20/07/2008 05:07 GMT+7

Châu Á: những núi rác thải "nhập khẩu" (Kỳ 4:) Sự thật đau lòng

 GIANG ANH tổng hợp
 GIANG ANH tổng hợp

TT - Hiện tại, tỉ lệ tái chế máy tính lỗi thời trên thế giới không vượt quá 9%. Lượng rác thải điện tử xuất khẩu sang các nước đang phát triển thật sự là một thảm họa, nhưng nhiều sự thật đang xảy ra tại các nơi nhận lượng rác thải điện tử này vẫn chưa được biết đến.

h1Iwswtp.jpgPhóng to

Trẻ em phải ngụp lặn ở con sông đầy ô nhiễm tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 15-7). Ảnh: Reuters

TT - Hiện tại, tỉ lệ tái chế máy tính lỗi thời trên thế giới không vượt quá 9%. Lượng rác thải điện tử xuất khẩu sang các nước đang phát triển thật sự là một thảm họa, nhưng nhiều sự thật đang xảy ra tại các nơi nhận lượng rác thải điện tử này vẫn chưa được biết đến.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Câu chuyện của Quế Vũ

Quế Vũ (Trung Quốc) gồm bốn ngôi làng nhỏ chạy dọc sông Liên Giang: Hoa Mỹ, Long Cương, Tường Bằng và Bắc Lăng. Từ năm 1995, huyện Quế Vũ đã chuyển "hệ" từ vùng nông thôn nghèo chuyên trồng lúa sang trung tâm tái chế rác thải điện tử. Trong khi lúa vẫn trồng ở đồng ruộng thì tất cả khoảng trống của các tòa nhà, khoảng sân rộng của huyện đều trở thành kho lưu trữ rác thải điện tử.

Vấn đề ở đây chính là nhận thức của cộng đồng dân cư các nước tiếp nhận rác thải điện tử và cả các quốc gia xuất khẩu loại rác này. Rõ ràng có thể hiểu được rác thải điện tử xuất khẩu sang các nước đang phát triển ngoài mặt tích cực là thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp tái chế tại đây, còn mặt tiêu cực kèm theo là cái giá phải trả cho thiệt hại về môi trường, về ảnh hưởng của chất độc hại đối với dân nghèo và cộng đồng dân cư xung quanh.

Các doanh nghiệp tái chế rác thải điện tử phân chia thành khu vực rõ ràng. Ví dụ như khu chuyên về tháo dỡ máy in, khu chuyên về nhựa tái chế, khu chuyên về phân loại kim loại… Hình ảnh thường thấy nhất trên các đường phố của huyện Quế Vũ là trẻ em và phụ nữ dùng búa, dùng tay trần để bóc, tách, chọn lựa và phân loại kim loại như nhôm, thép, đồng, nhựa, bo mạch… từ rác thải điện tử.

Ngành công nghiệp rác thải điện tử hoạt động tại Quế Vũ hơn 10 năm và chỉ sau năm năm kể từ ngày phát triển ngành công nghiệp này, người dân Quế Vũ đã bắt đầu thấy được tác động của rác thải điện tử đối với cuộc sống. Trước tiên là nguồn nước bắt đầu có mùi hôi. Thế là ngành công nghiệp rác thải điện tử tại Quế Vũ càng phát triển đồng nghĩa với số lượng các xe bồn chở nước được mua từ thành phố Ninh Kinh cách đó 30km để sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày của người dân tại đây càng tăng.

Một cư dân 60 tuổi của Quế Vũ chỉ biết lắc đầu giải thích: "Vì tiền, người ta đã làm ngôi làng chuyên nông này trở thành hỗn tạp. Sau khi tháo dỡ các máy tính cũ, người ta đốt bỏ những phần không sử dụng được. Mỗi ngày, dân làng nơi đây đều phải hít thở không khí dơ bẩn, cơ thể của chúng tôi bắt đầu yếu kém đi. Nhiều người bị bệnh đường hô hấp và có vấn đề về da. Một số người rửa rau và chén đĩa bằng nước ô nhiễm nơi đây và kết quả là bị đau dạ dày".

Từ năm 2000, kết quả xét nghiệm mẫu đất và mẫu nước dọc sông Liên Giang - nơi các máy tính thường được đốt để lấy kim loại - do nhóm điều tra của Tổ chức The Basel Action Network (BAN) thực hiện cho thấy hàm lượng kim loại nặng vốn thường tìm thấy trong các linh kiện máy tính đã lên đến mức báo động trong nguồn nước nơi đây. Cụ thể là mức độ nhiễm 2.400 lần cao hơn qui định về chuẩn nước uống do Tổ chức sức khỏe thế giới qui định.

Báo chí Trung Quốc ước tính có khoảng 100.000 lao động làm việc tại Quế Vũ và hầu hết đều từ các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh ở Hồ Nam hay An Huy di cư đến. Tuy nhiên, các lao động không hề được trang bị phương tiện bảo hộ lao động. Phụ nữ và trẻ em cứ thoải mái làm việc tại các bãi rác điện tử lộ thiên. Còn trong các xưởng thì công nhân được trang bị nhiều lắm là bao tay và giày bốt cao su. Theo điều tra của Tổ chức Hòa bình xanh của Hong Kong, Quế Vũ không phải là trung tâm tái chế rác thải điện tử duy nhất của Trung Quốc. Nam Hải và thậm chí Quảng Châu cũng có các trung tâm tái chế rác thải qui mô lớn hơn Quế Vũ nhiều với hàng trăm ngàn công nhân làm việc tại mỗi trung tâm.

Câu chuyện tại Karachi, Pakistan

KHvkvind.jpgPhóng to
Rác thải điện tử sau khi bóc tách thường vứt ra ngoài đồng hoặc bị đốt chứ không hề có động tác tái chế như được rêu rao
Tình trạng xử lý rác điện tử tại Pakistan, mà cụ thể tại Karachi còn tồi tệ hơn ở Quế Vũ. Nói đến Karachi mọi người đều phải nhắc đến quận Sher Shah, một trong những thị trường chính chuyên hàng second-hand và vật liệu phế thải đủ loại từ các mặt hàng điện, điện tử cho đến máy tính, các linh kiện thay thế và hàng buôn lậu đổ dồn về đây trước khi được phân bố đến các thành phố khác của Pakistan.

Sher Shah là một nơi không có sự kiểm soát của chính phủ về mọi mặt kinh doanh. Phương thức người lao động tại đây thực hiện để lọc kim loại quí từ các máy tính cũ cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe chính họ vì khói đốt và khói hàn. Các bo mạch trước tiên được đốt nóng bằng các đèn xì và các chip có giá trị được chọn ra. Ngọn lửa tiếp tục được áp trực tiếp vào các bo mạch để tách các hợp kim còn lại thường được bán với giá 120 rupee Pakistan/kg.

Công đoạn này được xử lý trong nhà mà không hề có quạt thông hơi. Kim loại được tách ra từ các bo mạch thường được cho rằng có chứa vàng, nên chúng sẽ được xử lý tiếp bằng công đoạn được gọi là "adda" theo tiếng địa phương. Đây là công đoạn luyện kim loại rất quan trọng. Các kim loại được luyện thành hình dáng trái banh tròn. Quả banh kim loại này sau đó được nhúng vào bể chứa axit. Axit tác động lên kim loại và một lớp bột hóa học được phủ lên giúp tách được đồng và vàng.

Theo kết quả phỏng vấn trực tiếp của Tổ chức Basel Action Network với công nhân trực tiếp làm các công đoạn tách lọc kim loại từ rác thải điện tử tại Karachi, không một ai biết gì về mối nguy hiểm của các kim loại đang được tái chế và các độc tố mà chúng chứa đựng. Người dân làm vì xem đó là công việc tạo thu nhập. Chính quyền nơi đây cũng không hề có các qui định để kiểm soát độ ô nhiễm, hay cảnh báo về các chất độc hại trong rác thải điện tử tác động trực tiếp lên sức khỏe người làm việc và các cư dân xung quanh cũng như "sức khỏe" của môi trường. Lực lượng lao động tham gia lĩnh vực nhiều độc hại và nguy hiểm này đều là người nghèo. Tất cả đều thừa nhận ban đầu rất khó chịu với các mùi bốc lên, nhưng sau thời gian làm việc lâu dài thì họ cảm thấy trở nên quen thuộc.

-------------------------------------------

Người dân xứ Bờ Biển Ngà vẫn đang tranh đấu đòi bồi thường sau vụ tàu nước ngoài đổ chất thải độc hại làm hàng ngàn người chết và bị thương. Những bãi rác nổi vẫn đi lòng vòng trên biển tìm bến đỗ, bất chấp việc bị xua đuổi.

Kỳ tới:Cuộc chiến dai dẳng

 GIANG ANH tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên