Ông Châu Vĩnh Phúc lo lắng, theo dõi sức khỏe cây sầu riêng - Ảnh: M.Tâm |
Hàng trăm nhà vườn trồng sầu riêng ở cù lao xã Quới Thiện và cù lao xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm - nơi trồng sầu riêng lớn nhất Vĩnh Long với trên 900ha - đang lâm vào cảnh khốn đốn khi sầu riêng vào mùa thu hoạch lại bị rụng lá, cây chết đứng, hoặc trái bị teo, khô nứt, rụng dần...
Dẫn chúng tôi đi đến các nhà vườn, anh Nguyễn Công Luận - công tác trong ngành bảo vệ thực vật của xã Thanh Bình - cho biết thời điểm này năm trước thương lái dập dìu đến đây để mua bán sầu riêng, nhưng mùa thu hoạch sầu riêng năm nay vắng bóng thương lái do sầu riêng thất mùa nặng... Đi dọc đất cù lao, đâu đâu cũng thấy những cây sầu riêng chết đứng, xám ngắt, chĩa những cành trụi lá lên trời...
Theo ông Châu Vĩnh Phúc (ấp Thanh Lương, xã Thanh Bình), gần cuối tháng 3-2016, vườn sầu riêng của gia đình ông bị cháy lá, cộng thêm nắng gay gắt nên ông dùng nước sông tưới cho cây. Nhưng sau vài đợt tưới, hết lá rồi đến trái rụng tơi bời. “Nhìn thấy sầu riêng rụng nằm lăn lóc khắp vườn mà tui như chết đứng như cây” - ông Phúc nói.
Ngay cả trái chín chất lượng cũng kém vì bị sượng nên chỉ bán được cho thương lái với giá hàng kẹo (thương lái mua về bán cho các cơ sở bánh kẹo để làm mùi thơm), chỉ 7.000 đồng/kg. Không chỉ thất trắng, với hàng loạt cây sầu riêng trong vườn bị chết, những cây sầu riêng còn lại tại vườn ông Phúc cũng đang trong tình trạng suy kiệt.
Đưa chúng tôi xem cảnh trái sầu riêng rụng đầy vườn, ông Hồ Văn Dũng (ấp Phước Bình, xã Quới Thiện) rầu rĩ cho biết 4 công vườn sầu riêng của nhà ông cho thu hoạch 400 triệu đồng/năm nhưng năm nay chỉ thu được... 20 triệu, không đủ chi phí cho đầu tư phân bón, thuốc men. “Hổm rày cả gia đình tui rầu thúi ruột. Không biết những năm tới tiền đâu lo cho con ăn học...” - ông Dũng lo lắng.
Đứng thất thần trước những xác cây sầu riêng cao to nhưng chỉ lơ thơ lá, ông Thái Văn Sơn (ấp Thái Bình, xã Thanh Bình) cho biết 68 cây sầu riêng trong vườn đều từ 17-18 năm tuổi, là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng hơn 80% cây trong vườn đã chết, số còn lại cũng đang “hấp hối”, khó có khả năng cứu nổi. “Mỗi cây sầu riêng cho thu nhập lên đến 6 triệu đồng, cây càng lâu năm càng sai trái, nhưng giờ tiêu tan hết rồi”.
Tương tự, vườn sầu riêng với gần 100 gốc đủ loại lớn nhỏ của bà Nguyễn Thị Thê (xã Thanh Bình) cũng đang rụng lá dần. Nhiều cây hơn chục năm tuổi rụng không còn lá nào, cành khô gần như không thể cứu được. “Đợt này thu hoạch không bao nhiêu trái mà toàn bán giá 6.000 đồng/kg để người ta làm kẹo, lỗ mười mấy triệu đồng. Một năm có một mùa sầu riêng này thôi mà cây chết vầy thì mấy năm tới chắc khổ rồi” - bà Thê than.
Ông Dương Văn Săn - phó chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Bình - cho biết qua thống kê thực tế tại xã có khoảng 375ha trong tổng số 500ha sầu riêng bị thiệt hại do nhiễm nước mặn. Trong đó có hơn 100ha bị thiệt hại gần như 100%. Tại xã Quới Thiện cũng có khoảng 400ha sầu riêng đang cho trái bị thiệt hại, trong đó có khoảng 30% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn.
Theo ông Điều Hữu Phước - chủ tịch UBND xã Thanh Bình, địa phương có khoảng 1.167ha đất nông nghiệp, trong đó sầu riêng là cây chủ lực với diện tích 525ha. Kinh tế xã khá lên nhờ cây sầu riêng nhưng năm nay sầu riêng bị thất mùa nặng do bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận