Phóng to |
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thu dọn vòi phun nước sau khi đám cháy TTTM Hải Dương được dập tắt - Ảnh: Đức Bình |
Theo ông Phùng Đắc Lộc, chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm VN, sau hàng loạt vụ cháy chợ và TTTM những năm gần đây, đã đến lúc trách nhiệm của ban quản lý cần phải mở rộng hơn. Không chỉ đơn thuần là giữ gìn an ninh, trật tự và thu phí chợ mà ban quản lý chợ, TTTM phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tài sản của các hộ kinh doanh, trong đó có việc tổ chức vận động, thậm chí có biện pháp buộc tiểu thương mua bảo hiểm cháy nổ.
Bà hỏa gần, bảo hiểm xa
Theo Cục Giám sát quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc năm 2012 đạt 594 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường đạt 14%. Bên cạnh đó, bảo hiểm cháy, nổ tự nguyện đạt doanh thu 2.200 tỉ đồng, trong đó gần một nửa số tiền đã bồi thường cho các đơn vị gặp rủi ro. |
Bà Trương Thị Hồng (đường Quyết Thắng, P.Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho biết gia đình có hai kiôt (bà Hồng đứng tên một kiôt kinh doanh mỹ phẩm, còn chồng bà là ông Tạ Văn Hồng cũng đứng tên một kiôt kinh doanh quần áo, vải vóc), kinh doanh tại TTTM từ khi ra đời (năm 2001). Mỗi năm vợ chồng bà nộp đầy đủ các loại tiền, nhưng không thấy ban quản lý chợ hay chính quyền yêu cầu phải mua bảo hiểm tài sản hàng hóa.
Chị Tăng Thị Ánh, có kiôt quần áo trên tầng 2, cũng thừa nhận tám năm buôn bán ở TTTM này, chị cũng như hầu hết tiểu thương đều chưa từng mua bảo hiểm và cũng không biết mua bảo hiểm thế nào. “Nói thật chúng tôi chẳng được ai hướng dẫn, nhắc nhở gì việc mua bảo hiểm. Về phòng cháy chữa cháy chúng tôi cũng chẳng được hướng dẫn. Họ (ban quản lý TTTM) phát cho cái bình xịt cứu hỏa đấy nhưng chắc gì ai đã biết sử dụng” - chị Ánh nói.
Việc các tiểu thương kinh doanh tại chợ không có bảo hiểm cũng được chính Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận tại cuộc họp khẩn chiều 15-9. Theo ông Hiển, chính vì ban quản lý TTTM không mua bảo hiểm nên tổn thất nặng nề lúc này các tiểu thương không biết bấu víu vào đâu...
Trong khi đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin (Tuổi Trẻ 17-9), từ năm 2004 hệ thống báo cháy tự động tại TTTM này hoàn toàn bị tê liệt. 2/4 bể nước ngầm cứu hỏa bị hư hỏng, không thể tích nước. 2/4 máy bơm chữa cháy hỏng động cơ, các van điều khiển bị gỉ sét, không thể vận hành. Lối vào khu vực đặt máy bơm bị các quầy hàng che lấp...
Thậm chí từ năm 2006-2012, Công an tỉnh Hải Dương đã có các công văn yêu cầu UBND TP Hải Dương và ban quản lý TTTM sửa chữa toàn bộ các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhất là việc cải tạo lại hệ thống điện, hệ thống thông gió và các đường thoát nạn... Cũng do chậm chuyển biến, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy nên năm 2012 cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã phạt hành chính 30 triệu đồng với trung tâm do những vi phạm về sử dụng điện.
Bắt buộc nhưng không ai thực hiện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết quy định hiện hành nêu rất rõ các chợ và TTTM là những đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ. Tùy theo hợp đồng bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm cũng có cả bảo hiểm có hàng hóa tài sản bên trong của TTTM.
Để bảo hiểm hàng hóa thì ban quản lý TTTM đứng ra ký hợp đồng mua bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm, chứ không phải đơn lẻ từng kiôt gian hàng ở trung tâm ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm. Vì khi đánh giá rủi ro thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đánh giá cả TTTM.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 17-9, ông Nguyễn Thịnh Long, giám đốc Công ty bảo hiểm PVI Hải Dương, cho biết doanh nghiệp này cũng như tất cả doanh nghiệp bảo hiểm khác trên địa bàn đều chưa thể “vào” được các chợ, TTTM. “Mấy năm trước chúng tôi có chào mời, tư vấn, nhưng sau hai, ba lần gửi thư mời không thấy ban quản lý hồi âm nên chúng tôi chẳng biết làm thế nào”.
Theo ông Long, quy định hiện hành, Ban quản lý chợ TTTM sẽ là đầu mối mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng có lẽ họ không có nguồn kinh phí, hoặc không vận động thu góp được của các tiểu thương nên họ không mua bảo hiểm. “Để thực hiện mua - bán bảo hiểm thì chợ, TTTM phải đảm bảo các điều kiện theo quy định về phòng chống cháy nổ, phải có chứng nhận của cơ quan chức năng địa phương (sở hoặc phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy). Không biết có phải vì điều kiện này hay không mà họ không mua bảo hiểm” - ông Long nói.
Một lãnh đạo của Bảo hiểm Bảo Việt tại Hải Dương cho biết Hải Dương là tỉnh nhỏ, TP nhỏ nhưng có đến gần 20 đơn vị bảo hiểm lớn nhỏ, và không chỉ Bảo Việt mà hầu hết các đơn vị bảo hiểm khác đã chào mời, tư vấn nhưng đều chưa thực hiện được việc bảo hiểm đối với các chợ, TTTM, các tiểu thương...
Phóng to |
Bà Bùi Thị Mai (phải) cũng như nhiều tiểu thương khác ở chợ trung tâm TP Quảng Ngãi đau đớn khi bỗng nhiên bị trắng tay sau vụ cháy chợ ngày 9-2-2012 - Ảnh: Tấn Vũ |
Doanh nghiệp bảo hiểm không “mặn”
Theo ông Phùng Đắc Lộc, không chỉ tiểu thương chưa quan tâm đến bảo hiểm tài sản, mà bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mặn mà trong việc bán bảo hiểm cho tiểu thương tại các chợ và TTTM do rủi ro rất cao. “Rất nhiều TTTM, đặc biệt là chợ, không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy. Do vậy các doanh nghiệp bảo hiểm không bán bảo hiểm cho các đơn vị này” - ông Lộc nói.
Một lãnh đạo Công ty bảo hiểm Bảo Việt Hải Dương thừa nhận dù rất muốn nhiều khách hàng mua bảo hiểm, nhưng với điều kiện phòng cháy chữa cháy của chợ, TTTM không có họng vòi, không có bể chứa nước, tất cả đều không đảm bảo theo luật định thì làm sao dám bán. “Chúng tôi cũng đề xuất, lưu ý các cấp chính quyền, ban quản lý các chợ giúp đỡ, nhưng quả thật với điều kiện, hệ thống phòng cháy chữa cháy như thế, chúng tôi không thể làm sai quy định pháp luật để bán bảo hiểm được...” - vị này nói.
Cũng theo ông Lộc, khi không bán được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng ngại bán bảo hiểm cháy nổ theo diện tự nguyện cho các TTTM, chợ. Bởi rủi ro cao khi TTTM, chợ không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, sau cháy nổ, việc xác định giá trị tài sản của các hộ tiểu thương để bồi thường là rất khó khăn. Như đối với doanh nghiệp thì đơn vị bảo hiểm có thể căn cứ vào cơ quan thuế, ngân hàng để xác định tài sản của doanh nghiệp qua doanh thu, vốn, tài sản...
Còn hộ tiểu thương thì không kê khai sổ sách, hoặc có kê khai cũng không đầy đủ, chính xác. Còn nếu doanh nghiệp bảo hiểm có bán thì mức phí bảo hiểm sẽ cao hơn. Lúc đó, TTTM và chợ lại lắc đầu. “Chính vì rủi ro cao khi nguy cơ cháy nổ luôn rình rập tại TTTM và chợ nên các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không tiếp cận từng tiểu thương để chào bán bảo hiểm. Họ thường thông qua các ban quản lý TTTM và chợ” - ông Lộc nhận định.
Nêu bất cập trong quy định hiện hành về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, ông Lộc cho biết nghị định 46 có nêu là việc bán bảo hiểm cháy nổ cho TTTM không cần giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ, mà chỉ cần biên bản kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong thông tư 220 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc lại yêu cầu đơn vị mua phải có giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy.
Vụ cháy chợ Quảng Ngãi: hàng trăm tiểu thương trắng tay do không mua bảo hiểm Rạng sáng 9-2-2012, lửa bốc cháy tại tầng 1, cửa số 9 của chợ Quảng Ngãi và sau đó cháy ngùn ngụt mặc dầu đã huy động tất cả phương tiện chữa cháy của tỉnh, các đơn vị trên địa bàn và Quảng Nam. Đến chiều thì ngọn lửa đã thiêu rụi toàn bộ khu chợ Quảng Ngãi. Thống kê có 424 hộ kinh doanh với 628 lô, sạp các mặt hàng quần áo, tạp hóa, giày dép, bánh kẹo, mỹ phẩm... với khoảng 650 tấn, ước thiệt hại trên 200 tỉ đồng, trong đó tiểu thương khoảng 150 tỉ đồng. Ngay sau khi vụ cháy chợ xảy ra thì phát hiện tất cả các hộ tiểu thương không có hộ nào mua bảo hiểm cho hàng hóa của mình, kể cả ban quản lý chợ Quảng Ngãi. Nguyên nhân được các đơn vị bảo hiểm cho biết là do các tiểu thương không quen và không thích mua bảo hiểm; mua bán hàng hóa chứng từ không bảo đảm..., còn chợ Quảng Ngãi không được bán bảo hiểm do không đáp ứng các yêu cầu về an toàn của bảo hiểm. Sau đó nguyên nhân cháy chợ được xác định do chập đường dây dẫn điện làm cháy vỏ cách điện rồi lan ra xung quanh. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố hình sự vụ án nhưng đến tháng 7-2013, sau 17 tháng tiến hành điều tra, công an đã chính thức tạm đình chỉ điều tra vụ án cháy chợ Quảng Ngãi. Nguyên nhân vụ án quá phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành trong tỉnh nên chưa thể xác định được bị can phạm tội vi phạm quy định về PCCC. Trước đó vài năm, Quảng Ngãi đã có hai chợ huyện bị “bà hỏa” viếng thăm là chợ Di Lăng (huyện Sơn Hà) và chợ Châu Ổ (huyện Bình Sơn). V.HÙNG |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Trung tâm thương mại Hải Dương vẫn mù mịt khóiToàn bộ 3 tầng Trung tâm thương mại Hải Dương cháy rụiSau 2 ngày, bên trong TTTM Hải Dương vẫn âm ỉ khóiTTTM Hải Dương cháy: lực lượng công an tỉnh không đủ dập tắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận