16/09/2012 07:12 GMT+7

Chỉ nên bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ông Vũ Đức Khiển
Ông Vũ Đức Khiển

TT - Nhiều đại biểu QH, nguyên đại biểu QH đều khẳng định như vậy khi được hỏi về đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đồng thời các đại biểu cũng mong muốn thực hiện việc này càng sớm càng tốt, dứt khoát và không nên e dè.

* Ông Vũ Đức Khiển(nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Không nên chỉ là tham khảo!

J10v74kX.jpgPhóng to

Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Năm 2001, khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Quốc hội đã bổ sung điểm 7, điều 84: “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”. Ngay lúc đó (thời điểm này ông Khiển là chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - PV), khá nhiều ý kiến đã nói rằng bản chất của vấn đề không phải là bỏ phiếu tín nhiệm, cũng không phải lấy phiếu tín nhiệm mà là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tức là những người do Quốc hội bầu và phê chuẩn mà trong quá trình làm việc có sai phạm về đường lối, chính sách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc để xảy ra những sai phạm lớn thì Quốc hội xem xét và đem ra bỏ phiếu tín nhiệm (tức bỏ phiếu bất tín nhiệm). Nếu tín nhiệm không quá bán thì người đó bị bãi nhiệm.

Có nhiều ý kiến nói rằng cần những quy định chặt chẽ như phải có 20% đại biểu Quốc hội đề nghị, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Hội đồng Dân tộc hoặc một ủy ban của Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với cá nhân nào thì mới đưa ra Quốc hội xem xét. Tôi cho rằng điều này là không thể thực hiện được. Sẽ không có đại biểu Quốc hội nào có thể đứng ra vận động 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó, bởi làm như vậy là trái với đường lối cán bộ của Đảng.

Dự thảo đề án phân biệt giữa “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” thật sự tôi cảm thấy băn khoăn về sự tương thích giữa nội dung đề án với các quy định hiện hành của hiến pháp và luật. Một khi chúng ta đã đưa một cá nhân hay một danh sách nào đó ra phiên họp toàn thể của Quốc hội và tiến hành thủ tục bỏ phiếu kín thì kết quả đó phải có giá trị pháp lý chứ không nên chỉ để tham khảo.

"Dự thảo đề án phân biệt giữa “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm” thật sự tôi cảm thấy băn khoăn"

* Ông Lê Văn Cuông (đại biểu Quốc hội khóa XI, XII):

jZLeWO4o.jpgPhóng to

Ảnh: Việt Dũng

Do pháp luật đã quy định nhiều năm mà chưa thực hiện được, nên hiện nay dư luận rất ủng hộ tinh thần của nghị quyết trung ương 4 và quyết tâm của Quốc hội đưa việc bỏ phiếu tín nhiệm thành hoạt động thông lệ và bình thường trong sinh hoạt nghị trường ở nước ta. Nhiều người cho rằng bỏ phiếu tín nhiệm là vấn đề cấp bách, cần phải được thực hiện luôn chứ không nên chần chừ, “hoãn binh” nữa.

Vừa qua, nghe các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tôi thấy vẫn còn sự dè chừng, e ngại nào đó. Hay chăng chính các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm nên có sự e ngại đó? Tôi nghĩ cán bộ đã giỏi và tự tin thì không sợ bỏ phiếu tín nhiệm. Chứ bây giờ đề án lại đặt ra thủ tục “lấy phiếu tín nhiệm”, sau đó mới xét đến việc “bỏ phiếu tín nhiệm” thì thận trọng quá, thiếu tính đột phá, mang tính “hoãn binh” nhiều hơn.

Như vậy, một chủ trương rất đúng, rất trúng, ai cũng muốn thực hiện nhưng nếu thực hiện mà dè dặt quá, nhiều bước quá lại mang tính trì trệ. Cá nhân tôi cho rằng đã đưa ra Quốc hội bỏ phiếu kín thì chỉ bỏ một lần thôi, đừng phân biệt lấy phiếu với bỏ phiếu nữa, anh nào tín nhiệm thấp thì phải rời vị trí (bãi nhiệm, miễn nhiệm, từ chức). Việc bỏ phiếu nên thực hiện hằng năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ vì năm đầu tiên mới tiến hành bầu cử, phê chuẩn.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm nữa là đừng sợ đại biểu Quốc hội thiếu thông tin nên kết quả bỏ phiếu có thể thiếu chính xác. Đại biểu Quốc hội là những người có trình độ nhất định để nhận thức đúng sai, có uy tín trong nhân dân và có đủ trách nhiệm để hiểu rõ sức nặng của mỗi lá phiếu. Hơn nữa, bản thân các đối tượng phải bỏ phiếu tín nhiệm là lãnh đạo cấp cao, là chính khách thì phải đủ tài năng và đức độ để làm đại biểu hiểu rõ về mình, phải thuyết phục được những người bỏ phiếu bầu ra mình và đang giám sát mình. Lo lắng rằng có thể có cán bộ “chết oan” trong quá trình bỏ phiếu là không có cơ sở.

*"Đã đưa ra Quốc hội bỏ phiếu kín thì chỉ bỏ một lần thôi, đừng phân biệt lấy phiếu với bỏ phiếu nữa"

* Ông Trần Ngọc Vinh(đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng):

Chỉ nên lấy phiếu từ bộ trưởng trở lên

C2r5Ysh3.jpgPhóng to

Ảnh: Lê Kiên

Theo tôi, chỉ lấy phiếu tín nhiệm từ bộ trưởng trở lên, tức những người giữ trách nhiệm “tư lệnh” các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước. Việc lấy phiếu nên thực hiện hằng năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ đến hết nhiệm kỳ, hai năm liên tiếp tín nhiệm thấp thì cho thôi chức luôn.

Đề án đưa ra hai khái niệm là “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm”, quan điểm của tôi là để không nhầm lẫn giữa hai khái niệm này thì nên quy định rõ là khi đã đem ra Quốc hội bỏ phiếu để bãi nhiệm thì gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm cho đúng bản chất vấn đề, vì tín nhiệm của anh thấp rồi thì chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm thôi chứ bỏ phiếu tín nhiệm gì nữa.

Tôi cũng đồng ý với quan điểm của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nên quy định về vấn đề từ chức. Nếu anh quản lý bộ, ngành... mà để xảy ra vấn đề gì lớn, tín nhiệm của anh thấp thì anh nên từ chức đi. Chúng ta rất cần hình thành văn hóa từ chức như một nét đẹp trong sinh hoạt chính trị, coi đây là chuyện bình thường như nhiều quốc gia khác.

Tôi mong muốn Quốc hội sẽ thông qua đề án ngay tại kỳ họp cuối năm nay và sẽ thực hiện ngay từ đầu năm sau, càng sớm càng tốt. Kết quả lấy phiếu phải công khai rộng rãi, vì nếu không công khai thì người ta sẽ vẫn cứ dò, nghi ngờ, hỏi chỗ nọ chỗ kia rồi cuối cùng vẫn ra thông tin, mà lại đồn đoán phức tạp.

Hơn nữa, công khai cũng là để cử tri và nhân dân biết mức độ tín nhiệm của Quốc hội đối với một vị lãnh đạo như thế nào, cũng là để những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm cố gắng, nỗ lực hơn.

"Quốc hội bỏ phiếu để bãi nhiệm thì gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm cho đúng bản chất vấn đề"

“Lấy phiếu” và “bỏ phiếu”

Tiếng Việt vốn đa nghĩa. Cùng một hành động cầm lá phiếu bỏ vào thùng (phiếu kín) nhưng trong trường hợp này gọi là “bỏ phiếu”, trường hợp khác lại gọi là “lấy phiếu”. Đây là chuyện đang xảy ra trong đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Vì khó hiểu nên tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện mới đề nghị ban soạn thảo giải thích thế nào là bỏ phiếu và thế nào là lấy phiếu, bởi hiến pháp và luật hiện hành của VN chỉ quy định một thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”. Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đề án - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - trả lời rằng “cũng là thủ tục phiếu kín nhưng lấy phiếu tín nhiệm là để tham khảo, kết quả lấy phiếu cũng là tham khảo để đưa ra các quyết định sau đó, còn bỏ phiếu tín nhiệm mới là thủ tục quyết định một người có được giữ chức vụ đó nữa không”.

Quả thật, nếu không được giải thích sẽ rất khó phân biệt được thế nào là lấy phiếu và thế nào là bỏ phiếu, bởi xét về hành vi, nó chỉ là một. Trên thế giới, nếu xét trên ý nghĩa của hành vi này thì các nghị viện chỉ tiến hành với hai mục đích: một là bầu cử hoặc phê chuẩn một ai đó (hoặc một vấn đề gì đó), hai là bày tỏ thái độ tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm một người nào đó (gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm). Có lẽ thủ tục bỏ phiếu kín tại các phiên họp toàn thể chỉ để thăm dò chỉ số tín nhiệm của các chức danh do Quốc hội (nghị viện) bầu hoặc phê chuẩn chưa có nơi nào làm.

Để thăm dò chỉ số tín nhiệm của một cá nhân có rất nhiều công cụ (thông qua điều tra xã hội học, báo chí, mạng xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước...). Dư luận xã hội rất quan trọng và nhiều khi nó quyết định sinh mạng chính trị của một quan chức. Ở nhiều nước, ví dụ tiêu biểu như Nhật Bản, thì thường không cần đợi đến thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội, một quan chức sẽ “tự xử” bằng cách đệ đơn từ chức nếu bị phát hiện dính “phốt”. Thật ra, gọi là văn hóa từ chức thì không sai, nhưng đây là lựa chọn bất khả kháng bởi người có “phốt” không nộp đơn từ chức thì cũng sẽ bị loại bỏ bởi thủ tục “bỏ phiếu bất tín nhiệm”.

Quốc hội bận trăm công ngàn việc quốc kế dân sinh. Vấn đề đặt ra là Quốc hội có nên tiến hành thủ tục “lấy phiếu tín nhiệm” mà kết quả của nó chỉ có giá trị tham khảo? Câu hỏi này cử tri xin dành cho gần 500 vị đại biểu trả lời. Ngôn ngữ do con người nghĩ ra để quy ước với nhau, sự giải thích có thể khiến mọi người hiểu được thông điệp mà mình muốn truyền tải. Nhưng điều cuối cùng mà cử tri mong đợi là Quốc hội làm thật, để những cán bộ không đủ đức đủ tài phải bị thải loại.

Ông Vũ Đức Khiển
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên