13/08/2012 06:48 GMT+7

Châu bản kể chuyện... vua Nguyễn

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Một phần lịch sử của triều đại nhà Nguyễn sẽ đến với người xem thông qua triển lãm khá thú vị và nhiều suy ngẫm Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn 1802-1945.

Cuộc triển lãm khai mạc ngày 15-8 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (18 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội).

KNACEdtO.jpgPhóng to

Bản ngự phê bằng chữ quốc ngữ của vua Bảo Đại vào ngày 14-5-1945: “Chuẩn y đem phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa...” - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp

icoRBONh.jpgPhóng to
Ngự phê của vua Tự Đức năm 1859: “...Việc huấn luyện biền binh cốt làm cho mọi người đều can đảm dũng mãnh, kỹ thuật tinh thông, gặp chết không từ” - Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp

Không đơn thuần là những tờ công văn, châu bản triều Nguyễn còn kể cho người xem chuyện xử lý chính sự của các triều vua từ Gia Long đến ông vua cuối cùng Bảo Ðại.

"Trẫm chắp tay cầu trời..."

Bên cạnh chuyện chính trị, quân sự, ngự phê của các triều vua Nguyễn phong phú trên nhiều lĩnh vực: thời tiết, nông vụ, giá gạo, việc đóng thuyền... Bản phê ngày 29-12-1826 (năm Minh Mệnh 7), vua Minh Mệnh phê: "Mùa xuân mới nở, vui mừng được xem tờ tâu báo tin thời tiết thuận hòa. Trẫm chắp tay cầu trời cho ruộng đồng cả nước đều được mùa". Hay châu phê của vua Tự Ðức về việc tháo thuyền cũ đóng thuyền mới năm 1874: "Các thợ nhận sửa chữa điện Cao Minh đều vất vả, trước đã được thưởng một tháng rưỡi tiền lương. Nay thưởng thêm cho từ đổng lý đến lính thợ mỗi người một tháng tiền lương để tỏ sự thể tất. Bộ Hộ lập theo sự thực mà cấp phát. Ðình chỉ việc đi ra bên ngoài".

Những dòng bút phê bằng mực màu son cũng nói lên phần nào con người và tính cách của từng vị vua. Ngự phê của Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị thể hiện uy quyền của nhà vua trong thời thịnh trị. Sau thời Tự Ðức, ngự phê cũng thể hiện quyền hạn bị thu hẹp của triều đình Huế. Ấy là khi đất nước lâm nguy, nhiều lĩnh vực do thực dân Pháp nắm giữ. Tuy nhiên, ngự phê của những vị vua như Thành Thái, Hàm Nghi, Duy Tân vẫn cho thấy một tinh thần dấn thân chống Pháp. Tháng 1-1899, vua Thành Thái phê duyệt cho đặt mua tờ báo Pháp l’Opinion, một trong những hành động nhằm tiếp cận tư tưởng dân chủ của Pháp. Ông cũng là người đề xướng "học người Pháp để chống Pháp chứ không làm tay sai".

"Giặc kia không có đường nào mà đi"

Châu bản triều Nguyễn là các tập tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư, trình, sớ, bẩm...được đích thân nhà vua Nguyễn ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong khối lượng khoảng 800.000 trang châu bản còn lại đến ngày nay chỉ có một phần rất nhỏ trong số đó (khoảng 800) có lưu lại bút tích các vị vua nhà Nguyễn. Triển lãm sẽ được chia làm 10 phần trưng bày với các ngự phê của vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.

Người xem cũng có thể hiểu thêm về Tự Ðức - ông vua bị phán xét có tư tưởng cầu an, người góp phần đẩy nhanh quá trình Pháp đô hộ VN. Tuy nhiên, những châu bản trong giai đoạn đầu khi Pháp chính thức nổ súng ở VN cho thấy một hình ảnh khác về Tự Ðức.

Về vấn đề quân sự do Viện Cơ mật tấu lên năm 1859, vua Tự Ðức phê: "Việc phòng bị thích hợp há trông vào kế sách khác. Nay cho tuân theo chỉ dụ lần trước và chỉ dụ mới mà lo liệu. Ðã phòng bị cả đường bộ, đường thủy rồi thì giặc kia không có đường nào mà đi. Việc cốt yếu là chọn được người giao việc. Việc huấn luyện biền binh cốt làm cho mọi người đều can đảm dũng mãnh, kỹ thuật tinh thông, gặp chết không từ". Sau đó một năm, năm 1860, vua Tự Ðức tiếp tục ra chỉ dụ chống Pháp, bản chỉ dụ được đánh giá ngay thẳng, giản dị, bộc trực, đi sâu vào lòng dân.

Nhưng đến ngự phê năm 1880, Tự Ðức thể hiện rõ tư tưởng cầu an của mình khi đặt bút phê: "Họ một lòng giúp, ta sớm giao sáu tỉnh, không có sự phân biệt với các nước thì ta sao lại không tin vào họ".

Nếu như các đời vua từ Khải Ðịnh trở về đến Gia Long chủ yếu ngự phê bằng chữ Hán thì ông vua cuối cùng - Bảo Ðại - sử dụng cả ba thứ ngôn ngữ: Pháp, Hán và chữ quốc ngữ. Ngự phê của Bảo Ðại chủ yếu trên các văn bản có nội dung bàn việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ ngoại giao...

Bản ngự phê bằng chữ quốc ngữ duy nhất của vua Bảo Ðại vào ngày 14-5-1945, trước thời điểm Nhật đảo chính Pháp và thành lập nội các đế quốc VN do Bảo Ðại làm quốc trưởng. Trả lời việc Bộ Tư pháp tâu về việc phạt quan lại, Bảo Ðại phê: "Chuẩn y đem phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa, còn việc truy cứu về mặt hình chiều giao nội các mới xét tâu".

Sau triển lãm kéo dài đến ngày 31-12 về ngự phê trên châu bản triều Nguyễn, dự kiến vào cùng thời điểm năm 2013, Trung tâm Lưu trữ quốc gia sẽ tổ chức triển lãm về cải lương hương chính, kết hợp giữa hai khối tài liệu tiếng Pháp và Hán Nôm. Ðây là những tư liệu hết sức quan trọng vì từ trước tới nay có rất ít nhà nghiên cứu khai thác được cả hai khối tài liệu này.

GSTjDmt5.jpgPhóng to

Ngự phê bằng tiếng Pháp “Bác đơn” (Demande rejett é e). Bảo Đại bác đơn của mục sư Irwin có liên quan đến Hoàng Trọng Vân

aLCWhhuW.jpgPhóng to
Ngự phê của vua Minh Mệnh năm 1926: Mùa xuân mới nở, vui mừng được xem tờ tâu báo tin thời tiết thuận hòa. Trẫm chắp tay cầu trời cho ruộng đồng cả nước đều được mùa. Khâm Thử”.
HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên