Mới đây, ông Bình cho biết đã hoàn thành xong thiết kế chiếc hộp. Bằng kinh nghiệm và khả năng chuyên môn, ông Bình tự tin khả năng thành công khi đem vào ứng dụng lên tới 95%.
Chiếc hộp có thể ấp ủ, chở che, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho cây rau từ lúc nhú mầm đến khi thu hoạch bất chấp nắng mưa gió bão. Theo thiết kế, chiếc hộp có kích thước 55x75cm, làm bằng chất liệu polycarbonate gồm sáu chi tiết lắp ghép vào nhau.
Giải thích về thiết kế này, ông Bình nói: “Lựa chọn polycarbonate vì đây là chất liệu có độ bền khá cao từ 5-7 năm, trong suốt, cứng cáp khó vỡ, chịu được va đập, chịu nhiệt cao và chịu được tia cực tím. Kích thước hộp vừa phải để thuận tiện cho một người thao tác.
Nguyên lý hoạt động khá đơn giản: nước chứa trong đáy hộp sẽ được mao dẫn lên khay giữa hộp để nuôi cây. Nắp hộp trong suốt để nhận ánh sáng cho cây quang hợp, nhưng ngăn không cho nước bốc hơi ra ngoài. Do đó, hằng ngày chỉ cần tưới một lần với một lượng nước nhỏ cho nhu cầu sinh trưởng của cây rau."
Theo ông Bình, đây là đặc điểm quan trọng nhất giúp thích nghi với điều kiện thiếu nước ở Trường Sa, bởi hiện nay rau được trồng ở các điểm đảo Trường Sa có hiệu quả không cao. Lý do là rau được tưới bằng nước lợ. Nắng trên đảo rất mạnh khiến nước bốc hơi nhanh và biến nước lợ thành nước mặn. Đất trồng rau nhanh chóng bị nhiễm mặn khiến rau èo uột.
Rau được trồng trên một lớp mùn hữu cơ mỏng. Lớp mùn này được làm bằng vụn xơ dừa, vỏ đậu phộng, có bổ sung chất giúp hỗ trợ sự phát triển của bộ rễ. “Khi sản xuất thành phẩm, hộp rau cho Trường Sa sẽ bao gồm trọn bộ: hộp + mùn hữu cơ + phân bón vô cơ + hạt giống.
Phân bón sẽ được chuẩn bị sẵn trong túi nhỏ như gói nêm gia vị trong mì gói. Khi sử dụng các chiến sĩ chỉ cần mở hộp, tưới nước, bón phân vào mùn, gieo hạt rồi đóng nắp lại. Hằng ngày bổ sung nước và chờ đến ngày thu hoạch” - ông Bình nói.
Cũng cần nói thêm mùn hữu cơ này có thể tái sử dụng nhiều lần. Sau khi thu hoạch rau, chỉ cần đem mùn này phơi nắng là có thể dùng lại được cho lần tiếp theo. Trọng lượng của cả hộp gồm cả mùn, rau, nước chỉ dưới 10kg.
Đây là trọng lượng được tính toán phù hợp với khả năng cơ động, có thể để hộp rau trên mái nhà, treo trên cao hay xếp dưới chân cầu thang... Ngoài ra có thể xếp chồng nhiều hộp lên nhau để tiết kiệm diện tích.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình khẳng định ông thiết kế hộp rau này hoàn toàn không nhằm lợi nhuận, cũng không phải vì tên tuổi mà chỉ để dành tặng Trường Sa.
“Cơ quan, đơn vị, công ty nào có nhã ý muốn sản xuất để phục vụ cho Trường Sa có thể liên hệ với tôi, tôi sẵn sàng cung cấp bản vẽ, hỗ trợ kỹ thuật để làm ra sản phẩm đúng như thiết kế cũng như điều chỉnh trong quá trình thử nghiệm để cho ra sản phẩm đúng như mong đợi” - ông Bình chia sẻ.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí để làm ra sáu mẫu khuôn cho sáu chi tiết của chiếc hộp mất khoảng 500 triệu đồng. Khi đưa vào sản xuất số lượng lớn, giá thành của mỗi chiếc hộp chỉ từ 400.000 - 500.000 đồng.
Ông Bình cho biết thiết kế này cũng có thể thương mại hóa để sản xuất hộp trồng rau sạch cho người dân ở các TP lớn. Khi sản xuất cho đất liền có thể lựa chọn chất liệu kém bền hơn, do đó giá thành sẽ thấp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận