày ngắn ngủi đã mang lại diện mạo mới cho nền chính trị Israel. Người Do Thái nhập cư vốn không được coi trọng đã chính thức được thừa nhận vai trò và tham gia bình đẳng vào trong đời sống chính trị Israel. Đồng thời, những lực lượng thiên hữu chống Arab vốn bị coi là theo xu hướng phát xít cũng giành được tính hợp pháp về chính trị và dần tham gia chi phối nền chính trị nước này.

Việc chiếm đóng các vùng đất mới cho phép người Israel phát hiện lại nguồn gốc Do Thái của mình và từ đó mở ra xu hướng Do Thái hoá Nhà nước và xã hội Israel thậm chí đến mức cực đoan. Cuối cùng, cuộc chiến tranh 6 ngày đã mang lại cho Israel một vấn đề mới, nghiêm trọng và có hệ quả lâu dài liên quan đến người Palestin tị nạn và quan hệ giữa họ với Nhà nước Israel.

Theo các tiết lộ mới nhất, cuộc chiến 6 ngày ban đầu chỉ được lên kế hoạch như là chiến lược nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công từ nhiều phía của liên minh Arab nhằm vào Israel, giải toả Israel khỏi thế bị bao vây của các nước Arab thù nghịch. Nhưng với chiến thắng quá dễ dàng trong những ngày đầu của cuộc chiến, các tướng lĩnh Israel đã quyết định mở rộng chiếm đóng đất đai của các nước Arab.

Chính điều này đã buộc hơn 200.000 người Palestin sinh sống trong các vùng đất bị chiếm đóng phải rời bỏ quê hương tị nạn tại các nước làng giềng. Trong khi đó, những người ở lại cũng trở thành người tị nạn trên chính vùng đất của cha ông mình khi họ phải tập trung trong các trại do cộng đồng quốc tế bảo trợ, nhường lại đất đai cho hơn 400.000 người Do Thái nhập cư trong các năm sau đó.

Ngày nay, nhiều nhà sử học Israel coi đây là sai lầm không thể tha thứ của quân đội Israel bởi nó đã tạo ra một thế hệ người Palestin thù địch với Nhà nước Do Thái. Đặc biệt hơn nữa, chính các trại tị nạn ở trên lãnh thổ mới chiếm đóng hoặc trên lãnh thổ các nước thứ ba đã trở thành những căn cứ cho lực lượng chống đối sự chiếm đóng và là nơi nuôi dưỡng cho chủ nghĩa khủng bố nhằm vào Nhà nước Do Thái. Ở bình diện rộng hơn, sự thất bại chóng vánh và ê chề của liên minh Arab đã là bà đỡ cho tư tưởng phục thù và chủ nghĩa bài Do Thái giờ đã trở nên sâu đậm trong các nước Hồi giáo và hệ quả là nhiều phong trào Hồi giáo quá khích đã hình thành ở Trung Đông.

Nhìn lại cuộc chiến tranh 6 ngày diễn ra cách đấy đúng 40 năm, người ta có thể phần nào thấy được sự phức tạp của tình thế hiện nay tại Trung Đông cũng như tương lai khó khăn cho một giải pháp về vấn đề Palestin.

Là những người chuẩn bị cho cuộc chiến nhưng với tư cách là kẻ thất bại, các nước Arab giờ đây quy mọi trách nhiệm cho Israel trong khi chính họ đã là những nước xâu xé nền độc lập của người Palestin trước cả người Israel và họ đã chẳng làm gì nhiều hơn việc ủng hộ những phong trào kháng chiến riêng rẽ và đôi khi đối lập của người Palestin thay vì ủng hộ cho một Nhà nước Palestin thực sự độc lập.

Tình trạng phe phái hiện nay ở Palestin là bằng chứng cho tính toán này của họ. Còn về phía Israel, họ đã sai lầm khi đẩy người Palestin vào đường cùng và sau 40 năm, hoà bình đã không trở thành hiện thực khi mà hàng ngày họ vẫn phải đối mặt với thù địch, khủng bố từ những người láng giềng Arab.

Bài học lịch sử của cuộc chiến 6 ngày năm 1967 vẫn còn nguyên giá trị cho hiện tại và tương lai. Trong tình hình Trung Đông ngày nay, những lời tuyên bố của Tổng thống Iran đòi xoá tên Israel trên bản đồ hay về sự lụi tàn của Nhà nước Do Thái sẽ chỉ có thể là những ngôn từ hùng biện vô trách nhiệm.

VŨ ĐOÀN KẾT (Theo Washington Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên