Nguyên trung úy CSGT Khánh Hòa bị tuyên 14 năm tù
“Một mình bị cáo không thể làm được những sai phạm”
Nữ CSGT “ăn chặn” tiền cấp biển số xe
Bị cáo Lê Thị Minh Trang (nguyên trung úy) là cán bộ thu phí, lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số môtô của Phòng CSGT bị tuyên phạt 14 năm tù vì đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 2,039 tỉ đồng và tham ô 41,6 triệu đồng...
“Bị cáo chỉ là một mắt xích trong quy trình”
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa, khi thu phí, lệ phí 9.508 xe trong thời gian từ năm 2008 đến cuối tháng 5-2011, Trang đã ghi số tiền trên liên 1 và liên 3 để báo cáo và thực nộp chỉ 200.000 đồng/xe nhưng trên liên 2 của biên lai giao cho người nộp ghi và thực thu 400.000 đồng/xe.
Theo kết luận điều tra, tại Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa còn có 11 cán bộ khác cũng “có những sai phạm tương tự”. Cán bộ làm nhiệm vụ thu phí, lệ phí “tiền nhiệm” của Trang cũng thu sai quy định gây thiệt hại ngân sách nhà nước 20,4 triệu đồng. Tương tự, bà Phạm Thị Khánh - đội phó đội đăng ký, quản lý phương tiện - cũng thu sai quy định như vậy với một số trường hợp.
Tại tòa, bị cáo Trang chỉ thừa nhận có sai sót trong việc thu chênh lệch 41,6 triệu đồng và xin được xử lý hành chính như 11 cán bộ “sai phạm tương tự”. Trang cũng cho rằng mình không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 2,036 tỉ đồng, vì “một mình bị cáo không thể làm được việc đó. Bị cáo không thể tự ý gây ra, làm ra thất thoát”.
Tranh luận tại tòa, luật sư Lê Văn Tuấn bào chữa cho bị cáo Trang cho rằng “Trang chỉ là một khâu, một mắt xích trong quy trình” thu phí, lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số môtô.
Việc thu phí, lệ phí chỉ là một trong năm khâu trong quy trình cấp giấy đăng ký và biển số môtô tại Phòng CSGT. Số tiền thực thu của người nộp phí và Trang đã ghi trên liên 2 đều phải đúng như số tiền đã ghi trên giấy hẹn để giao trước cho người đăng ký mà người viết giấy hẹn là một cán bộ khác của Phòng CSGT.
Toàn thu 200.000 đồng/xe, sao “không thấy lạ”?
Cũng tại tòa, bà Cao Thị Đoàn (nguyên phó Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa) và cả các cán bộ nguyên đội trưởng, đội phó đội đăng ký, quản lý phương tiện của phòng này đều viện dẫn rằng báo cáo về việc thu phí, lệ phí hằng ngày, hằng tuần “chỉ báo cáo về số lượng xe và loại xe” chứ không đối chiếu biên lai và số tiền mà bị cáo đã thu được. Còn giấy hẹn thì theo quy định là không lưu, vì vậy cũng không phát hiện được sai phạm của Trang.
Trong khi đó, hằng tháng Phòng CSGT phải nộp các báo cáo, chứng từ biên lai phí, lệ phí đã thu lên phòng hậu cần - kỹ thuật Công an tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra, đối chiếu rồi báo xuống thì cán bộ thu phí mới đi nộp số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước.
Đó là chưa kể trong hồ sơ đăng ký của từng xe đều phải có chứng từ của cơ quan tính thuế, phải có căn cứ để xác định mức phí phải thu của từng xe theo từng loại xe đã được quy định...
Như vậy lẽ nào khi kiểm tra, đối chiếu 9.508 biên lai thu phí, lệ phí mà Trang đã nộp và chỉ thấy toàn thu 200.000 đồng/xe mà các cửa, các khâu liên quan đều “không thấy lạ”, như chính câu hỏi mà thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã hỏi bà Phạm Thị Khánh?
Luật sư Lê Văn Tuấn cho rằng đó là “nhiều lỗ hổng quy trình quản lý” việc cấp giấy đăng ký và biển số môtô tại Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa và đề nghị “hội đồng xét xử trả hồ sơ để cơ quan điều tra làm tròn trách nhiệm điều tra trong vụ án này”. Tuy nhiên, hội đồng xét xử vẫn nhận định đủ căn cứ xác định bị cáo phạm hai tội và tuyên án như trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận