Tàu không số sau này được đổi phiên hiệu thành HQ671 neo đậu trên sông Lạch Tray - Ảnh: M.LĂNG |
Tàu không khác gì lá tre, gặp dông gió mũi dựng lên. Trang thiết bị quá thô sơ mà phải luôn đi trong sóng to gió lớn với tuyến đường như thế thì là kỳ tích. Đàn anh đi trước quá giỏi và sự can trường, sức chịu đựng là vô bờ bến. Tinh thần đó khiến chúng tôi tự hào, khâm phục và học hỏi |
Thiếu tá VŨ THANH HIỆU (thuyền trưởng kiêm chính trị viên hiện nay của tàu HQ671) |
Hiện vật đặc biệt này neo đậu trên dòng sông Lạch Tray (Hải Phòng).
Hiện vật 70 tấn
Tàu vận tải quân sự cũ có trọng tải 70 tấn, thân tàu dài được sơn màu xám và số hiệu HQ671 màu trắng nổi bật. Lãnh đạo Bảo tàng Hải quân cho biết HQ671 là chiếc tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu không số huyền thoại.
Sau khi phục vụ chiến dịch CQ88 (Chủ quyền năm 1988), tàu thuộc biên chế của Vùng 4 hải quân cho tới năm 2002 mới về Hải đội 384 (Cục Hậu cần hải quân). Từ lúc về Hải đội 384, tàu chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện cập bến, thả nhổ neo, bố trí chiến đấu từng cấp, cứu người rơi xuống biển.
Sau đó, đến năm 2011, tàu được bàn giao cho Bảo tàng Hải quân. Tuy không còn nằm trong biên chế tàu hoạt động của Quân chủng Hải quân nhưng HQ671 vẫn có kíp trực 24/24 giờ gồm thuyền trưởng, máy trưởng, các thành phần như một kíp tàu bình thường. Khi có tình huống bão lụt, HQ671 vẫn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hoặc phải dời tàu đi tránh gió bão, tránh lụt.
Trải qua hơn 50 năm làm nhiệm vụ, chịu nhiều sóng gió, mưa nắng, trang thiết bị của tàu gần như xuống cấp.
“Hằng tuần chúng tôi đều tiến hành bảo quản bảo dưỡng, gõ gỉ, sơn sửa... để tàu được mới, sạch và đẹp như bây giờ. Từ lúc là hiện vật ở Bảo tàng Hải quân, hằng năm có hàng trăm các đoàn đến tham quan tàu” - thiếu tá Vũ Thanh Hiệu, thuyền trưởng đồng thời là chính trị viên của tàu HQ671, cho biết.
Trung tá Hồ Đắc Thạnh - người đang chỉ tay - là cựu thuyền trưởng Ảnh: MINH PHƯỢNG |
3 lần thay đổi tên...
Theo tài liệu của Bảo tàng Hải quân, tàu HQ671 đã trải qua hai lần thay đổi về chất liệu (từ tàu gỗ lên tàu vỏ sắt) và ba lần thay đổi phiên hiệu (tàu 41, tàu HQ641 và sau là HQ671). Thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Đặng Văn Thanh là hai người đã chỉ huy chuyến đi đầu tiên thành công, chở 18 tấn vũ khí xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng).
Con tàu lịch sử này đã lập nhiều thành tích xuất sắc và đặc biệt xuất sắc khi mở bến và vận chuyển thành công ba lần với hơn 100 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô (Phú Yên) do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, cung cấp vũ khí cho Khu 5, kịp thời chi viện, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang quân khu mở đợt hoạt động đông - xuân 1964-1965 giành thắng lợi.
Tháng 3-1970, tàu 41 chuyển hàng vào miền Nam. Khi đến khu vực trả hàng thì gặp tàu địch tuần tra xung quanh, tàu đã né tránh kịp thời. Đặc biệt, lúc vào gần bờ, tàu đã ba lần bị mắc cạn. Trời sắp sáng nhưng tàu vẫn chưa bắt được liên lạc với bến!
Tình huống vô cùng nguy hiểm nhưng anh em vẫn bình tĩnh khắc phục để nhanh chóng vào được bến trước khi trời sáng và giao hàng đầy đủ, kịp thời, giữ được bí mật. Trên đường quay ra, nhiều lần bị máy bay địch rà soát, tàu chiến địch đến gần nhưng cả tàu vẫn bình tĩnh đưa tàu về căn cứ an toàn.
Với những thành tích xuất sắc trong vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 11-1-1973, tàu 41 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày miền Nam giải phóng, tàu được biên chế cho Vùng 4 hải quân với phiên hiệu mới là tàu HQ671 thuộc Hải đội 413, làm nhiệm vụ vận chuyển hàng cho các đơn vị ở quần đảo Trường Sa.
Tháng 1-1988, tàu làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ đảo Đá Lớn (quần đảo Trường Sa). Đặc biệt, trong sự kiện Trung Quốc thảm sát những người lính công binh Việt Nam ở Trường Sa ngày 14-3-1988, sau hai ngày đêm tìm kiếm cứu hộ, trước sự ngăn cản quyết liệt của tàu Trung Quốc, vượt qua nguy hiểm và cả sóng to gió lớn, tàu HQ671 đã cứu được 41 cán bộ, chiến sĩ bị thương và đưa 3 liệt sĩ về khu vực quy định.
Ngày 6-1-1989, tàu HQ671 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Đặc biệt, tám cán bộ công tác trên tàu qua các thời kỳ đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Hồ Đắc Thạnh, Đặng Văn Thanh, Huỳnh Văn Sao...
Hơn 1.000 đại biểu dự lễ kỷ niệm Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức đêm giao lưu kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển vào tối 22-10 tại Bảo tàng Hải quân, TP Hải Phòng. Hơn 1.000 đại biểu về tham dự, trong đó có hơn 60 cựu chiến binh đại diện cho hàng nghìn cựu chiến binh cả nước từng tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Tại chương trình giao lưu, phó đô đốc Đinh Gia Thật - chính ủy Quân chủng Hải quân - nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là nơi thể hiện truyền thống lịch sử hào hùng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam trong việc góp phần đưa tới thắng lợi lịch sử, thống nhất đất nước. Sáng cùng ngày, Lữ đoàn 125 tổ chức lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì và gặp mặt truyền thống kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, thành lập lữ đoàn. Sau 55 năm thành lập và trưởng thành, Lữ đoàn 125 đã được hai lần tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 Huân chương Quân công, 12 Huân chương Chiến công, 12 tập thể và 21 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận