12/06/2012 02:08 GMT+7

Chiến sĩ trên sân cỏ

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Tôi và vài người bạn nữa, toàn dân mê đội Đức từ hồi nảo hồi nào đã không hẹn mà gặp khi cùng bật ra một nhận xét: tiền vệ tấn công của tuyển Đức Mesut Ozil không hát quốc ca! Đó là chuyện lạ.

TT - Tôi và vài người bạn nữa, toàn dân mê đội Đức từ hồi nảo hồi nào đã không hẹn mà gặp khi cùng bật ra một nhận xét: tiền vệ tấn công của tuyển Đức Mesut Ozil không hát quốc ca! Đó là chuyện lạ.

Ở màn chào cờ trước trận gặp Bồ Đào Nha, khi ống kính truyền hình lần lượt lướt qua từng gương mặt của đội Đức, ai cũng thấy Ozil im như thóc. Podolski, Boateng miệng hơi mấp máy đôi chút. Trong khi đó những Lahm, Muller, Schweisteiger... hát với một vẻ đầy tự hào. Có cảm giác tiếng hát của họ như được lấy hết hơi từ lồng ngực - tiếng hát từ trái tim yêu tổ quốc.

Khoác lên mình chiếc áo có thêu cờ tổ quốc, những cầu thủ dự vòng chung kết Euro 2012 không còn là một anh chàng đi hành nghề đá bóng đơn thuần. Khi ấy, họ là những người lính và phía sau là hàng triệu người dân đang đặt niềm tin vào mình. Vì vậy, vài ngày trước khai mạc, khi báo chí đưa bức ảnh Viera của tuyển Pháp dùng chiếc áo đấu để lau mông, người Pháp đã bừng bừng giận dữ. Bởi chiếc áo mà Viera lau mông không phải là chiếc áo bình thường khi trên đó có quốc kỳ Pháp.

Chuyện lạ ấy thật ra cũng thấy lác đác ở vài đội khác, ví dụ như Balotelli của tuyển Ý chẳng hạn, khi hát quốc ca anh chỉ mấp máy môi mà thôi.

Câu chuyện tôi muốn nói đến hôm nay chính là cầu thủ nhập cư. Không thể trách Ozil khi anh chôn nhau cắt rốn ở Thổ Nhĩ Kỳ và theo gia đình di cư sang Đức. Trong gia đình, chắc chắn Ozil được giáo dục rằng phải luôn nhớ về quê cha đất tổ. Hồi tuyển Đức thăng hoa ở Nam Phi 2010, báo chí có được một tấm ảnh về gia đình Ozil, mà trước cửa nhà treo hai lá cờ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tương tự, những Boateng, Podolski cũng thế. Hay Balotelli, anh cũng sinh ra ở Ghana và đến Ý cùng gia đình. Chỉ vài mươi năm sinh sống, thật khó đòi hỏi họ yêu đất nước mình đang sinh sống như những người chính gốc. Cũng giống như thế, chúng ta đã đọc bài viết về Mai Phương, cô gái Việt được chọn là một trong 12 tình nguyện viên ở VIP zone tại Ukraine. Cô mang quốc tịch Ukraine nhưng trái tim vẫn luôn hướng về dải đất hình chữ S, thể hiện qua việc vẫn nói tiếng Việt tốt, vẫn giữ mái tóc dài, giữ sự nền nã của một cô gái Việt...

Một khi trái tim chưa thể dành trọn vẹn cho màu cờ sắc áo đang khoác trên người thì thật khó bùng cháy vì nó; chỉ là một người chơi đá bóng chứ chưa thể là một chiến sĩ trên sân cỏ. Và khi ấy đội tuyển quốc gia có khác gì một câu lạc bộ.

HUY THỌ

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên