22/02/2012 08:36 GMT+7

Chạy...

Truyện hài hước của BÍCH NGÂN
Truyện hài hước của BÍCH NGÂN

TTC - “Chạy” có lẽ là từ mà khi biên soạn từ điển tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học tiếng tăm phải chạy hụt hơi vẫn không kịp nắm bắt vô số định nghĩa liên tục cập nhật. Các định nghĩa vừa thời sự vừa đại chúng, lại vừa biến hóa như có phép thần thông.

JEEpqHn5.jpgPhóng to

Theo định nghĩa thì “chạy” tức là di chuyển với một tốc độ nhanh trên mặt đất, trên (hoặc trong) mặt nước hay trong không trung... và chủ thể của hành vi “chạy” không độc quyền bởi động vật đi bằng hai chân mà còn ở tất tần tật thứ gì có thể chuyển dời được, từ con vật có chân, có cánh đến những đồ vật chạy bằng máy móc, dĩ nhiên cũng do con người điều khiển.

Tuy nhiên, vì là động vật đi bằng hai chân có tư duy và cọ sát sàn sạt với đời sống, nên con người liên tục vận động, liên tục phát kiến, liên tục móc một dãy rờ-moọc vào từ “chạy”; làm cho từ này không còn bị gò vào cái nghĩa chật hẹp như trên.“Chạy” được mở rộng cả nội dung lẫn hình thức (cả nội hàm lẫn ngoại diện, nếu theo thuật ngữ của nhà nghiên cứu) .

Dần dần từ “chạy” có một ma lực kỳ bí nào đó: chạy chọt, chạy án, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền... Rồi mỗi khi gió se se lạnh, đất trời dọn mình chuẩn bị rinh nàng xuân về, thì con người di chuyển bằng các loại động cơ (tàu, xe, máy bay...) lại cuống cuồng lo chạy... giải. Một lô-xích-xông giải, nào là: giải “Ngôi sao mới mọc”, giải “Tài năng mới hé”, giải “Nhan sắc mới hửng”, giải “Cây cọ nhiều lông”, giải “Ngòi bút nhiều mực”, rồi giải hoa, giải cá, giải chim...

Mà giải nào cũng lũ lượt người đăng ký tham gia. Ngay cái giải bé tẹo (cả về uy tín lẫn tiền thưởng) là giải “Cá lia thia” mà tôi là thành viên Ban giám khảo (BGK) cũng có cả trăm người xếp hàng với niềm tin sắt thép là con cá cưng của mình được ẵm giải (mà khi được giải, dù là giải Trái cóc xanh đi nữa, thì tên tuổi tròn méo gì cũng được lên báo, lên đài).

Thời gian mở cuộc thi mới vài tuần mà tôi đã thấy mệt. Cái văn phòng vắng như chùa bà Đanh trước đây của hội “Cá lia thia” trở nên ồn ào nhộn nhịp. Các thí sinh khệ nệ đem đến không chỉ là những chàng (nàng) cá cưng được nuôi trong lọ, trong chậu, trong bể mà còn đem đến lủ khủ các loại trái cây biếu tất tần tật 5 thành viên trong ban giám khảo.

Thoạt đầu, khi bợ mấy túi trái cây, tôi cũng thấy ngài ngại, nhưng rồi lại tặc lưỡi: “Ối dào, cũng chẳng đáng bao nhiêu, hơn nữa, năm nay trái cây trúng mùa nên giá rẻ như bèo; với lại, theo lời người biếu thì đều là chút quà “cây nhà lá vườn” cả! Vợ tôi bưng bê mấy túi trái cây, sắp ra dĩa lớn dĩa nhỏ, mặt mày nở nang:

- Trái chín cây có khác!

Cứ thế, liên tiếp, ngày nào cũng nhận được quà biếu ở mức tình cảm như vậy của các thí sinh dự giải “Cá lia thia”, mặt vợ tôi bắt đầu... héo. Nàng càm ràm:

- Có ép nước uống cho cả cái chung cư này cũng không cách nào xài hết mấy đống trái cây lù lù ra đó!

Rồi nàng chỉ tay ra phía cửa:

- Nhiều túi thúi nhớt, em đã phải bỏ cho xe rác. Tháng này không chừng chắc phải đóng thêm tiền rác.

Tôi hấp tấp vào Hội, gặp ngay vị trưởng BGK, đề nghị ông ta nên ra ngay một văn bản, phóng to, in đậm rồi dán chình ình trước cổng trụ sở Hội: “Chỉ nhận tác phẩm dự thi, không nhận quà cáp”. Vị trưởng ban giám khảo phản đối ngay:

- Nhà cậu có hai vợ chồng nên ăn uống không hết là phải. Còn nhà tôi, con cái cháu chắt trên chục người, rồi bên nội bên ngoại đều ở gần cả, lâu lâu cả đại gia đình mới được dịp ăn trái cây thỏa thích.

Tôi chưa kịp mở miệng, vị trưởng ban giám khảo nói luôn:

- Còn phần cậu, nếu cậu không nhận thì để mình gánh luôn. Cậu biết tính tớ mà, có bao giờ nề hà khó khăn.

Tôi đứng lên, lại chặc lưỡi:

- Thôi cũng được, miễn sao không bị vợ véo đùi non là được!

Thời gian chọn các chú (cô) lia thia từ vòng chung khảo đưa lên xét giải lại càng khiến tôi đuối sức. Ở giai đoạn nhận “tác phẩm” dự thi, quà cáp chủ yếu được các thí sinh gắn vào đó cái cạc và ít dòng nhắn gởi cho BGK viết ở mặt sau rồi gởi lại chỗ người bảo vệ trụ sở Hội, còn “giờ cao điểm” này thì niềm tin được trúng giải quá mãnh liệt nên họ đủ sức vượt qua hàng rào bảo vệ, nhảy một lúc mấy bậc cầu thang rồi xô cửa ào vào phòng làm việc của từng thành viên BGK.

Không rõ các vị giám kháo khác đối phó thế nào trước những thí sinh máu lửa với giải như vậy. Còn tôi, tôi cũng suýt tặc lưỡi: “Ối dào, ba cái thứ quà khô (trà, cà phê, thuốc hút...) cũng chẳng thể làm ướt được uy danh Ban giám khảo”, nếu như không có thí sinh mang phong bì (dĩ nhiên là phong bì đựng tiền)

Đến mức này thì tôi... choáng. Không nén được cơn giận, tôi đập tay lên bàn, quát:

- Cậu mang tiền bạc xéo khỏi đây ngay!

Cậu ta chưng hửng:

- Anh này...?

Vẻ mặt của ba vị khác trong BGK (một vị nữa thì đau bụng do bội thực mà chưa rõ ăn cái chi chi, nên vắng mặt) thì không hề chưng hửng khi tôi báo sự việc trên. Vị giám khảo số 1 cười khà khà:

- Úi dào, chuyện nhỏ như cọng lông con thỏ! Cậu làm như mình vừa từ cung trăng đáp xuống...

Tôi ấm ức:

- Nhưng... như thế thì... thì họ hạ thấp ban giám khảo chúng ta...

Vị giám khảo số 2 nuốt một ngụm trà:

- Hạ thấp cái con khỉ mốc! Họ đặt chúng ta ngang với họ, y chang với họ. Mà suy cho cùng... chúng ta cũng có khác gì họ đâu!

Vị chủ tịch Hội đồng Giám khảo im lặng lắng nghe, không chen ngang, không ngắt lời. Ông đằng hắng mấy tiếng rồi kết luận:

- Nãy giờ chúng ta chỉ nghe phản ánh nhưng không có gì làm chứng cớ, ít ra chúng ta phải thu thập được hình ảnh cụ thể, vào ngày giờ cụ thể và con người cụ thể. Mà đã lời nói thì gió bay - Ông ta lại đằng hắng rồi quay sang tôi nói tiếp - Biết đâu, nghe mẹ cậu đau yếu, nên thí sinh này biếu ít tiền thuốc thang.

- Tôi và thí sinh này chưa một lần gặp mặt. Hơn nữa, mẹ tôi không đau ốm gì cả - Tôi gân cổ cãi.

- Có thể thí sinh ấy nghe ông nội cậu ốm cũng nên - Vị chủ tịch nói rồi ho khan.

- Ông nội tôi mất rồi!

- Vậy thì chắc thí sinh ấy gởi tiền phúng điếu...

Đến nước này thì tôi quyết nhắm mắt ngồi lì trên bàn ban giám khảo, dù là ban giám khảo cuộc thi cá lia thia hay cuộc thi cá bãi trầu. Bởi có ai được sướng như ban giám khảo, được thí sinh lo lắng chăm sóc đến cả sức khỏe cha mẹ ông bà, kể cả những người đã yên nghỉ hồi nảo hồi nào nơi chín suối.

yVe7ssIP.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số Tân Niên (số 445) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Truyện hài hước của BÍCH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên