Phóng to |
“Trong viễn cảnh 2013, những nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới nằm ở châu Âu” - ông Stiglitz cảnh báo trên nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức. Ông chỉ rõ địa chỉ của nguy cơ này là Tây Ban Nha và Hi Lạp, bởi “những nước này đang chìm trong suy thoái mà không có một dấu hiệu hồi phục nào”.
Nhà kinh tế học người Mỹ này khẳng định gói thỏa thuận tài chính của các nước khu vực đồng euro “không phải là một giải pháp”, còn việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thu mua cổ phiếu của các con nợ châu Âu chỉ là “một thứ thuốc giảm đau tạm thời”. Theo ông, ECB không nên “tiếp tục theo đuổi chính sách khắc khổ như một điều kiện để hỗ trợ tài chính cho các quốc gia, bởi điều này sẽ chỉ đem lại hiệu quả duy nhất là làm tình trạng của con bệnh trở nên tồi tệ hơn mà thôi”.
Cảnh báo thắt lưng buộc bụng
Trả lời phỏng vấn trên trang Kathimerini, nhà kinh tế Stiglitz cho rằng cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro phản ánh những khiếm khuyết căn bản trong việc tổ chức khu vực này và việc chẩn đoán không chính xác nguồn gốc của khủng hoảng. Nói về giải pháp của các lãnh đạo trong thời gian qua, ông nhận định cơ chế giải quyết khủng hoảng hiện nay không phù hợp và cần có sự tham gia nhiều hay ít của châu Âu. Trong đó sự tham gia nhiều hơn của châu Âu đồng nghĩa với việc chia sẻ nợ, thành lập một hệ thống ngân hàng của khu vực đồng euro dưới sự giám sát chung, những giải pháp chung... và một chiến lược phát triển thay thế chính sách thắt lưng buộc bụng đã được áp dụng gần ba năm qua.
Những biện pháp cắt giảm chi tiêu hà khắc đang đe dọa sự tăng trưởng khi kéo GDP và thuế giảm mạnh. Cơn đói do thắt lưng buộc bụng còn cồn cào hơn bởi sự sụt giảm nguồn tín dụng, hậu quả từ việc thiếu một hệ thống ngân hàng vững chắc tại khu vực đồng euro. Dù vậy, ông Stiglitz nhận định việc cắt giảm nợ của những nước như Hi Lạp là cần thiết, nhưng không chỉ ở lĩnh vực công mà cả lĩnh vực tư và phải làm mạnh tay nếu muốn đạt được hiệu quả.
Ông Stiglitz hối thúc các lãnh đạo châu Âu cần hành động nhiều hơn thay vì tập trung vào thay đổi chính sách, như tăng cường thúc đẩy phát triển, tái cấu trúc khu vực đồng euro, phải nhận thức được rằng việc cải cách của các nước sẽ tốn nhiều thời gian và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của toàn thể châu Âu.
Những thách thức khác
Đến nay, phần lớn các nhà phân tích kinh tế đều cho rằng nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn vong của liên minh tiền tệ châu Âu đã qua đi khi mà không thành viên nào bị “đá” khỏi khối, các lãnh đạo châu Âu lần lượt bày tỏ cam kết với Hi Lạp và mới đây đặt nền tảng cho việc thành lập một ngân hàng chung. Tuy nhiên, khối đồng euro mới chỉ như thoát khỏi cơn bão, chưa thể gượng dậy nổi. Còn tệ hơn năm 2012, năm 2013 châu Âu vẫn chưa thể hi vọng có được tăng trưởng. Sự suy thoái sẽ vẫn tiếp tục đeo bám trong những quốc gia - con bệnh và sẽ lan rộng toàn khối đồng euro, thậm chí ảnh hưởng cả đến những quốc gia mạnh như Đức. “Chúng ta được cứu sống nhưng phải trả giá đắt”, báo Le Monde dẫn lời nhà phân tích Henri Sterdyniak của Tổ chức quan sát các điều kiện kinh tế tại Pháp nhận định.
Tây Ban Nha là nguồn gốc gây lo ngại đầu tiên và cũng là nguồn gốc gây nên cơn chấn động cho năm 2013, theo nhận định của các nhà kinh tế. Theo họ, nước này, do bị ngập chìm trong suy thoái (nợ công 100,2% GDP, tăng trưởng dự báo năm 2013: -1,4%) và thất nghiệp cao (năm 2012: 25%, năm 2013: 26,9%), sẽ khó thoát ra khỏi những khó khăn của mình nếu không nhờ vào gói cứu trợ của châu Âu và ECB. Rất ít nhà phân tích tin rằng Tây Ban Nha có thể thực hiện được các mục tiêu giảm thâm thủng trong năm 2013. Từ nhiều tháng qua, chính phủ Mariano Rajoy cố trì hoãn lời kêu cứu nhằm giữ chủ quyền quốc gia và không muốn bị Brussels áp đặt các điều kiện. “Nguy cơ chính là việc Tây Ban Nha mong đợi quá nhiều” - ông Gilles Moëc tại Ngân hàng Hà Lan nói. Ngay từ tháng 1-2013, Madrid sẽ phải trả khoản lãi và nợ đáo hạn lên đến 21 tỉ euro. Trong tuyên bố cuối tháng trước, Thủ tướng Mariano Rajoy cũng thừa nhận khủng hoảng tại nước này năm 2013 sẽ tồi tệ hơn dự kiến nhưng hi vọng tình hình khá hơn vào cuối năm.
Trong khi đó, những con nợ như Bồ Đào Nha, Ireland cũng sẽ đối mặt với những khó khăn khi quay trở lại thị trường trong năm 2013 và có thể cần đến sự trợ giúp của ECB và Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).
Hi Lạp sau khi không còn là tâm bão khủng hoảng của châu Âu nữa thì vẫn sẽ phải vật lộn với danh sách dài những cải cách và tiết kiệm. Thế nhưng sau năm năm suy thoái, người dân Hi Lạp đã như trượt đến giới hạn chịu đựng cuối cùng với chính sách khắc khổ và có khả năng bùng nổ. Sự rối loạn xã hội này lại dẫn đến khủng hoảng chính trị và mở đường cho sự xuất hiện của những đảng phái cực hữu.
Ngay cả những nước lớn như Pháp cũng sẽ phải thận trọng để giữ vững kinh tế và tiến hành cải cách nhằm tránh thâm hụt. “Họ không được phép phạm sai lầm nào” - ông Moëc cho biết. Một số ý kiến lo ngại các nền kinh tế Pháp, Ý có thể là trọng tâm của cuộc khủng hoảng trong năm 2013 khi những nước này cần đến tiền giải cứu tài chính. Kinh tế Đức và Anh cũng được dự báo sẽ trải qua một năm khó khăn nhưng không đến nỗi trở thành thảm họa.
Bên cạnh đó, khả năng cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử vào tháng 2-2013 cũng có khả năng ảnh hưởng đến châu Âu, bởi Ý là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro và là nước có đóng góp lớn cho ESM. Những chính sách của ông Berlusconi, chính trị gia chưa bao giờ được lòng giới đầu tư và các lãnh đạo châu Âu, có thể phá hỏng những nỗ lực cải cách của chính quyền đương nhiệm là Thủ tướng Mario Monti.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận