13/02/2014 04:00 GMT+7

Chảy máu do ho kích thích

MINH MẪN
MINH MẪN

TT - Ho nhiều, dai dẳng là một trong những yếu tố làm trồi vùng niêm mạc niệu đạo ở một số bé gái, dẫn đến chảy máu vùng âm hộ và các biến chứng nguy hiểm.

Trước tết, khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) nhận điều trị nhiều ca sa niêm mạc niệu đạo ở trẻ gái. Giữa tháng 1, bé N.T.N., 5 tuổi (Q.Tân Bình), vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 với tình trạng chảy máu ở vùng kín. Người nhà bé N. cho biết trời lạnh khiến bé ho kéo dài nhiều ngày. Một tuần trước nhập viện người nhà thấy bé chảy máu ở vùng kín, xem kỹ thấy có khối nhỏ màu đỏ trồi ra. Bé tiểu hơi rát và có lúc bí tiểu.

Qua thăm khám, các bác sĩ chuyên về niệu sinh dục nhi chẩn đoán bé N. bị sa niêm mạc niệu đạo toàn phần có biến chứng. Bé được phẫu thuật và xuất viện hai ngày sau. Tình trạng sức khỏe của bé N. tốt, vết mổ lành tốt, tiểu không đau.

Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, sa niêm mạc niệu đạo là bệnh lý tương đối hiếm gặp, tần suất khoảng 1/3.000 trẻ gái sinh ra, đa số xảy ra ở lứa tuổi 5-9 tuổi. Đây là bệnh bẩm sinh. Người mắc bệnh sẽ yếu phần cơ vùng thành niệu đạo.

Dưới tác động của các yếu tố khác như ho kéo dài, tiêu chảy hoặc táo bón lâu ngày dẫn đến tăng áp lực đột ngột ổ bụng, làm trồi ra vùng niêm mạc ở niệu đạo. “Vì xuất phát từ niệu đạo nên nếu quan sát kỹ chúng ta có thể thấy nước tiểu rỉ ra từ khối sa này. Do liên quan đến ho và viêm hô hấp nên mùa lạnh vừa rồi số bệnh nhân điều trị tại khoa niệu tăng hẳn so với thời điểm khác trong năm”, bác sĩ Thạch nói.

Bệnh thường biểu hiện triệu chứng đầu tiên là chảy máu vùng kín nên người nhà thường nghĩ do chấn thương hoặc lạm dụng. “Điều này khiến người nhà bệnh nhi rất hoang mang lo lắng. Do tính chất hiếm gặp và ít phổ biến nên sa niêm mạc niệu đạo thường dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác vùng sinh dục”, bác sĩ Thạch cho biết.

Mức độ bệnh sa niêm mạc niệu đạo chia làm ba loại: sa bán phần, sa toàn phần, sa có biến chứng. Do đó, bác sĩ Thạch khuyến cáo đối với sa bán phần có thể điều trị nội khoa bôi thuốc. Tuy nhiên phương pháp này hiệu quả không cao, mất nhiều thời gian. Trong khi đó, đối với sa toàn phần hay sa niêm mạc niệu đạo có biến chứng thì giải pháp phẫu thuật là duy nhất và hiệu quả.

“Chúng tôi đã triển khai kỹ thuật mới Kelly Burnham cắt niêm mạc niệu đạo sa. So với phương pháp mổ cũ, phương pháp mới sử dụng dao cắt đốt đầu cực nhỏ giúp cuộc mổ nhanh hơn, ít tổn thương sang chấn mô xung quanh. Sau mổ vết thương lành tốt và ít biến chứng hẹp miệng niệu đạo về sau, đồng thời không tái phát”, bác sĩ Thạch nói.

MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên