29/12/2008 17:11 GMT+7

Chỉ số T3 tăng, bệnh cường giáp?

Th.S-BS TRẦN THẾ TRUNGGiảng viên bộ môn nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM
Th.S-BS TRẦN THẾ TRUNGGiảng viên bộ môn nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM

TTO - Con trai tôi năm nay 20 tuổi, cứ bị ho hoài, người hay mệt mỏi, ngủ nhiều, nhịp tim nhanh, tính tình nóng nảy. Tôi sợ bị phổi nên đưa cháu đi chụp X-quang thì không có vấn đề gì.

Bác sĩ chỉ định cho siêu âm tim, không có vấn đề gì. Xét nghiệm: T4, T3, TSH, trong ba chỉ số đó thì T4, TSH trong giới hạn cho phép, còn T3: 2,36ng/ml (cho phép trong khoảng 0,8-1,8ng/ml).

Truy cập trên mạng tôi thấy lo cho con, tuyến giáp trạng tiết ra chất nội tiết tố thyroxin (T4) và (T3), T4 tăng hay giảm thì đó là cường tuyến giáp hoặc thiểu năng tuyến giáp, còn T3 tăng thì tôi không hiểu đó có phải là bị cường tuyến giáp hay không? Xin Tuổi Trẻ Online tư vấn giùm tôi và nếu bị như vậy thì hướng điều trị làm sao. Xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Thị Thường

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Trường hợp con trai của chị, trong số ba xét nghiệm về bệnh lý tuyến giáp chỉ có T3 tăng nhẹ và TSH, T4 trong khoảng giá trị bình thường, với kết quả như vậy chưa gợi ý bệnh lý và nhiều khả năng đây là một tình trạng sinh lý bình thường. Những triệu chứng chị nêu trên không đủ để kết luận về bệnh tuyến giáp. Các triệu chứng ngủ nhiều và ho không phải là biểu hiện của cường giáp.

Việc chẩn đoán bệnh thường có sự phối hợp giữa triệu chứng của người bệnh và các xét nghiệm liên quan, không nên chỉ thuần túy dựa vào một xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Một điểm chúng ta nên lưu ý: tất cả các xét nghiệm đều có thể bị sai và nên kiểm tra lại nếu cần thiết.

Trong trường hợp con của chị với những mô tả trên và xét nghiệm chỉ có chỉ số T3 tăng nhẹ (và điểm rất quan trọng là TSH trong giới hạn bình thường), có thể tạm kết luận rằng chưa thấy có biểu hiện bệnh lý tuyến giáp và chỉ số T3 tăng nhẹ này có thể gặp trên một người trẻ không có bệnh tuyến giáp.

Ở lứa tuổi này, chị cần chú ý đến vấn đề tâm sinh lý của cháu cũng như thói quen sinh hoạt và bạn bè. Không điều độ về giờ giấc sinh hoạt - học tập, làm việc, vui chơi, giấc ngủ và ăn uống thường là nguyên nhân gây sa sút sức khỏe.

Hút thuốc lá và những thói quen không tốt khác cũng có thể làm cho người mệt mỏi và ho nhiều. Trường hợp còn nghi ngờ và cần xác định, chị có thể đưa cháu đến một trung tâm nội tiết có uy tín để thực hiện lại xét nghiệm và có bác sĩ chuyên khoa nội tiết khám.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

Th.S-BS TRẦN THẾ TRUNGGiảng viên bộ môn nội tiết BV ĐH Y dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên