Phóng to |
Tên lửa K-5 của Ấn Độ phóng từ dưới biển - Ảnh: Deccan Chronicle |
Phóng to |
Máy bay vận tải quân sự Y-20 của Trung Quốc - Ảnh: xinhua |
Theo AFP, Ấn Độ lần đầu tiên đã phóng thành công tên lửa bắn từ bệ phóng dưới nước, một cột mốc quan trọng của công nghiệp tên lửa nước này. Trung Quốc công bố thử thành công tên lửa tầm trung, khoe máy bay vận tải quân sự Y-20 có thể giúp “tăng cường khả năng tác chiến toàn cầu” và hạm đội tàu ngầm ở biển Đông. Còn Nhật tuyên bố gia tăng quân số cho lực lượng phòng vệ.
Ngoài đòi chủ quyền phi pháp ở biển Đông, hiện Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với cả Ấn Độ và Nhật. Căng thẳng tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư liên tục gia tăng trong những tháng qua, trong khi Bắc Kinh và New Delhi vẫn hầm hè nhau ở khu vực đường biên giới giữa hai nước.
Ấn Độ hoàn thiện bộ ba hạt nhân
“Tên lửa đạn đạo tầm trung K-5 đã được phóng thành công từ dưới biển và nhắm trúng mọi mục tiêu trong cuộc thử nghiệm đặt ra” - Hãng PTI dẫn lời giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) VK Saraswat tuyên bố ngày 28-1.
K-5 là tên lửa đầu tiên do DRDO sản xuất để triển khai đến các đơn vị chiến lược của Ấn Độ hoạt động dưới biển. Như vậy, tên lửa K-5 đã hoàn tất 11 vòng phóng thử và sẵn sàng được lắp đặt vào các bệ phóng ngầm, trong đó có tàu ngầm hạt nhân INS Arihat. Ấn Độ cũng đang phát triển hai tên lửa bắn từ dưới nước khác là K-15 và Brahmos với tầm bắn lần lượt là 750km và 290km. Giới quân sự Ấn Độ khẳng định hiện có rất ít nước sở hữu công nghệ bắn tên lửa từ tàu ngầm hạt nhân ngoài Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.
“Đây là một sự phát triển và tăng cường khả năng quân sự quan trọng. Để phóng tên lửa từ tàu ngầm hạt nhân đòi hỏi một nền tảng kỹ thuật phức tạp. Do vậy, việc đưa tên lửa K-5 vào hoạt động là bước ngoặt lớn đối với chương trình phát triển tên lửa trong nước của Ấn Độ” - báo Times of India dẫn lời chuyên gia an ninh Uday Bhaskar nhận định. Nhà phân tích quốc phòng Deba R. Mohanty cũng khẳng định việc đạt được “bộ ba hạt nhân” sẽ đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc quân sự đúng nghĩa.
Hai nhánh đầu tiên trong “bộ ba hạt nhân” của Ấn Độ là tên lửa Agni-V phóng từ mặt đất và các máy bay chiến đấu Mirage-2000, Su-20MKI, MiG-29 phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ không trung. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Agni-V đã được Ấn Độ phóng thử thành công vào tháng 4-2012 với tầm bắn tới 5.000km có khả năng bay đến Đông Âu, Đông Phi và bờ biển Úc cùng toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh
Trong khi đó, Tân Hoa xã cho biết quân đội Trung Quốc đã phóng thành công một loại tên lửa đánh chặn được phóng đi từ đất liền. Năm 2010, Bắc Kinh cũng đã thử thành công một tên lửa đánh chặn tương tự. Dù không có nhiều thông tin chi tiết được tiết lộ về hai vụ thử tên lửa này, song giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng lá chắn phòng không của mình.
Trước đó, Bắc Kinh cũng cho bay thử nghiệm máy bay vận tải quốc phòng Y-20 được truyền thông nước này mô tả là “sẽ tăng cường khả năng tác chiến trên toàn cầu”. Thời Báo Hoàn Cầu ca ngợi “đây là một cột mốc quan trọng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và cho biết Y-20 có khả năng chở được số hàng nặng 66 tấn trên hành trình dài tới 4.400km. Máy bay này còn có khả năng chuyên chở xe tăng nặng nhất của quân đội Trung Quốc. “Máy bay vận tải này sẽ đảm bảo Trung Quốc có thể bảo vệ các lợi ích của mình ở nước ngoài. Với loại máy bay này, chúng ta có thể vận chuyển người hoặc thiết bị lớn tới những nơi xa hơn” - chuyên gia quân sự Lương Phòng khẳng định.
Tuần trước, Bắc Kinh đã công khai đăng hình ảnh hạm đội tàu ngầm nổi lên giữa biển Đông trong một cuộc diễn tập thả ngư lôi ở độ sâu 200m dưới biển. Báo Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc cho biết trong những năm qua, hạm đội tàu ngầm này thường xuyên tập trận bắn đạn thật, phóng thủy lôi, ngư lôi, tên lửa tấn công dưới nước và phối hợp tác chiến với các lực lượng khác.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, Bắc Kinh phải phát triển thiết bị hải quân và lực lượng phòng không cũng như hệ thống tên lửa đạn đạo vì “cảm thấy bất an” trước sự cạnh tranh của những cường quốc tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính chi phí quốc phòng của Trung Quốc tăng gấp ba lần trong năm năm qua, lên tới 110 tỉ USD.
Dù Trung Quốc luôn tuyên bố các động thái quân sự này là “vì mục đích tự vệ và không nhắm vào nước nào”, song giới quan sát cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng thì sự phô diễn sức mạnh không khỏi ít nhiều gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế và khu vực.
Nhật tăng quân cho lực lượng phòng vệ Theo báo Japan Times, ngày 28-1 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tuyên bố sẽ gia tăng quân số của lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ 225.000 lên 225.287 quân trong năm tài chính 2013. Bộ trưởng Onodera cho biết đây là “con số tăng cao nhất trong hai thập niên qua”. “Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường khả năng giám sát ở miền tây nam (khu vực có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư)” - Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh. Nhật cũng sẽ tăng ngân sách quân sự thêm 40 tỉ yen (440 triệu USD) kể từ tháng 4-2013. Đây là khoản tăng chi tiêu quân sự đầu tiên sau 11 năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận