Phóng to |
Nguyên và bé Thương trước di ảnh của ba mẹ |
Những cái tang
Nguyên xách vội xô nước vào rồi trở lên mời khách. Phía sau nhà vọng lên tiếng heo kêu đòi ăn. Căn nhà rộng rãi, nền ximăng được lau chùi sạch sẽ. Trên khuôn mặt u buồn của Nguyên mồ hôi thấm đẫm.
Nguyên sinh năm 1983. Sau khi Nguyên ra đời, ông Lê Văn Hòa - cha Nguyên - khăn gói đi học nghề bác sĩ ở Đại học Tây Nguyên. Rồi kinh tế gia đình ổn định dần nhờ vào đồng lương bác sĩ ở Bệnh viện huyện Krông Păk của cha.
Năm 1990 em trai Lê Nguyên Như chào đời, năm 1991: Lê Như Ngọc, năm 1997: Lê Huệ Khải. Lần cuối cùng mẹ vào bệnh viện sinh em Lê Khả Thương là đầu năm 2000. Nguyên túc trực bên ngoài, bỗng thấy các bác sĩ xôn xao, linh tính chuyện chẳng lành Nguyên chạy vào phòng cấp cứu. Các cô chú bảo “không sao đâu” rồi đưa Nguyên trở về nhà. Một lúc sau thi hài của mẹ cũng được đưa về. Người mẹ qua đời sau một ca mổ và chưa kịp nhìn thấy đứa con.
Hôm nay bé Thương vừa tan lớp trở về, thấy khách trong nhà đã chạy vội đến giấu mặt vào lòng chị. Lúc mẹ mất bé Thương chỉ mới vài giờ tuổi, giờ Thương đã vào lớp mẫu giáo. Thấy nước mắt chảy dài trên má Nguyên, cô bé đưa tay chùi nước mắt cho chị.
Hồi đó nhìn cảnh Thương quá nhỏ, Nguyên xin ba được nghỉ học để lo cho em. Lúc đầu người cha không đồng ý rồi sau cũng đành chấp thuận. Nguyên chỉ định tạm nghỉ một năm cho bé Thương cứng cáp sẽ trở lại trường.
Ngờ đâu, một tháng sau ngày mất mẹ, người hàng xóm chạy về báo tin ba Nguyên bị tai nạn ở đầu làng. Ký ức về buổi sáng này đối với Nguyên giờ đây vẫn là một nỗi sợ hãi khủng khiếp. Nguyên ngất đi cho đến đầu buổi chiều khi người cha được hạ huyệt.
Hai cái tang lớn dường như quá sức chịu đựng của một cô gái 17 tuổi. Nhiều ngày sau chị em Nguyên chỉ biết ngồi bám vào nhau. Bà con lối xóm thay nhau giúp đỡ, khi chén cơm khi hộp sữa, cả giúp thu hoạch lúa trên đồng. Nguyên bàng hoàng cả năm. Cứ hễ không làm việc là Nguyên như thấy bóng dáng của mẹ sau nhà, nghe tiếng xe đầu ngõ lại ngỡ cha trở về.
Cha mẹ dường như cứ quanh quẩn đâu đây giúp Nguyên từng công việc mỗi ngày. Dần dà cú sốc cũng nguôi ngoai, những đứa em Nguyên trở lại trường học. Ở nhà một mình, Nguyên bắt đầu công việc hằng ngày mà người mẹ để lại. Hết sữa thì Nguyên xay đậu nành cho em bé bú. Nhiều đêm trái gió trở trời em bé khóc cả đêm, cả năm chị em cùng khóc.
Một mình làm mẹ, làm cha...
Hàng xóm chỉ cho Nguyên đủ cách làm ăn để nuôi em. Từ đồng vốn 200.000 đồng mà mọi người giúp đỡ, Nguyên mua hai con heo bắt đầu “khởi nghiệp”, tận dụng mảnh vườn sau nhà trồng rau cho heo ăn. Một người tốt bụng trang bị cho Nguyên đồ nấu rượu. Đã hơn hai năm qua, mô hình nấu rượu lấy hèm nuôi heo đã giúp gia đình này vượt qua cơn khốn khó.
Mảnh ruộng 600m2 cũng một tay Nguyên trồng cấy. Hằng ngày gửi đứa bé cho hàng xóm, Nguyên đi cấy, làm cỏ, gặt lúa cho bà con để đổi công làm ruộng cho nhà. Lúa gạo thu hoạch cũng đủ giáp hạt mỗi năm hai vụ. Gạo phần để nấu rượu, phần trang trải ăn uống trong nhà. Những lứa heo xuất chuồng thì chi phí cho sách vở, áo quần bốn đứa em.
Nguyên bảo các em đến trường đều được địa phương miễn hoàn toàn các khoản chi phí. Những đứa em càng lớn càng hiểu được hoàn cảnh gia đình mà giúp đỡ người chị tảo tần. Đêm về, năm chị em quây quần bên nhau, Nguyên kiểm tra bài vở, nhắc nhở từng đứa tập trung học tập.
Đứa em nhỏ nhất gọi được hai tiếng đầu đời “chị Hai”, nhưng lớn một chút cứ thắc mắc hỏi “mẹ đâu?”. Nguyên cố gắng giải thích cho em mà lòng buồn vô hạn. Những lúc thấy trẻ con hàng xóm mừng mẹ về, bé Thương cũng buột miệng gọi “mẹ” làm xúc động cả bà con lối xóm.
Vài tháng trở lại đây, Nguyên đã mở thêm một quán tạp hóa trước nhà, bán linh tinh từ bao thuốc lá đến gói bánh kẹo cho trẻ nhỏ. Kỷ vật của cha mẹ để lại cho chị em Nguyên là chiếc xe cũng đã bị kẻ gian lấy đi trong một đêm mưa gió, mất cả nồi cơm điện và bao gạo để dành ăn trong một tháng.
“Thú thật, có lúc mình thấy bất lực quá chừng, không gượng nổi...” - Nguyên nói. Nhưng Nguyên đã gượng dậy. Trên vách tường của căn nhà vắng bóng mẹ cha là những tấm bằng khen thành tích học tập của những đứa trẻ. Nhìn vào đây, nghĩ về ba mẹ đã đi xa, thỉnh thoảng Nguyên lại khóc...
Năm nay Nguyên bước vào tuổi 20. Mọi việc giờ cũng đã đi vào khuôn khổ, em út học hành khá giỏi là niềm vui lớn nhất - Nguyên nói, vậy mà hằng đêm trong giấc mơ Nguyên cứ thấy cha mẹ đang sống trong căn nhà, trò chuyện cùng năm chị em. Nguyên lại thấy mình trong bộ áo dài trắng cùng bạn bè tan trường. Đó là phút giây nhẹ nhõm nhất trong đời, dù chỉ là ảo ảnh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận