19/08/2015 06:20 GMT+7

Chàng cảnh sát giao thông "hổng có nhớ" bao lần bắt cướp

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Hễ thấy kẻ cướp ra tay với người dân trên phố là thượng úy CSGT Trương Tấn Thương không thể bỏ qua, từ phóng xe, chạy bộ truy đuổi hay phải nhảy từ cầu Sài Gòn xuống sông truy bắt.

Thượng úy Trương Tấn Thương trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên đường - Ảnh: Hữu Khoa

Những ngày này, bên cạnh niềm vui kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 - 19-8-2015), thượng úy Trương Tấn Thương (36 tuổi, đội CSGT Phú Lâm - Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt Công an TP.HCM) phải theo dõi điều trị chống phơi nhiễm HIV.

Đó là hậu quả của tai nạn trong một lần săn bắt cướp của thượng úy Thương.

Không ngại hiểm nguy, chẳng nhớ bao lần bắt cướp

Được mệnh danh là “khắc tinh” của kẻ cướp trên đường phố nhưng vẻ ngoài của người chiến sĩ cảnh sát giao thông có nước da đen giòn này lại đầy vẻ hiền lành.

Hỏi anh đã bao nhiều lần bắt cướp? Anh gãi đầu nói “hổng có nhớ". 

Nhìn vết thương trên tay, anh thuật lại: trưa 22-7, khi đang làm nhiệm vụ cùng tổ tuần tra kiểm soát đội CSGT Phú Lâm tại giao lộ Trần Văn Giàu - Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) thì phát hiện một phụ nữ tri hô “cướp” và cố gắng đuổi theo một chiếc xe gắn máy.

Đang làm nhiệm vụ, anh Thương lái xe đặc chủng phóng nhanh áp sát, khiến tên cướp buộc phải chạy luẩn quẩn trong hẻm nhỏ tìm đường thoát thân.

Tổ tuần tra cùng lực lượng dân phòng cùng nhau chặn bắt nên tên cướp ngã xe bị thương nhưng cố đứng dậy thoát thân. Từ khoảng cách hơn 3m, anh Thương lao đến trực tiếp giằng co khống chế. Máu từ vết thương của tên cướp dính lên nhiều chỗ trên người anh.

Khi áp giải tên cướp đến bàn giao cho công an xã, anh đã gặp vợ của kẻ cướp này. Lúc đầu người vợ còn giấu diếm nhưng cuối cùng cũng chia sẻ: “chồng em bị nhiễm HIV lâu lắm rồi”.

Bĩnh tình, Thương ra sau bếp công an xã, mượn xà phòng rửa sạch các vết máu bị dính trên hai cánh tay. Bỗng dưng anh cảm thấy đau rát nơi ngón tay cái và phát hiện một vết rách dài, dính máu của tên cướp.

Nghe anh báo lại, ngay lập tức công an xã đưa anh đi trạm xá sơ cứu và chuyển lên tuyến trên điều trị dự phòng chống phơi nhiễm HIV…

Phải nhờ đồng đội nhắc từng vụ, anh mới từ từ kể thêm nhiều chuyện bắt cướp nguy hiểm khác. Năm 2012, khi mới chuyển công tác từ đội CSGT Công an Q.6 sang đội CSGT Phú Lâm, anh Thương khiến người dân cảm phục khi dám nhảy từ cầu Sài Gòn xuống sông truy bắt tên cướp táo tợn.

Anh kể hôm đó anh được bạn đồng nghiệp chở từ Q.Thủ Đức về trung tâm TP. Khi xe đến cầu Rạch Chiếc, anh nhìn thấy một phụ nữ bị giật túi xách. Người đồng nghiệp tăng tốc đuổi theo tên cướp, đến giữa cầu thì cúp được đầu xe của hắn. 

“Đừng manh động, anh không trốn được đâu!”, nghe anh Thương quát thế, tên cướp liều lĩnh quăng xe nhảy tùm xuống sông. Không chút do dự, anh chỉ kịp tháo đôi giày rồi nhảy theo từ độ cao 20m.

Do nước sâu nên khá lâu anh mới ngoi đầu lên được. Trong cơn đau tức ngực, anh ráng nhìn quanh trên mặt nước thì thấy tên cướp đang núp trong đám lục bình cách đó khoảng 15m.

Nhưng khi anh cố bơi đến gần thì tên cướp lại lặn mất tăm. Quan sát kỹ, anh thấy hắn đang ẩn dưới một đám lục bình khác. Giả bộ làm ngơ, anh cố sức bơi lên bờ, miệng hô “mất tiêu rồi” để đánh lạc hướng.

Sau đó, anh âm thầm cùng đồng nghiệp mượn chiếc xuồng của người dân, đợi tên cướp đuối nước liền bơi xuồng đến túm gọn, bàn giao cho công an phường.

“Thật ra không phải tui liều mạng, mà hồi nhỏ ở dưới quê tui nhảy cầu xuống sông tắm hoài”, anh Thương cười nói.

Hỏi trong những lần bắt cướp, có vụ nào khiến anh nhớ nhất? Thượng úy Thương mỉm cười kể: Năm 2010 khi đang ở đội CSGT Công an Q.6, một lần đang đứng chốt gần giao lộ Kinh Dương Vương - Đặng Nguyên Cẩn (Q.6) thì phát hiện tên cướp giật điện thoại của người đi đường rồi bỏ chạy.

Anh liền lên xe đặc chủng rượt theo. Tên cướp hoảng sợ quăng xe, chạy bộ. Khi xe anh rượt gần đến nơi thì tên cướp ranh mãnh nhảy qua nhảy lại dải phân cách khiến anh không thể nào bắt được.

“Bực mình, tui quăng xe, xuống chạy bộ đuổi theo hắn lòng vòng hơn cây số. Đến lúc mệt quá, hắn ngồi phịch xuống bức tường gần công viên Phú Lâm, nói không ra hơi, chỉ giơ tay ra dấu đầu hàng. Còn tui thì cũng mệt quá, phải thở một hơi mới có sức mà khống chế bắt hắn", anh tếu táo thuật lại.

Thượng úy Trương Tấn Thương - Ảnh: Hữu Khoa

Cho tiền người vi phạm về nhà

Sinh ra tại vùng quê xã Mỹ Thạnh Nam, H.Đức Hòa, tỉnh Long An, anh tâm sự từ thuở nhỏ sống nơi miền quê, đã chứng kiến nhiều vụ trộm cướp của người nghèo mà bức xúc.

“Hồi tui mới lên Sài Gòn, cũng bị trộm lấy hết tài sản, không còn quần áo để mặc, lúc đó tức lắm. Tui hứa nếu gặp trộm cướp là tui theo tới cùng”, anh Thương chia sẻ.

Đụng chuyện là “đeo” tới cùng nhưng có một chi tiết mà các đồng nghiệp của anh chia sẻ rằng - khi bắt được cướp thì anh cương quyết bảo vệ không để cho họ bị người dân đánh đập.

Thậm chí anh từng nhiều lần đỡ cho những tên cướp khỏi những trận đánh đấm của người dân.

Giải thích điều này, anh chơn chất nói: “Suy cho cùng cũng là con người với nhau. Sai phạm của họ sẽ bị pháp luật trừng trị nhưng quan trọng là giúp họ nhận ra cái sai. Không nên lấy cái sai này để trừng trị cái sai kia”.

Và anh chưa bao giờ nghĩ sẽ nhận được một lời cám ơn từ nạn nhân. Bởi bàn giao xong, anh lại đi làm nên không biết họ sinh sống nơi đâu.

Nhắc đến anh Thương, nhiều anh em đồng nghiệp tại đội CSGT Phú Lâm, còn kể một chuyện “ngược đời” khi anh cho tiền người vi phạm luật giao thông.

Chuyện xảy ra một đêm cuối năm 2014, khi tổ tuần tra phối hợp cùng CSGT H.Bình Chánh xử phạt nồng độ cồn. Đêm hôm đó, anh chặn xe một người đàn ông hơn 40 tuổi khi thấy ông lái xe loạng choạng từ xa.

Kiểm tra nồng độ cồn, anh phát hiện vi phạm nên lập biên bản tạm giữ phương tiện. Làm nhiệm vụ hồi lâu, anh mới phát hiện người đàn ông vi phạm cứ ngồi ủ rũ tại một góc đường.

Anh đến nơi hỏi chuyện, ông mếu máo bảo nhà rất xa, không đi bộ nổi. Không chút do dự, anh móc trong túi còn 120.000 đồng đưa cho ông, gọi xe ôm gần đó chở ông về nhà trong đêm...

Chiến sĩ CSGT gương mẫu

Đại tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết thượng úy Trương Tấn Thương là một chiến sĩ CSGT trẻ tuổi gương mẫu.

Ngoài cố gắng hoàn thành tốt công tác được giao trong đội, thượng úy Thương rất nhiều lần tham gia bắt cướp khi đang tuần tra kiểm soát hay đi trên đường ngoài giờ làm việc.

Những đóng góp của thượng úy Thương đã được trao tặng nhiều giấy khen, là tấm gương cho nhiều chiến sĩ CSGT tích cực tham gia hơn nữa trong việc đảm bảo an ninh trật tự chung trên địa bàn TP.HCM.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên