03/04/2012 07:47 GMT+7

Chàng trai y tế gia đình

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - Từ căn bệnh ung thư hiểm nghèo của cha, thấu hiểu nỗi khổ của gia đình người bệnh, Tạ Minh Tuấn tìm tới thế giới y khoa và đã cho ra đời mô hình y tế dự phòng mang tên “Bác sĩ riêng”.

C9HXKIJm.jpgPhóng to

Thăm khám bệnh và điều trị tại nhà, một dịch vụ của HELP - Ảnh: HELP cung cấp

Ở tuổi 24, Tuấn hiện là giám đốc điều hành Công ty cổ phần quốc tế HELP. Tuấn cho biết chính từ căn bệnh của cha đã thôi thúc anh làm việc và cống hiến trong ngành y.

Những đồng sự cao cả

Tuấn tìm hiểu và nhận thấy tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở VN còn cao bởi công tác phòng bệnh (y tế dự phòng) chưa tốt. Tuấn cho rằng việc điều trị chỉ giải quyết phần ngọn chứ chưa phải là gốc rễ của vấn đề. Trăn trở đó thôi thúc chàng trai trẻ đến chỗ tìm cách “trao cho người dân công cụ phòng bệnh và biến họ thành người bác sĩ tốt nhất của chính mình”. Và mô hình y tế dự phòng mang tên “Bác sĩ riêng” (www.bacsirieng.com) được ra đời từ đó.

Dịch vụ của HELP

“Bác sĩ riêng” cung cấp dịch vụ khám bệnh tại nhà khi khách hàng có yêu cầu hoặc khám định kỳ theo lịch hẹn trước, giá tùy vào các gói dịch vụ. Ngoài thăm khám, “Bác sĩ riêng” còn thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tầm soát bệnh, đồng thời cung cấp những thông tin y tế trong việc điều trị và phòng tránh bệnh.

Ngoài ra, “Bác sĩ riêng” cũng cung cấp dịch vụ: thiết kế lối sống riêng, khám định kỳ cho nhân viên doanh nghiệp, trị liệu vật lý tại nhà hay điều dưỡng chăm sóc tại nhà.

Hiện đội ngũ cộng tác với HELP là 45 bác sĩ và 25 điều dưỡng.

Năm 2009, Tuấn khởi động dự án. Không có kinh nghiệm, Tuấn nhủ mình cần có những bước đi thật thận trọng. Tuấn lên mục tiêu mỗi ngày sẽ gặp ít nhất một người bạn trong danh sách đã lập sẵn để chia sẻ về dự án của mình. Có ngày Tuấn nói chuyện với tám, chín người liên tục. “Mình rút ruột rút gan ra nói, bằng tất cả niềm đam mê và sự nhiệt thành. Rõ ràng chỉ chia sẻ mới tìm được người phù hợp”, Tuấn kể. Ròng rã như vậy suốt một tháng trời, 20 bạn trẻ có chuyên môn về y khoa nhận lời hợp tác với Tuấn.

Vấn đề căng thẳng là Tuấn... không có tiền để trả lương! Nhưng không hề gì: 20 đồng sự của Tuấn chia sẻ với chàng trai trẻ bằng cách mỗi ngày dành ra hai giờ làm việc cho HELP mà không nhận đồng lương nào trong suốt một năm. Tuấn ngồi nhẩm tính 20 người thì mỗi ngày được 40 giờ, tương đương với năm nhân viên làm việc toàn thời gian, cộng thêm Tuấn “cày như trâu” cũng lên đến 55 giờ/ngày. “55 giờ làm việc một ngày mà bạn chưa phải trả lương, đó là tài sản rất lớn để bạn bắt đầu khởi nghiệp”, Tuấn nói.

Rồi những khó khăn ban đầu cũng được bỏ lại phía sau. Chỉ trong vòng hai tháng, Tuấn đã huy động được số vốn đầu tư cho dự án trong ba năm là 14 tỉ đồng. Tuấn tìm sự hợp tác ở những người có sự đồng cảm về sứ mệnh hướng đến cộng đồng bởi với Tuấn, “kinh doanh thì phải sinh lời, nhưng hiệu quả đó không chỉ được đo lường bằng tiền mà bằng cả những tác động tạo ra trong xã hội”.

Trả ơn cuộc đời

Giờ đây, hai ngày cuối tuần Tuấn còn nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm ở Học viện Khởi nghiệp và lãnh đạo YUP mà anh thành lập hồi cuối năm ngoái. Tuấn nói cuộc đời này quá ngắn ngủi nên cống hiến được bao nhiêu thì cứ làm. “Quan trọng nhất vẫn là sứ mệnh cao cả mình hướng đến, chứ không phải ở chỗ mình làm được nhiều việc hay không. Dù làm ở ngành nào, lĩnh vực nào thì mục tiêu tôi hướng tới đều là nâng cao chất lượng cuộc sống của người VN”, Tuấn đúc kết.

Năm 2010, tiếp nối chuỗi công việc dày đặc của mình, Tuấn sáng lập quỹ hỗ trợ người khuyết tật mang tên “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, được đặt tên theo tác phẩm đầu tay của cô gái khuyết tật Trần Trà My mang ước mơ trở thành nhà văn (“Trà My trên cát bỏng”, Tuổi Trẻ ngày 15-7-2007).

“Lúc mới khởi nghiệp, tôi đã nhận rất nhiều từ những người đi trước để giờ đây tôi muốn gửi lại cuộc đời những ân tình đó”, Tuấn nói. Đó như là cách anh trả ơn cuộc đời, trả ơn những người đã giúp đỡ mình ngày đầu non nớt.

Năng động

Tạ Minh Tuấn sinh năm 1988, tốt nghiệp ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Tuấn khởi đầu kinh doanh với việc sáng lập công ty truyền thông kỹ thuật số mang tên IDEE hồi năm 2008.

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cũng công nhận Tuấn là một trong 15 doanh nhân xã hội năm 2011.

HRpYMp4w.jpgPhóng to

Tạ Minh Tuấn - Ảnh: MINH ĐỨC

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên