12/08/2006 16:25 GMT+7

"Chị không thừa, chị cần cho đời!"

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCT - Năm 1987, Dư Thị Hoàn lần đầu xuất hiện. Giới văn chương xôn xao hỏi nhau: Có “con bé” nào khá quá, lần đầu tiên lên báo Văn Nghệ mà lại “chơi” luôn một chùm thơ, những ba bài.

bdQsHGG1.jpgPhóng to
Dư Thị Hoàn tại Nong Khai, Thái Lan
TTCT - Năm 1987, Dư Thị Hoàn lần đầu xuất hiện. Giới văn chương xôn xao hỏi nhau: Có “con bé” nào khá quá, lần đầu tiên lên báo Văn Nghệ mà lại “chơi” luôn một chùm thơ, những ba bài.

Thời ấy hầu như các nhà thơ danh tiếng chỉ được in mỗi lần một bài trên báo Văn Nghệ. Nhà thơ “cây đa cây đề” mới có thể in nổi một chùm ba bài. Thế mới bất ngờ khi một cái tên vừa lạ vừa quê vượt rào lên hẳn ba bài. Dư Thị Hoàn. Bước chân chậm, Trong bệnh viện tâm thần, Viên mãn. Bài nào cũng tiết lộ một hoàn cảnh, một tâm trạng.

Chớ vội vàng hỡi con trai yêu

Viết cho con Thi Giang

Đôi má nũng nịu tuột khỏi bàn tay mẹRổ táo chín, gói bánh dừaKhông còn giúp mẹ gọi con vềÔng hoàng tử, chàng kỵ sĩ trong thần thoại mẹ kểKhông giữ nổi đôi mắt đen trọn vẹn lung linh.Con đòi sắm bộ disco thời trangCon đòi mua đôi ghệt trắngSau giờ học chạy ra sàn nhảyHấp tấp cả trong bữa ănĐêm khuya ôm đàn bên hành langVới mẹ thành người xa lạTừ khi con gọi thầm tên cô thiếu nữ...

Nhưng con ơiMẹ lại thấy yên lòngTrong con tình yêu thương đang tiếp nốiNhư đôi chim xây tổ cây xà cừ ngoài ngõTiếng ríu rít vang đầy khung cửaHạnh phúc các con - một tia sáng cuối đời mẹMẹ chỉ lo rồi vụt tắt điMột mai con lại thành xa lạVới người đàn bà non nớt kia.

Người đàn bà ở trong bệnh viện tâm thần lại thầm nghĩ như thế này: Tôi sẽ khỏi bệnh/ Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy/ Không cần bác sĩ/ Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi! Một phương thuốc đơn giản nhưng không dễ kiếm. Một cách xử sự dễ hiểu nhưng không phải người thân nào cũng hiểu. Người điên kia không điên một chút nào.

Bắt đầu từ đó, thơ Dư Thị Hoàn thỉnh thoảng lại xuất hiện. Lại gây sốc. Độc giả quen với món mượt mà uyển chuyển, trôi chảy không chịu được thơ chị. Quen với cái gọi là đôn hậu, dịu dàng nữ tính không chịu được thơ chị. Chị vượt thoát cái lồng quen thuộc người ta ép thơ vào giam cầm thơ trong đó. Người ta ngại cái sinh vật sổ lồng đầy mình thương tích hót lên một thứ tiếng chẳng giống ai. Nhưng người hào hứng chào đón thơ Dư Thị Hoàn lại nhiều hơn. Không khí bắt đầu đổi mới rất thuận cho thơ chị. May cho chị đã xuất hiện đúng thời. Trước và sau đó khoảng dăm năm, khó.

Quả là bài Tan vỡ này chỉ có thể ra đời trong môi trường thuận lợi của thời đổi mới: Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/ Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/ Con nai rừng của em... - Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.

Thời kỳ Dư Thị Hoàn xuất hiện nhiều nhất trên báo chí. Tôi đang ở Ấn Độ, thỉnh thoảng gia đình gửi sang cho một tập báo Văn Nghệ. Trong những tờ báo đến muộn có bài thơ Nhà cười của Dư Thị Hoàn: Tất cả đều biến dạng/ Méo mó/ Mọi người đều hóa hình/ Quái gở - Người ta tung tiền vào đây/ Cốt để phá lên cười/ Cười khoái trá/ Cười rũ rượi/ Cười quên hết sự đời - Còn tôi/ Tình nguyện vào đây/ Để khóc/ Không chỉ cho một mình tôi.

Tôi đã dịch bài thơ này ra tiếng Anh và tiếng Hindi, in trong tạp chí sinh viên của học viện. Lại còn tự tay vẽ minh họa. Lại còn đọc lên trước cả nghìn thính giả trong Liên hoan thơ quốc tế ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ.

* * *

Chị ấy

Anh đến thăm emCó gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửaAnh ngắm nhìn emCó thấy hình chị ấy ôm gối thở dàiAnh ca tụng emMà em ớn lạnhNhư giọt nước mắt chị ấy tuôn chảyAnh ơiAnh mãi mãi là mặt trờiCủa người vợ đáng thương ấyLẽ ra trên thế gian nàyĐừng nên có em.

Dư Thị Hoàn là người Hoa. Thuần chủng. Ông bà cha mẹ chị là người Hoa. Cả cộng đồng chị sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng là người Hoa. 21 tuổi cô gái Hoa lấy chồng người Việt. Anh giáo Trọng dạy văn học VN trong trường người Hoa.

Anh 30 tuổi, cao 1,70m, nặng có 34kg, đen đủi, gầy đét thiếu ăn. Anh đang thời kỳ bị ho lao, nhưng giảng Truyện Kiều thì hút hồn. Mắt anh sáng quắc, tay anh vung lên hạ xuống, khi hùng biện lúc xót xa.

Nhờ anh mà cô Oanh Nhi (tên thật của Dư Thị Hoàn) biết có một nền văn học VN. Cộng đồng người Hoa của cô không biết gì về văn học VN. Anh vô tình dùng Truyện Kiều mà thu phục cô. Hai người yêu nhau. Gia đình cô khuyên răn van nài đe dọa. Cô chấp nhận tất cả để theo anh.

Thời chiến. Hiểm nguy kèm bao nhiêu khó khăn. Anh giáo Trọng đã đổi nghề thành nhà thơ Trịnh Hoài Giang, làm việc ở Hội Văn nghệ thành phố cảng. Oanh Nhi làm nhiều nghề: công nhân lọc dầu nhà máy cá hộp, thợ tiện nhà máy đóng tàu. Chị còn là đội phó đội văn nghệ nhà máy, hay ca hát, múa, cả đóng kịch, dựng tiết mục phục vụ công nhân, tự vệ, bộ đội ở các trận địa, ụ pháo ụ súng trong thành phố.

Có lần hút chết vì bom. Có lần bị tai nạn lao động. Chị phải nghỉ việc, ra buôn hàng ở chợ Sắt. Từ đồ sắt đồ kim loại, cho đến hoa quả, thuốc tây, vải vóc quần áo. Thiếu đói. Nuôi hai con với một anh chồng tính “nghệ”. Nhờ chồng giúp việc nhà, nhoáng một cái đã mất hút. Đi tụ tập thơ phú ngâm vịnh ở đâu đâu.

Dặn chồng buổi trưa đến trường đón con về, cho con ăn, thế mà buổi trưa thấy con nhỏ mếu máo ra mách không ai cho ăn, bố thì đã đến cơ quan tiếp khách trung ương mới xuống. Chính chị cũng đang đói đang rét, mặt xám môi thâm, đi chợ chỉ kịp trùm một cái khăn. Chị đã quá rõ cái kiểu tiếp khách công tác kia. Một cơn uất cơn điên đột ngột. Chị nhảy xích lô đến trụ sở hội.

Vô đề (2)

Con thiêu thân lao thẳng vào trang viếtNó đi tìm luồng sáng ở kẽ chữ chân câu?Phu khuân chữ băn khoăn về đoạn kếtNhưng không kết nổi vì nỗi băn khoănNhững ngón tay theo thói quen miết miết lên trang giấyCon thiêu thân chết bởi thói quen rất bình thường của ngón tay.

Y như rằng: mấy anh em trong cơ quan đang nhậu nhẹt, lạc rang mực khô bia rượu đầy bàn chứ khách khứa nào đâu? Chị lao vào giữa mâm rượu. Đám đàn ông bỏ chạy hết. Ông Trọng chạy vào nhà một ông bạn trong khu tập thể cơ quan, vái bạn cho chỗ nấp. Đấy là lúc chị đại náo thiên cung. Tướng hầu lanh tanh lách tách, chị nhảy thách lên vớ cái gì đập cái ấy. Mâm bát, bàn ghế, lọ hoa, khung ảnh... suýt nữa đập nát cả chiếc dương cầm góc nhà. Sau đó là một thời gian đi điều trị tâm thần. Một thời gian trong nhà phải dùng toàn đồ nhựa. Cái hoàn cảnh về sau chị viết lại trong chùm thơ đầu tiên.

Đấy là những tháng ngày cùng quẫn bệnh tật, nhà cửa tan hoang. Chính là thơ, cái mà chị căm giận nhất, lại đến và cứu vớt chị. Trong cơn tuyệt vọng chị đã ngồi làm thơ. Không thể làm thứ thơ véo von, uyển chuyển dùng để ngâm vịnh tán tụng nhau. Chị cho rằng thứ thơ ấy dù có thịnh đến mấy thì cũng đã tới đỉnh của nó, phía bên kia đỉnh là vực thẳm. Ông nhà thơ một hôm trở về giữa cảnh nhà lạnh, người vợ ốm đau gục đầu ngủ bên bàn viết. Tưởng vợ viết đơn ly dị, ông nhặt những tờ giấy trên mặt bàn, dưới đất. Ông đọc. Rồi ông run lên: Em ơi, đúng rồi, như thế này mới đúng là thơ.

Chị không lấy tên mình làm bút danh. Vương Oanh Nhi là tên cha mẹ đặt. Cái tên không văn, mà như nghệ danh của cô ca sĩ, cô người mẫu. Hoàn là những chữ cái trong chữ Oanh, xáo trộn trật tự đi một chút. Dư Thị Hoàn là cái Oanh thừa. Người thừa. Nhà phê bình văn học Văn Tâm năm 1989 phải viết: “Thưa nhà thơ Dư Thị Hoàn! Chị không thừa đâu! Chị cần cho đời”.

* * *

Đi lễ chùa

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựaTay khư khư ôm đầy vật tế lễNgười thứ nhất thở dài:- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồngNgười thứ hai chép miệng:- Vô phúc nhất người đàn bà không conNgười thứ ba cười buông:- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồngNgười thứ tư điềm đạm:- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy conNgười thứ năm:- Mô Phật!Lão xà ích giật dây cươngRoi quấtTung bụi đường.

Thơ vực Dư Thị Hoàn dậy đúng vào thời đổi mới. Công việc sinh nhai của chị cũng được hồi sinh nhờ thời đổi mới. Chị lao vào làm kinh tế. Đại diện cho những công ty Trung Quốc làm ăn ở thành phố cảng Hải Phòng. Chị lập công ty riêng, buôn bán, mở xưởng làm bao bì thực phẩm và tư vấn du lịch TQ. Một tay gây dựng cơ đồ. Tạo dựng cơ ngơi cho hai con trai, cho chính mình, đang làm ăn phát đạt thì chính chị dừng lại. Biết đủ là đủ. Không biết đủ thì mấy cũng không vừa. Chị từng học trường viết văn Nguyễn Du.

Học được một thời gian rồi xin nghỉ. Người đàn bà lúc nào cũng phải chuyển động. Ngồi yên một chỗ, làm yên một việc không phải là thói quen của chị. Đang làm cái này, thấy cái khác hay hơn. Bỏ. Bỏ ngay.

Đi làm cái khác. Nhận lời sang làm đại diện ở cảng vụ Hong Kong một năm, năm 2004. Đi được mấy tháng đã thấy bỏ về. Tôi đã quen cái tính của chị, thích đi là đi thích đổi hướng là đổi hướng. Quen thì không ngạc nhiên. Chỉ thấy vui.

Con người nhỏ bé, nhưng một khi lao vào những cuộc xê dịch thì quả quyết. Mọi năng lượng được huy động tối đa cho một cỗ máy lao đi phăm phăm. Trong công viên giải trí Hoan Lạc Cốc ở Thâm Quyến, chị vấp ngã, trán vập vào gờ tường, máu phun ra. Người ta chở chị đến bệnh viện thành phố cấp cứu. Chúng tôi chắc mẩm đêm nay phải cắt ngắn chuyến đi, đưa chị ra máy bay về Hà Nội. Không. Chỉ vài giờ sau chị tỉnh lại.

Trán được khâu mấy mũi kim, chị lại chuyện trò hỏi han giám đốc trung tâm. Người nhà ở địa phương xui, đòi bồi thường bảo hiểm được khối tiền. Thôi. Giám đốc Hoan Lạc Cốc hóa ra là người Tây An, đồng hương với nhà văn Giả Bình Ao. Lại còn hẹn hò lần sau sẽ đi Tây An. Vừa tai nạn xong, tối lại cười nói bình thường như không. Nhắc uống thuốc thì cứ hờ hững. Chết được đã tốt.

Nhiều chuyến đi trên đường, chị gây sốc bằng những tai nạn hoặc những cơn ốm. Làm mọi người sốc một lát, lát sau chị lại bình thường. Mò đến tận xứ bồ đề ở Ấn Độ. Đến tận xứ Phật đản ở Nepal. Hiếm nơi nào yên bình như cái chốn Phật ra đời dưới chân dãy Himalaya này. Người đàn bà xốc vác vào chùa kể cũng có điều bất tiện. Nhưng chị cũng yên ổn được mấy tháng trời. Theo học cả một lớp thiền định trong chùa Thiếu Lâm của người TQ đặt tại đất Phật. Chị bảo xứ ấy như thiên đường. Giá không phải về thì tốt. Mình không có duyên gửi xác bên sông Hằng!

Chưa tìm ra cái mới hơn thì không chịu trượt tiếp vào cái sẵn có của mình. Loay hoay tìm thơ, chị tạm “gối vụ” bằng cách viết tiểu thuyết tự truyện Truyền nhân của rồng. Viết sách du ký. Dịch một số tác phẩm đương đại của TQ, cuốn Người Trung Quốc xấu xa chẳng hạn. Rất muốn cho tinh thần tự thức tỉnh của người TQ đến được với độc giả ở ta. Chị cũng sẽ cho xuất bản một tập thơ song ngữ Việt - Anh. Nhà văn Mỹ Wayne Karlin và tôi tuyển dịch cho chị.

Cái gì làm được thì đã làm rồi. Nhưng biết đâu Dư Thị Hoàn vẫn đang chờ.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên