08/02/2005 11:33 GMT+7

Chiếc mũ cao-bồi và những món nợ biết cách đòi

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Á Đông ngày trước có những thuyết khách làm thay đổi thời cuộc. Họ vốn được chọn từ bậc tài giỏi trong thiên hạ nên được kính nể; am hiểu tình người, tình đời nên uyển chuyển; đa mưu túc trí nên đối phó được mọi tình huống...,

mJyDKtN8.jpgPhóng to
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển
Á Đông ngày trước có những thuyết khách làm thay đổi thời cuộc. Họ vốn được chọn từ bậc tài giỏi trong thiên hạ nên được kính nể; am hiểu tình người, tình đời nên uyển chuyển; đa mưu túc trí nên đối phó được mọi tình huống...,

Dù vậy, điều được đánh giá cao nhất của nghề thuyết khách là sự thực lòng, dốc hết lòng ra để trình bày, đưa cạn ý ra để diễn giải, họ biết phải "thành ý-chánh tâm" thì mới "thuyết" cho lòng người "phục" được. Như vậy, thuyết khách không chỉ là chính trị, mà còn là văn hóa; không chỉ là lợi ích của kinh tế mà còn là cái đạo của sự sòng phẳng rõ ràng...Nhà thuyết khách - vì vậy- mang tính đại diện rất cao, người ta nhìn vào đây để nhận ra hình ảnh một một tổ chức, một cộng đồng.

Năm 2004 là một năm được đánh giá là thành công nhất của Việt Nam từ trước đến nay trên lĩnh vực thương mại. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 26 tỷ USD. Đặc biệt, trong kinh tế đối ngoại, Việt Nam đã gặt hái được thành tựu to lớn: Liên minh châu Âu (EU), một trong bốn quyền lực lớn trên thế giới, đã đồng ý rỡ bỏ hạn ngạch cho hàng dệt may Việt Nam khi vào thị trường này, mặc dù Việt Nam chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU cũng cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2005. Đạt được thành quả này thực sự là một cuộc đấu trí, thậm chí cả đấu khẩu quyết liệt giữa các bên. Và trong các tiến trình đàm phán đầy kịch tính ấy, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã là một nhà đối thoại làm các chính khách châu Âu và Hoa Kỳ phải vì nể, tôn trọng.

Câu chuyện của ông vào buổi chiều cuối năm thật thú vị, sâu sắc.

Ông nói, chuyện đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA), đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thú vị lắm. Vì câu chuyện này mà tôi đã có một bài phát biểu được đánh giá là gây ấn tượng ở Hội nghị về kinh doanh do Hội Châu Á ( Hoa Kỳ) tổ chức năm 2002 tại Hà Nội. Năm 2003 cũng Hội nghị này nhưng tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc), đích thân Chủ tịch Hội Châu Á đã viết thư mời tôi tham dự phát biểu tại hội nghị. Trong thư viết rõ: Ngài đã có một bài phát biểu rất ấn tượng tại Hội nghị Hà Nội, chúng tôi muốn ngài tiếp tục tham dự và phát biểu tại Hội nghị kỳ này. Nhưng đợt đó tôi bận không đi.

Đó là câu chuyện cái mũ cao bồi bang Texas.

Khi ấy vào dịp tháng 5, tháng 6/1999, tiến trình đàm phán BTA đang gặp khó khăn, cả phía ta và phía Mỹ còn nhiều vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung.

Tháng 7/1999 tôi trực tiếp đàm phán, đại diện cho phía Hoa Kỳ trên bàn đàm phán lúc đó là ông Fisher. Vòng đàm phán lần này tại Hà Nội, không khí đàm phán khá căng thẳng, kéo dài liên tục từ 21/7, sang ngày 23/7 và đến 4h chiều ngày 24/7 thì còn vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng. Lúc đó, Fisher nói: "Ông Tuyển ạ, bây giờ có lẽ phải dừng đàm phán ở đây, tôi sẽ đi gặp ông Nguyễn Tấn Dũng. Đàm phán thế này thì không giải quyết được vấn đề gì".

Ông Fisher đi gặp anh Nguyễn Tấn Dũng với 2 lý do: Một là, anh Dũng là Phó Thủ tướng thường trực, đã từng tiếp ông Fisher khi ông ta sang đàm phán; và thứ hai là Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc ấy kiêm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Fisher muốn gặp anh Dũng để nhờ anh Dũng tác động. Fisher hẹn tôi là 9h tối gặp lại.

Gần đến giờ hẹn, tôi đến phòng đàm phán và mang theo một mô hình Cung đình Huế bằng xương do anh Ngô Yên Thi – hồi ấy là Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế - tặng, định sẽ làm quà cho Fisher. Đàm phán ở cấp Bộ trưởng, chỉ có ít người tham dự. Đúng 9h, Fisher gọi điện thoại nói, "tình hình khó khăn thế này thì tôi không đến nữa". Ngay lúc đó, tôi nói: "Thế này nhé, Mỹ đề nghị Việt Nam 9h tối gặp lại, không phải là Việt Nam đề nghị, vì vậy ông không đến thì tôi về".

Khi tôi chuẩn bị về nhà thì Fisher điện thoại lại bảo là sẽ đến. Fisher đến, tôi nói: “Có thể chúng ta không đạt được thoả thuận, nhưng đây là lần đầu tiên ông sang Việt Nam, mấy ngày vừa qua chúng ta đàm phán liên tục, ông chưa được đi đâu ra khỏi Hà Nội. Ngay ở Hà Nội, ông cũng chưa đi được đâu, ngoại trừ từ khách sạn đến nơi đàm phán. Vì vậy trước khi ông về, tôi muốn tặng ông món quà kỷ niệm về Việt Nam". Tôi chỉ vào món quà và nói tiếp: "Đây là mô hình Cung đình Triều Nguyễn ở Huế, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Có thể chúng ta không ký được Hiệp định, nhưng chúng ta vẫn có kỷ niệm”. Fisher cảm ơn và nói sẽ tặng tôi chiếc mũ cao bồi bang Texas, sản phẩm quê hương ông ta (cười). Thế rồi, hai bên đàm phán đến 2h sáng ngày 25/7 thì cơ bản hình thành được khung của BTA. Câu chữ thì chưa bàn nhưng khung cam kết thì đã thống nhất. Tuy nhiên, khi đi vào bàn đến câu chữ trong Hiệp định thì rất khó khăn. Đoàn đàm phán của ta sang Washington, nhưng vẫn không thoả thuận được. Sở dĩ khó vì lời văn rất nhạy cảm, là cơ sở pháp lý để đấu tranh, nên ta rất coi trọng.

Hoa Kỳ đề nghị ta ký Hiệp định tại Hội nghị cấp cao APEC tổ chức vào tháng 12/1999 tại New Zealand, nhưng vẫn còn những ý kiến chưa đồng tình từ phía ta nên chưa ký được. Khi tôi gặp lại Fisher bên lề Hội nghị, ông ta nói ngay: “Ông Tuyển, tôi hứa tặng ông chiếc mũ cao bồi bang Texas, nhưng do chưa ký được Hiệp định nên tôi không tặng ông nữa". Sau đó, năm 2002, tôi trở về làm việc ở Bộ Thương mại thì Fisher sang thăm VN với tư cách cá nhân. Ông ta đến chào tôi ở Bộ Thương mại, tôi nói: "Bây giờ BTA đã ký rồi nhưng ông vẫn nợ tôi cái mũ đấy". Ông ta cười, hứa là sẽ gửi tặng tôi.

Thế rồi, ngay trước giờ khai mạc Hội nghị Hội Châu Á của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại khách sạn Melia (Hà Nội), tôi đã nhận được chiếc mũ của ông Fisher nhờ bà Virginia Foot - Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ – Việt chuyển giúp.

Thường khi phát biểu tại các cuộc họp, hội nghị trong nước hoặc quốc tế, trừ những yêu cầu đặc biệt phải đọc bài chuẩn bị sẵn do chính tôi viết, nói chung tôi thích phát biểu theo kiểu “tay vo” với quan điểm và kiến thức trong đầu, tuỳ từng hoàn cảnh mà tôi có cách diễn đạt khác nhau, cách mở đầu khác nhau. Tại Hội nghị này, khi lên bục, tôi nói ngay: "Tôi vừa nhận được cái mũ từ ông Fisher gửi tặng", và tôi kể lại lai lịch cái mũ gắn với quá trình đàm phán BTA. Ông Fisher hứa tặng tôi cái mũ từ năm 1999 và qua nhiều lần gặp nhau, đến năm 2002, mới gửi cho tôi và kết luận: "Tôi luôn luôn biết đòi những gì mà người khác nợ mình, Hoa Kỳ vẫn còn nợ chúng tôi", và tôi kể ra khoản nợ của Hoa Kỳ theo BTA. Đó là lời mở đầu bài phát biểu được đánh giá là ấn tượng tại Hội nghị. Quan điểm của tôi là phải luôn tạo cho mình một vị thế chủ động với tinh thần thẳng thắn và chân thành.

Sau này, khi gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Evans – người được nhiều người Mỹ cho là rất thân cận với Tổng thống Bush - tại Washington, tôi đã nói: "Chúng ta không hiểu nhau thì nói chuyện với nhau rất khó, nếu trong đầu ông và tôi lại có mặc cảm, thiên kiến thì càng khó hơn". Tôi lại kể chuyện cái mũ cao bồi bang Texas, tôi nói : "Khi nghe ông Fisher nói sẽ tặng tôi chiếc mũ cao bồi, tôi không thích, vì dân Việt Nam nghe đến cụm từ “cao bồi” thì đã không thích rồi. Nhưng khi tôi nhận được cái mũ thì tôi lại thấy cái mũ rất đẹp. Tôi rất thích và tôi đang treo ở nhà làm kỷ niệm. Điều đó nói lên cái gì? Nói lên là, nếu không có thiện chí, có những nhân vật trong chính giới Mỹ với những mặc cảm, thiên kiến trong đầu nhận xét về tình hình Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam rất sai lạc. Không tìm hiểu kỹ lưỡng, không đối thoại thẳng thắn để tìm ra sự thật thì sẽ không giải quyết được cái gì cả". Ông Evans gật gù thừa nhận.

Cũng là câu chuyện với các chính khách Mỹ, tôi lại có chuyện thế này. Dự Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Thương mại APEC ở Chilê, tôi được bố trí ngồi cạnh hai ông Zoellick, Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ và Powell, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Khi phát biểu về tiến trình Doha, tôi mở đầu: "Khi bàn về tiến trình Doha và WTO, tôi chủ tâm đăng ký phát biểu sau vì Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO, chưa thể tham gia trực tiếp vào tiến trình Doha. Điều nghịch lý là Việt Nam là thành viên APEC đang đàm phán có kết quả với các nước ngoài APEC, đã kết thúc đàm phán với EU, Brasil, Argentina – các nền kinh tế ngoài APEC – về việc Việt Nam gia nhập WTO, thì với các thành viên APEC, mặc dù tuyên bố ủng hộ Việt Nam và Nga sớm gia nhập WTO, nhưng đàm phán thì rất trì trệ".

Sau đó tôi đã phân tích những tiến bộ trong bản chào của Việt Nam, đề nghị các nước đẩy mạnh nhịp độ đàm phán. Và, thay cho kết luận, tôi nói: "Tôi đã có ý đăng ký phát biểu sau cùng nhưng bây giờ tôi lại thấy còn 2,3 vị Bộ trưởng nữa cũng đăng ký phát biểu, ấy là do ông Zoellick ngồi cạnh đã cản mất tầm nhìn của tôi". Cả hội trường cười và Zoellick cũng cười.

Buổi chiều khi gặp riêng ông Zoellick, tôi nói cảm ơn ông về việc đã thu xếp thời gian gặp tôi. Tại Khòn Khèn năm 2003, ông có nói, nếu tôi sang Washington ông sẵn sàng gặp tôi, nhưng tôi không nghĩ tại thời điểm bận rộn này, ông vẫn bố trí thời gian tiếp tôi. Zoellick đáp lại: "Tôi rất thú vị khi gặp ông, tôi rất thích sự thẳng thắn và tính hài hước của ông".

Cũng ngày hôm đó, tôi có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Thương mại Canada mục đích đề nghị Canada đẩy nhanh đàm phán và bỏ hạn ngạch cho hàng dệt may Việt Nam. Ông Bộ trưởng Thương mại Canada nói: "Sáng nay, ông phát biểu hay quá, ông can thiệp rất kịp thời". Tôi nói ngay: "Ông nói thế chứ đàm phán của Việt Nam với Canada cũng trì trệ lắm. Tôi đề nghị ông chỉ thị Đoàn đàm phán của Canada ở Giơnevơ giảm bớt yêu cầu với Việt Nam, phía Canada đang đặt yêu cầu quá cao và đề nghị ông bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam từ 1/1/2005". Ông Bộ trưởng Thương mại Canada hứa sẽ tác động. Kết quả là phiên đàm phán mới đây với Canada đã có tiến bộ rõ rệt và Canada đã bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam...

Và với phong cách giản dị, cởi mở như vậy, câu chuyện của ông đưa chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Vẫn biết rằng, đi tới nước nào, ở thỏa thuận cấp cao nào, họ cũng đều nói hết lòng ủng hộ VN gia nhập WTO càng sớm càng tốt, song khi ngồi vào bàn đàm phán thì vấn đề không hề suôn sẻ như vậy. Đó là một câu chuyện khác. Với nước Mỹ, khi ký BTA, tưởng như cánh cửa vào WTO của ta đã rộng mở, nhưng không, hiện họ vẫn đang dựng lên các yêu cầu cao hơn nhiều so với BTA và cao hơn cả những nguyên tắc của WTO – một thứ “WTO cộng”, và có thể là cộng n... Song tin rằng, với phong cách một nhà thương thuyết như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ đến đích. Đó cũng là lời chúc của chúng tôi gửi tới ông mùa xuân này!

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên