25/12/2003 06:05 GMT+7

Chi đoàn khu phố, ấp: Bạn là ai?

K.ANH - Q.LINH - T.NGÔN
K.ANH - Q.LINH - T.NGÔN

TT - Chi đoàn khu phố (CĐKP), ấp là “tế bào” quan trọng nhất của tổ chức Đoàn. Tuy nhiên CĐKP, ấp tại TP.HCM hiện nay chỉ tập hợp được trên dưới 10% thanh niên (TN) trên địa bàn vào tổ chức. Có những chi đoàn chỉ có tên trên danh sách, cũng có những TN không hề biết đến Đoàn là gì... Vấn đề đặt ra là TN thờ ơ với Đoàn hay Đoàn đang “lơ” TN?

RUAs9ZAw.jpgPhóng to
Chi đoàn khu phố 2 P.12, Q.3 tham gia sinh hoạt chủ điểm nhân dịp 22-12-2003 tìm hiểu Luật nghĩa vụ quân sự
TT - Chi đoàn khu phố (CĐKP), ấp là “tế bào” quan trọng nhất của tổ chức Đoàn. Tuy nhiên CĐKP, ấp tại TP.HCM hiện nay chỉ tập hợp được trên dưới 10% thanh niên (TN) trên địa bàn vào tổ chức. Có những chi đoàn chỉ có tên trên danh sách, cũng có những TN không hề biết đến Đoàn là gì... Vấn đề đặt ra là TN thờ ơ với Đoàn hay Đoàn đang “lơ” TN?

“Tôi không quan tâm” hay…

“Chúng tôi đến đây ở hơn năm trời nhưng chưa có ai đến hỏi thăm hay mời gọi ra sinh hoạt bất cứ hoạt động gì. Tôi cũng không biết CĐKP ở đâu” - hai chị em Hạnh và Dung (buôn bán) đang ở hẻm 453 Lê Văn Sĩ, thuộc khu phố 2 (P.12, Q.3) cho biết. Hạnh nói thêm: “Thời còn đi học tôi cũng tham gia văn nghệ dữ lắm. Lâu lâu thấy những buổi văn nghệ tổ chức tại đường bờ kênh Nhiêu Lộc, nếu được tham gia chắc cũng thích lắm”.

Hỏi một TN tên Hải cùng khu phố này mới biết Hải cũng không hề tham gia một hoạt động gì mặc dù hiện nay bạn đang ở nhà luyện thi đại học. “Hiện giờ tôi quan tâm nhất là được tham gia các nhóm học tập để phấn đấu thi đậu. Nhưng Đoàn có sinh hoạt như vậy không?” - Hải hỏi ngược lại.

Dò hỏi mãi mới tìm ra chị bí thư CĐKP, được biết chi đoàn có 21 đoàn viên (ĐV), luôn xếp loại mạnh trong phường. “Mỗi lần sinh hoạt, ngoài số ĐV còn có khoảng 40 TN là hội viên Hội LHTN tham gia” - cô bí thư nói với vẻ tự hào. Nhưng thực chất còn hàng trăm TN khác chưa hề biết “mặt mũi” Đoàn như thế nào, ở đâu?

Lá thư Đỗ T.C. gửi đến Tuổi Trẻ đặt vấn đề “Đoàn ở đâu?” mới thật là... choáng. C. từng nghiện ma túy, sống tại khu phố 3, P.Tân Thới Hiệp, Q.12 đã ba năm. Sau khi cai xong, C. trở về địa phương và rơi vào trạng thái trầm uất, không biết bám víu vào ai để tâm sự, chia sẻ. Trong khi C. nhận cả trăm lá thư từ khắp mọi miền đất nước gửi đến giúp bạn vượt qua tình cảnh thì Đoàn phường nơi C. cư ngụ lại... lắc đầu không biết! Thậm chí cả phó bí thư Đoàn phường là người đã từng làm bí thư CĐKP nơi C. ở những gần bốn năm trời.

Theo một cuộc khảo sát bỏ túi trên 30 bạn trẻ chọn ngẫu nhiên của năm khu phố, kết quả thật bất ngờ: 20 bạn lắc đầu, ba trong số bốn bạn biết đến Đoàn lại hoàn toàn không tham gia, số còn lại đang sinh hoạt nơi khác.

Bạn Nguyễn Luân (khu phố 7, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) cho biết: “Chưa thấy có ai đến rủ mình tham gia sinh hoạt Đoàn cả”. Chỉ trong một tổ dân phố của khu phố này đã có ba TN từng dính đến ma túy, nhưng lại chẳng thấy bóng dáng Đoàn ở đâu. Đó là chưa kể đến trường hợp một bạn học sinh đã... lấy vợ khi chưa đủ tuổi.

Sinh hoạt chi đoàn = sinh hoạt của hội người cao tuổi !?

17g25, một vài ĐV đã có mặt tại UBND phường - địa điểm họp định kỳ CĐKP 2 (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). 17g30 thêm vài ba người nữa. 17g40, buổi sinh hoạt bắt đầu khi quân số vỏn vẹn là 10. Gần 18g, thêm một người bước vào. 18g10 xuất hiện một “nhân vật mới”. Và hết! 12 người, trong khi CĐKP2 trong danh sách có 30 ĐVTN sinh hoạt. Bí thư nói với vẻ phân trần: “Hôm nay hơi ít vì chi đoàn vừa họp cách đây... hai tuần”.

Bí thư bắt đầu buổi họp bằng một cái tằng hắng: “Tháng qua chúng ta có tham gia đứng chốt giao thông, tham gia các chủ nhật xanh. Nhiệm vụ trong tháng này là làm bản tin tuyên truyền cho SEA Games, tập dượt thi nghi thức Hội. Ngoài ra, nhắc các bạn đóng đoàn phí và xúc tiến việc thành lập các phân đoàn”. 18g40, cuộc họp kết thúc “êm xuôi”, chẳng ai có “ý kiến ý cò” hay tranh luận gì. Theo lời giới thiệu của Đoàn phường, đây lại là khu phố có hoạt động Đoàn mạnh nhất phường.

Danh sách ĐV CĐKP 1 (P.1, Q.6) có 12 người, trong đó có năm là “hữu danh vô thực” vì không bao giờ xuất hiện từ… những năm 1990 và năm là SVHS. Cá biệt có hai đoàn viên tuổi... U-50 (?!). “Chắc cuối năm chi đoàn sẽ rút tên mấy cô chú đó - cô bí thư trẻ măng cho biết - Bác Đ. (là ĐV lớn tuổi nhất - 44 tuổi) cũng vừa đề nghị như vậy”.

5lA7mSvy.jpgPhóng to
Chi đoàn khu phố 1 P.1, Q.6 tổ chức cho thiếu nhi gửi tiền tiết kiệm - Ảnh: Thi Ngôn
Nhân dịp kiểm tra công tác Đảng ở một địa phương, Huyện ủy Cần Giờ hỏi “TN đâu?” mới té ngửa: chi đoàn đã không họp hành gì cả nửa năm nay. ĐV (trong danh sách) đa số đều vượt quá tuổi Đoàn. Nhiều cái tên trong danh sách là... ảo vì người đó không còn ở ấp từ lâu lắc. Một bí thư CĐKP còn ví von: “Nếu chuyển hết số HSSV về sinh hoạt Đoàn tại trường học chắc xóa sổ CĐKP của tui quá”.

Một bí thư chi bộ khu phố ở Q.10 thở dài: “Sinh hoạt của chi đoàn ngày càng giống sinh hoạt của... hội người cao tuổi”.

Tìm kiếm một chân dung

Chập choạng tối, cô bí thư Đoàn khu phố 2, P.8, Q.6 vừa từ chợ chạy về nhà, chưa kịp ăn cơm tối đã hấp tấp chạy vội vào từng ngóc ngách của con hẻm, đến từng nhà ĐV gửi thư mời họp chi đoàn để chuẩn bị nội dung đợt hoạt động cuối năm. “ĐV đa số đều là lao động tự do, không có ngày nghỉ nên chỉ có thể sinh hoạt vào buổi tối” - “máu” như Võ Thị Hoàng Vân thì đúng là chi đoàn luôn là “ngọn cờ đầu” trong phường.

Có nhiều bạn đã tin cậy Vân như một người bạn, người chị để tâm sự cả những điều khó nói với cha mẹ như chuyện tình cảm, ước mơ, học tập... Phát hiện trường hợp một ĐV sắp bỏ học chỉ vì hoàn cảnh kinh tế gia đình, Vân đã “nhín” mỗi tháng 60.000 đồng “tài trợ” đóng học phí cho bạn ấy. Ngoài 28 ĐV đa số là TN làm nghề tự do, có nhiều ĐV ở tận Bình Chánh cũng có mặt trong chi đoàn của Vân, cứ đến kỳ sinh hoạt, họp hành Vân đều chạy đến tận nhà ĐV để thông báo!

Nhưng ai cũng biết Vân giữ được sức sống đó là vì chính... sức sống của cô, còn sự hỗ trợ về kỹ năng, kinh phí (bí thư CĐKP không có lương, chỉ hỗ trợ 20.000- 50.000 đồng/tháng tùy địa phương), đào tạo kế thừa đều thiếu hụt. Đã nhiều lần Đoàn phường, thậm chí quận đoàn, cũng đòi rút Vân lên, nhưng “tôi đi thì dễ nhưng không ai tiếp tục thì hoạt động sẽ rất khó khăn” - Vân từ chối.

r2sZgCzO.jpgPhóng toAnh Trần Trọng TuấnNhịp sống trẻ đã có cuộc trao đổi với anh Trần Trọng Tuấn - Phó Bí thư Thành đoàn, Trưởng Ban địa bàn dân cư - về thực trạng của chi đoàn khu phố, ấp tại TP.HCM.

* Thưa anh, một chi đoàn khu phố (CĐKP) - ấp chỉ tập hợp được 5, 7 đoàn viên thanh niên (TN), nhiều nhất cũng khoảng 30 đổ lại. Trong khi dân số trong độ tuổi TN trung bình khoảng 200-300 TN/KP, ấp. Anh suy nghĩ gì về sự chênh lệch đó?

- Con số đó thể hiện sức sống còn yếu của CĐKP - ấp. Chúng tôi thừa nhận việc tập hợp TN trên địa bàn dân cư hiện nay còn thấp. Sức “chinh phục” của CĐKP - ấp đối với TN hạn chế.

Chi đoàn (CĐ) hiện nay chỉ vươn tới những đối tượng dễ tập hợp là HSSV (chiếm 80% tổng số ĐV trong chi đoàn, trong khi số HSSV chỉ chiếm tỉ lệ 20-40% TN trong KP). Trong khi đối tượng trên địa bàn rất rộng như TN chưa có việc làm, TN lao động tự do, TN nhập cư... thì chưa thấy xuất hiện nhiều. Chứng tỏ CĐKP - ấp chưa đủ về chất lẫn về lượng.

* Khó khăn gì khiến Đoàn không “bắt” được TN?

- Như đã nói ở trên, ở KP có rất nhiều thành phần TN. Việc tập hợp TN tại khu phố khó hơn nhiều so với môi trường khác như trường học, lực lượng vũ trang... Thực trạng, hình thức tập hợp ở CĐKP - ấp còn nghèo nàn, chủ yếu dựa vào các loại hình văn hóa văn nghệ, sân chơi chứ chưa “đánh” vào những nhu cầu chính đáng khác của TN như nâng cao tay nghề, công ăn việc làm... nên TN chưa thấy sự cần thiết của CĐKP - ấp.

* Hình như nghị quyết 01/BCHTĐ triển khai chỉ mới dừng lại ở quận, huyện Đoàn, trong khi “con át chủ bài” là CĐKP - ấp lại chỉ mới thuộc tên, thậm chí không biết nghị quyết 01 nói về cái gì?

- Cần phải nói rõ CĐKP - ấp là bài toán nan giải từ nhiều năm trước. Nghị quyết 01 ban hành năm 2002 chỉ là hệ thống hóa các giải pháp chỉ đạo của ban chấp hành trước đó, đồng thời đúc kết nâng lên thành giải pháp mới nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong CĐKP.

Thành đoàn có tập huấn cho quận huyện đoàn, bí thư đoàn phường xã, tài liệu được đóng sách và gửi về tận KP - ấp. Nhưng do công tác tập huấn thiên về lý luận hơn là thực tế nên nhiều cán bộ đoàn phường xã chưa “cảm” hết tầm quan trọng dẫn đến nhiều bí thư đoàn KP - ấp cũng lơ là thực hiện nghị quyết.

Mặt khác, mức độ luân chuyển cán bộ Đoàn quá nhanh như hiện nay dẫn tới tình trạng “người biết thì đi, người về thì không biết”.

* Luân chuyển cán bộ Đoàn quá nhanh mà thiếu đào tạo nhân sự kế thừa; thiếu hụt kinh phí hoạt động ở chi đoàn là những bức xúc lớn của cơ sở...

- Việc luân chuyển cán bộ nhanh một phần do nhu cầu điều động cán bộ đáp ứng vào các vị trí của Đảng và chính quyền các cấp. Thành đoàn chuẩn bị cho ra quy chế cán bộ Đoàn, trong đó có quy định về thời gian nắm cơ sở của cán bộ Đoàn từ cấp quận huyện, như thế ắt sẽ tác động đến việc điều động cán bộ cấp CĐKP.

Việc đào tạo kế thừa bí thư CĐKP thuộc trách nhiệm của Đoàn quận, huyện, nhưng lâu nay chưa được chú trọng đúng mức. Thành đoàn đã xây dựng chương trình huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cán bộ đoàn KP - ấp theo hướng nặng về giải quyết tình huống, thành lập các CLB bí thư CĐKP - ấp tại mỗi quận huyện để tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

Về các giải pháp... động lực, ban thường vụ Thành đoàn đã thông qua qui chế trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn cho 50 bí thư CĐKP - ấp xuất sắc (mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và huy tượng, trao vào dịp 26-3 hằng năm), tổ chức liên hoan các CLB bí thư CĐKP - ấp cấp thành (vào tháng 10-2004)...

Về kinh phí hoạt động, những chi đoàn mạnh thường ít than van về việc này. Họ biết vận động cấp ủy, ban điều hành KP, mạnh thường quân, thậm chí là thu gom ve chai, kế hoạch nhỏ... để tạo ra kinh phí. Do đó, không thể nói do không có kinh phí mà hoạt động Đoàn nơi đó yếu được.

* Xin cảm ơn anh.

K.ANH - Q.LINH - T.NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên