Tiền đạo Anh Đức trong màu áo Olympic VN tại Asiad 2018 - Ảnh: N.K.
Công tác đào tạo trẻ không còn tốt như trước nên lâu rồi bóng đá trẻ miền Nam cũng không có thành tích gì nhiều.
Cựu tuyển thủ Nguyễn Việt Thắng
Tiền đạo Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Tiến Linh (B.Bình Dương) và trung vệ Dương Thanh Hào (Than Quảng Ninh, xuất thân từ Đồng Tháp) là ba cầu thủ ở miền Nam được chọn.
Dù vậy, không khó để dự đoán sẽ chỉ có mỗi lão tướng 33 tuổi Anh Đức trụ lại được trong danh sách 23 cầu thủ tham dự AFF Cup 2018 bởi Tiến Linh và Thanh Hào khó cạnh tranh được với các cầu thủ khác.
Cầu thủ miền Nam dần vắng bóng ở đội tuyển
Chuyện các cầu thủ miền Nam dần vắng bóng ở đội tuyển quốc gia là chuyện... bình thường trong những năm gần đây.
Đặc biệt là ở AFF Cup 2016, giải đấu mà lần đầu tiên sau 20 năm, đội tuyển VN không có cầu thủ nào đến từ miền Nam.
Một nỗi đau thật sự cho những người yêu mến bóng đá miền Nam khi ở SEA Games 1995, bóng đá miền Nam góp đến 11 người, trong đó có 6-7 cầu thủ đá ở đội hình chính như Huỳnh Đức, Minh Chiến, Quốc Cường, Hoàng Bửu, Công Minh, Đỗ Khải, Chí Bảo...
Ở chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá miền Nam cũng góp đến 9 cầu thủ như Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, Thanh Giang (ĐTLA), Vũ Phong, Quang Thanh, Trường Giang (B.Bình Dương), Phan Thanh Bình, Việt Cường (Đồng Tháp).
Nhưng cũng từ đó, bóng đá miền Nam ngày một đi xuống. CLB Long An, Đồng Tháp không thể trụ lại ở V-League.
Mới đây, CLB XSKT Cần Thơ cũng rớt hạng sau khi V-League 2018 kết thúc. Hai đại diện của bóng đá thành phố là CLB TP.HCM và Sài Gòn (chuyển hộ khẩu từ Hà Nội vào) ở vào cảnh vất vả lo trụ hạng.
Với thực tế các CLB chỉ lo trụ hạng, thậm chí rớt hạng ở V-League, các cầu thủ miền Nam không còn được triệu tập nhiều vào đội tuyển quốc gia cũng là điều dễ hiểu.
Vắng bóng cả ở các đội tuyển trẻ
Không chỉ ở đội tuyển quốc gia, ở cấp độ các đội tuyển trẻ cũng thế. Đội tuyển U-19 VN đang tham dự VCK U-19 châu Á 2018 diễn ra tại Indonesia chỉ có mỗi hậu vệ Thiện Đức của CLB B.Bình Dương trong danh sách 23 cầu thủ dự giải.
Còn ở cấp độ U-23, chỉ có một cầu thủ miền Nam góp mặt trong chiến tích giành ngôi á quân VCK U-23 châu Á 2018 là Nguyễn Phong Hồng Duy, nhưng Hồng Duy lại trưởng thành từ lò đào tạo của hagl.
Cựu tiền đạo nổi tiếng của đội tuyển VN và hiện đang làm đào tạo trẻ tại Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF) Nguyễn Việt Thắng cho biết khi chọn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, HLV trưởng sẽ chọn từ các CLB mạnh và thường tập trung ở đấu trường V-League - nơi bóng đá miền Nam thể hiện không tốt trong những năm gần đây.
Việt Thắng nói: "Đội bóng nào có đầu tư sẽ có đội hình mạnh. Khi đó, các cầu thủ được chơi bên cạnh những cầu thủ giỏi, nhất là ngoại binh, sẽ càng phát huy được khả năng của mình.
Trong khi thực tế thì các CLB ở miền Nam đều không được đầu tư nhiều về tài chính nên ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích thi đấu và cả chất lượng cầu thủ".
Cựu danh thủ Trần Công Minh, HLV trưởng CLB hạng nhất Đồng Tháp, nói: "Mấy năm nay tôi cứ trăn trở với câu hỏi: Tại sao bóng đá Đồng Tháp nói riêng và miền Nam nói chung không có ai khoác áo các đội trẻ quốc gia hay đội tuyển quốc gia dù việc đào tạo cầu thủ trẻ, nhất là ở Đồng Tháp, không đến nỗi nào. Tôi cũng hỏi bạn bè xung quanh mình mà vẫn không thể tìm được câu trả lời".
Ông Phạm Quốc Dũng, phó giám đốc Trung tâm TDTT Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu phía Nam về công tác đào tạo trẻ với chức vô địch U-15 quốc gia 2014, vô địch U-17 quốc gia 2016, vô địch U-19 quốc gia 2018.
Ông Dũng cho biết: "Cầu thủ trẻ Đồng Tháp được gọi lên các đội tuyển trẻ quốc gia khá nhiều nhưng đều bị trả về hết mà chúng tôi không hiểu tại sao.
Thậm chí ở lứa U-15, Đồng Tháp có vài cháu chuyên môn tốt nhưng cũng không được chọn vào đội tuyển U-15 rồi U-16 quốc gia.
Tôi không dám bàn sâu nhưng HLV trưởng các đội tuyển trẻ quốc gia phải làm sao đừng bỏ sót nhân tài ở các trung tâm đào tạo trẻ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận