03/06/2019 11:21 GMT+7

Chị em san sẻ nhau quả thận

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - “Thấy chị yếu quá nên làm liều luôn. Đánh đổi sức khỏe cho chị mình mà. Mình sống không được bao lâu, chia cho chị sống được mấy năm thì hay mấy năm. Mình không có tiền thì cho thận” – chị Miền tâm sự.

Chị em san sẻ nhau quả thận - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Miền (áo trắng) – muốn hiến thận cho chị gái Nguyễn Thị Loan nhưng bất lực vì không đủ kinh phí - Ảnh: ĐỨC TRONG

Vùng đất nắng nóng ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận cưu mang nhiều gia đình từ nơi khác đến lập nghiệp. Trong đó có vợ chồng anh Nguyễn Chí Linh - chị Nguyễn Thị Loan.

Trước đây, cuộc sống nơi chôn nhau cắt rốn thuộc huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang không mảnh đất nương thân khiến họ bế tắc và dắt díu đến xứ người với hi vọng có được việc làm. Cái đói nghèo không khiến họ chùn bước, chỉ đến khi gặp cảnh ốm đau mới bế tắc…

Dắt dìu nhau tìm nơi làm thuê

Trong căn nhà cấp 4 trống hoắc, anh Linh vừa tranh thủ giờ cạo mủ cao su về là tất bật chở chị Loan đến bệnh viện chạy thận. 

Mỗi tuần chị Loan lên nằm máy, chạy thận 3 lần và lặp trình suốt 4 năm qua. Những đợt chạy thận khiến cơ thể chị Loan teo tóp, từng khối u nổi lởm chởm khắp cơ thể. Cơn đau nhức hành hạ chị ngày này qua tháng khác. 

Còn anh Linh, thời gian không cho phép nhàn rỗi. Bởi vừa lo cơm áo cho các con, anh phải chạy vạy cùng vợ chống lại căn bệnh. Những lúc suy sụp, anh nghĩ đến cơn đau đang hành người vợ mình là lại lao đi làm.

Anh Linh hồi tưởng lại những ngày đầu khó khăn khi đến đây tìm việc làm. Đó là khoảng năm 2002, thấy gia đình không có đất canh tác nên người bà con gợi ý lên các tỉnh miền Đông kiếm việc làm.

Nghe nói có chỗ làm là anh Linh mừng rỡ. Anh khăn gói đi, để lại vợ con ở quê. Làm được một thời gian, anh quyết định dẫn vợ con, trong đó có em vợ mình - chị Nguyễn Thị Miền lên lập nghiệp. 

Mới đến họ trồng bắp, mì, bí, đậu,… kiếm việc làm thuê. Ai thuê gì họ làm nấy. Hai vợ chồng quần quật riết rồi cũng dành dụm được ít, xây được căn nhà cấp 4 để có chỗ che mưa che nắng. Rồi đến lượt chị Miền cũng lập gia đình, ra ở riêng nhưng cuộc sống cũng trắc trở không kém.

"Mới lên gặp cảnh nắng nóng chịu không nổi, nhưng phải bấm bụng cố gắng chịu đựng vì công ăn việc làm. Ban đầu tôi dựng chòi ở trong núi cho cả nhà ở, sau này được Nhà nước hỗ trợ di dời ra ngoài đường. Khu đất được cấp đến nay vẫn chưa đồng nào…" – anh Linh nhớ lại.

Không giúp được tiền, làm liều "cắt" thận cho

Vừa cất được căn nhà là chị Loan đỗ bệnh. Căn bệnh đã tiềm tàng trong người chị từ lâu, nhưng vì mãi lo đi làm nên không quan tâm. Đến lúc sức khỏe đã "cạn", chị mới chịu đến bệnh viện khám và gục ngã khi mang căn bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối.

Anh Linh hàng ngày vừa đi làm vừa cùng vợ chống chọi với căn bệnh. Đều đặn mỗi tuần, anh phải chở vợ mình đến bệnh viện chạy thận. 

Đứa con đầu lòng thấy cảnh ba mẹ mình khổ cực như vậy cũng đành bỏ học, đi làm phụ giúp. Những đợt chạy thận gần đầy khiến chị suy nhược, khối u nổi nhiều hơn. Bác sĩ căn dặn không còn cách nào khác, phải ghép thận. 

"Nếu không ghép thận đợt này thì cũng không sống được bao lâu" – chị Loan buồn bã, nói.

Nhìn hoàn cảnh gia đình anh chị cơ cực, chị Miền không khỏi chạnh lòng. Nhưng chị cũng bất lực bởi hoàn cảnh túng thiếu như nhau. 

Nhưng rồi tia hi vọng nhỏ nhoi trong chị Miền đã nhóm lên khi hay tin thận của mình phù hợp ghép cho chị gái. Người em gái ấy đã ấp ủ ước mong hiến quả thận mình từ lâu nhưng không dám nói ra. 

"Thấy chị yếu quá nên làm liều luôn. Đánh đổi sức khỏe cho chị mình mà. Mình sống không được bao lâu, chia cho chị sống được mấy năm thì hay mấy năm. Mình không có tiền thì cho thận" – chị Miền tâm sự.

Chị Miền như được tiếp thêm động lực khi chồng mình cũng san sẻ điều này. Hai bên thử máu, hoàn tất các thủ tục cho – nhận quả thận. 

Nhưng éo le thay, xét nghiệm xong mà họ không đủ chi phí thực hiện ca mổ. Mọi người lại buồn rầu, âu lo. 

Xen vào câu chuyện của hai chị em, anh Linh nói chi phí cho ca mổ ghép này đến mơ cũng không dám. Chưa kể, nếu ghép xong phải tiếp tục điều trị lâu dài, tốn kém không thua gì ca mổ. 

Với mức lương công nhân cạo mủ, anh vừa lo trang trải gia đình 4 miệng ăn và điều trị bệnh cho vợ. Cứ mỗi lần bác sĩ gọi đến thông báo, hướng dẫn các thủ tục ghép thận là họ lại lên đường. Nhưng họ đi với bao nỗi lo toan, bởi thận có rồi mà tiền để làm phẫu thuật thì quá lớn họ không kham nổi...

Bạn đọc hỗ trợ chị Nguyễn Thị Loan, vui lòng chuyển về tài khoản báo Tuổi Trẻ số: 113000006100 tại Ngân hàng Công thương, chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung ghi rõ: ủng hộ chị Nguyễn Thị Loan.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên