08/03/2023 11:50 GMT+7

'Chị bộ đội' của bà con Đan Lai

Thời bình, vẫn có những người chị, những người mẹ hy sinh cuộc sống riêng của mình đi tình nguyện, đi làm công tác dân vận phục vụ người dân.

“Chị bộ đội” - trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh của bà con Đan Lai - Ảnh: NVCC

“Chị bộ đội” - trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh của bà con Đan Lai - Ảnh: NVCC

Đang có công việc ổn định ở TP, "chị bộ đội" viết đơn tình nguyện ngược lên miền tây xứ Nghệ. Suốt năm năm gắn bó nơi biên ải, bà con dân tộc Đan Lai yêu mến đặt cho chị tên gọi là "chị bộ đội" hay "người mẹ của trẻ em Đan Lai".

"Nhiều lần đi công tác ở biên giới, được lắng nghe đồng đội nam giới kể về cuộc sống ở vùng biên, mình cũng muốn đời quân ngũ được cống hiến ở trên biên giới" - trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh nhớ lại ý định thôi thúc chị viết đơn tình nguyện lên biên giới.

Tháng 7-2018, sau 25 năm công tác ở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, chị Thanh xách ba lô lên nhận công tác ở đồn biên phòng Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

Thực hiện ước nguyện đời quân ngũ

Ngày chị xách ba lô rời TP, người ta kháo nhau rằng "o Thanh dở hơi". Cũng bởi chẳng ai lý giải được người phụ nữ đang có một gia đình yên ấm, có công ăn việc làm ổn định lại lựa chọn từ bỏ tất cả. Còn chị lại nói đó là dịp để được thực hiện ước nguyện trong đời quân ngũ. Khi con gái bước vào cánh cổng đại học cũng là lúc chị lên đường.

Ngày đầu ở đồn biên phòng, chị Thanh là phụ nữ duy nhất trong môi trường toàn nam giới. Ban đầu cũng có những bất tiện vì điều kiện cơ sở vật chất ở đồn chỉ thiết kế phù hợp cho nam giới. "Dù các cậu nói "không can chi mô o, đời sống quân ngũ mà" nhưng mình là phụ nữ nên phải ý nhị, phải để ý từng chút một" - chị giãi bày.

Để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, ban chỉ huy đồn cũng tạo điều kiện cho chị Thanh sắp xếp thời gian về thăm gia đình định kỳ hơn đồng đội nam.

Mỗi lần về, người phụ nữ sắm sửa đủ thứ cho chồng và cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhưng trăn trở nhất là cô con gái đang học đại học ở Hà Nội - đòi hỏi người mẹ phải áp dụng "chiến thuật mềm dẻo", cứng rắn đúng thời điểm. Chị ví lúc ấy người mẹ chẳng khác gì một diễn viên, lúc trầm, lúc bổng, đôi khi cần làm bạn với con để hiểu tâm tình của con, nhưng đôi lúc cũng áp dụng bài "gây hấn", tỏ vẻ giận hờn để con hiểu nỗi lòng của mẹ.

Thế nhưng biến cố gia đình xảy đến khi năm 2020 mẹ của chị Thanh bị ung thư và chỉ sau đó bảy tháng thì qua đời. Đồng đội thấy chị có những khoảng lặng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, khác hẳn với đùa nghịch như trước đây, sợ chị bị trầm cảm. Được đồng đội động viên, được mọi người yêu thương, chị xốc lại tinh thần, bắt tay vào làm nhiều việc hơn để giúp đỡ cho người dân ở miền tây xứ Nghệ.

Từ ngày có o Thanh, công tác tuyên truyền "xuôi" hơn, người dân tin và nghe theo để phát triển kinh tế. Tui cũng học được ở o Thanh cách kêu gọi, vận động cho bà con nghe theo. Ở đây, chúng mình hay trêu chị Thanh là "mẹ của trẻ em Đan Lai".
Trưởng bản Lô Thị Nam (bản Cằng, ở Môn Sơn)

"4 cùng" với người dân

Ở Môn Sơn là nơi sinh sống của bà con dân tộc Thái, Kinh và tộc người Đan Lai (một trong những dân tộc ít người của nước ta - PV). Là sĩ quan làm công tác vận động quần chúng, thời gian đi sâu đi sát với đồng bào, trung tá Thanh trăn trở ở đây vẫn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, do đó điều kiện kinh tế, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Vào bản tuyên truyền thì dễ nhưng để tạo niềm tin cho bà con còn khó hơn gấp nhiều lần.

Nữ trung tá biên phòng quả quyết: "Muốn rút ngắn khoảng cách với đồng bào phải thực hiện "4 cùng": đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc. Mỗi quân nhân nếu thực hiện được điều đó thì việc thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn sẽ làm được rất tốt, trở thành điểm mạnh để gần gũi với nhân dân và nắm bắt tình hình địa bàn".

Trong công tác dân vận, chị Thanh kể là giới nữ sẽ có nhiều thuận lợi, phát huy được sở trường, khả năng riêng biệt của phụ nữ trong việc tuyên truyền, dễ đi sâu đi sát, nắm bắt nguyện vọng của bà con. Khi đến nhà bà con, chỉ cần ngồi quanh bếp thì bấy nhiêu chuyện cũng được bà con kể hết cho chị nghe.

Vào nhà của đồng bào Đan Lai, cách vận động cũng rất đơn giản là chia sẻ cho phụ nữ cách vào bếp chế biến các món ăn ngon cho cả nhà. Bà con hồ hởi khoe: "Ơ, vậy là nấu món ăn như o Thanh nói thì bọn trẻ con hấn (chỉ các em) ăn hết".

Hay cách chị chỉ dẫn cho phụ nữ gội đầu ra sao để sạch sẽ thơm tho, sử dụng dầu gội như thế nào để vừa tiết kiệm vừa hiệu quả. Cùng với đó, tại các cuộc họp của thôn bản, chị còn áp dụng phương pháp "nói ngắn, đúng trọng tâm", nói theo ngôn ngữ địa phương, lấy dẫn chứng sát sườn để giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ.

"Chỉ cho bà con kiến thức, giúp họ hiểu biết, như vậy là tự nhiên họ tin tưởng và nghe theo mình" - chị Thanh bày tỏ.

Trong thời gian công tác ở Môn Sơn, chị nỗ lực giúp đỡ đồng bào Đan Lai, đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em gái - Ảnh: NVCC

Trong thời gian công tác ở Môn Sơn, chị nỗ lực giúp đỡ đồng bào Đan Lai, đặc biệt là hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em gái - Ảnh: NVCC

Giúp đỡ học sinh dân tộc

Năm năm gắn bó ở đồn biên phòng Môn Sơn, trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã tích cực tham mưu các hoạt động phối hợp, triển khai mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" tại Trường THCS Môn Sơn. Đây là nơi ăn ở, sinh hoạt cho những học sinh tộc người Đan Lai ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (bản Búng và Co Phạt) cách xa trường từ 15 - 20km đường rừng, đi lại hết sức khó khăn.

Nữ trung tá bộc bạch hầu hết các em trong độ tuổi từ 12 - 16 lần đầu rời xa gia đình, bố mẹ ở bán trú để học tập. Ở môi trường mới nhưng các cháu vẫn giữ thói quen, tập tục lạc hậu, lại nhớ gia đình nên thường xuyên trốn học về nhà và không ra học nữa. Trước tình trạng đó, chị Thanh đã gần gũi, trực tiếp hướng dẫn kỹ năng sống cho các cháu, đặc biệt là trẻ em gái.

"Mình cũng có con gái nên hiểu được tâm sinh lý của các con. Đặc biệt với các trẻ em gái, mình dạy cho con kỹ năng sống, từ tắm giặt, gội đầu, chăm sóc bản thân như thế nào. Những đứa trẻ Đan Lai ngây thơ, hồn nhiên khi được chỉ dạy nên rất ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe, nhiều khi còn nghe lời hơn cả con mình đấy" - chị Thanh giãi bày.

Từ ngày được "mẹ Thanh biên phòng" chỉ dẫn, những đứa trẻ Đan Lai đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết chào hỏi mọi người, tự giác học tập và vệ sinh cá nhân, vệ sinh giới tính. Được động viên, các cháu yên tâm ở lại ký túc xá và không trốn học đi chơi, bỏ học về nhà nữa.

Không chỉ vậy, trung tá Thanh còn chung tay nỗ lực giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chị "vô từng ngõ, đến từng nhà", "cầm tay chỉ việc" giúp dân cách chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch mùa màng.

Ngoài ra, chị cùng đồn biên phòng cũng thường xuyên vận động, ủng hộ các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và vật chất để triển khai "Gian hàng 0 đồng", kêu gọi xây nhà cho hoàn cảnh khó khăn, làm đường nước sinh hoạt cho dân...

Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng mang trong mình sức vóc kiên cường, hình ảnh "chị bộ đội" xông xáo giúp dân từ việc nhỏ nhất đã khiến bà con tin tưởng, yêu mến.

Năm 2021, trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021.

Năm 2022 chị nhận bằng khen của Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nỗ lực xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống

Chị Thanh kể khi thực hiện "4 cùng", chị nhận ra nguyên nhân của vấn đề đang nhức nhối là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Suốt năm năm qua, chị nỗ lực tuyên truyền cho bà con để xóa bỏ những tập tục, hủ tục lạc hậu đó.

Hiện tại, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã được giải quyết dứt điểm. Người dân đã ý thức được vấn đề và chia sẻ với "chị bộ đội" rằng "o Thanh ơi, chung ông chung bà là không lấy (kết hôn - PV) được, ba đời cũng không được". Vậy là chị thành công ở vấn đề xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống.

Bác sĩ Ma Thị Cầm dành cả thanh xuân xóa hủ tục ở vùng caoBác sĩ Ma Thị Cầm dành cả thanh xuân xóa hủ tục ở vùng cao

"Cô đi rừng, không được vào chỗ nương kia. Chỗ đó đốt người bệnh hủi, cô vào là "hủi nhập" đấy". Suốt 25 năm qua, cô gái trẻ - nữ bác sĩ Ma Thị Cầm bây giờ - vẫn nhớ lời nhắc nhở của bà con trong ngày đầu tiên đặt chân đến trạm y tế xã vùng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên