Bố mẹ của sinh viên Trần Ngọc Thức - Ảnh: Trương Nhất Vương |
Thức hiện là sinh viên hệ vừa học vừa làm, khoa kinh tế Trường ĐH Tây nguyên. Ba mẹ của Thức là ông Trần Văn Hữu (70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hường (61 tuổi) trước là công nhân Công ty Cao su Đắk Lắk.
Năm 2000 ông Hữu bị giảm biên chế, sau thời gian về nhà bị tai biến não phải nằm một chỗ, đến nay đã hơn 10 năm. Gần đây ông bị teo não và tắc nghẽn mạch máu, phải thở oxy thường xuyên.
Bà Hường sau năm lần sinh nở trong điều kiện nghèo khó chỉ giữ được một mình Thức. Năm 2010, bà nghỉ hưu rồi bị ung thư gan. Năm 2012, bà được phẫu thuật gan rồi về nhà điều trị.
Gần đây nhờ những thang thuốc mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc, sức khỏe bà Hường có chút hồi phục, nhờ đó có thể đi lại và làm chút việc lặt vặt trong nhà.
Bạn Trần Ngọc Thức đút cháo cho ba - Ảnh: Trương Nhất Vương |
Vừa đi học, Thức vừa làm thêm trong dây chuyền nước đóng chai của Công ty Cao su Đắk Lắk, xoay vòng quanh giường bệnh của ba và mẹ.
Thức đi làm từ thứ hai đến thứ sáu và đi học vào thứ bảy, chủ nhật. Vì ba mẹ hay phải nằm viện nên lịch đi làm của Thức không ổn định, những đợt không học Thức phải đi làm bù. Chi tiêu trong gia đình vẫn chủ yếu dựa vào lương hưu 3,6 triệu đồng/tháng của mẹ, tiền làm được Thức dành dụm đóng học phí.
Chúng tôi tới thăm gia đình Thức tại khu tập thể Công ty Cao su Đắk Lắk (do công ty cho mượn) ở hẻm 74 Ngô Gia Tự (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột). Mùa nắng trong nhà nóng như nung, còn mùa mưa thì lênh láng nước chảy qua mái tôn đầy các lỗ to nhỏ.
Trong căn nhà nhỏ xíu chẳng có vật gì đáng giá ấy, chàng sinh viên vừa bón cho ba từng thìa sữa vừa tâm sự: “Em mới đưa mẹ đi Sài Gòn tái khám và lấy thuốc về. Ba phải nhờ người trông giữ. Ba yếu lắm, phải có người túc trực thường xuyên và luôn sẵn sàng cấp cứu…”.
Mẹ Thức cũng ngậm ngùi: “Có khi ba người chia nhau một gói mì tôm. Hôm nào có tiền thì mua ký gạo, thêm ít mì gói ăn với cơm, sang hơn một chút thì có rau luộc lấy nước làm canh. Hai vợ chồng tôi sắp chết đến nơi mà không lo được cho con chỗ ở. Nhà này ở vậy chứ có giấy tờ gì đâu, người ta cho ở được lúc này hay lúc đó. Tội nghiệp thằng bé, ba nó yếu quá rồi nên tắm rửa, vệ sinh cho ổng một tay nó lo chứ tôi có còn làm được gì nữa đâu…”.
Ông Lê Quang Tạ, đại diện tổ dân phố 41 (khối phố 3, phường Tân An), cho biết: “Đây là gia đình rất khó khăn. Cả ba và mẹ Thức đều lâm bệnh ngặt nghèo. Bây giờ còn đỡ tí chút chứ mấy năm trước chúng tôi tới thăm thấy cảnh hai ông bà mỗi người nằm một giường rất thương tâm! Nhà thì chưa có, cháu Thức công việc chưa ổn định, bà con chúng tôi chỉ có thể giúp gia đình đồng quà tấm bánh, nhưng chẳng thấm vào đâu”.
Chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... mà không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: nhipcaunhanai@tuoitre.com.vn hoặc Ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. “Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ. Báo TUỔI TRẺ Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM Điện thoại: (08) 39973838 Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054 Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 50, giúp đỡ sinh viên Trần Ngọc Thức |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận