Trong ngày 23-10, ngành giao thông vận tải đã có câu trả lời qua phóng viên Tuổi Trẻ.
Ông Đỗ Công Thủy - phó trưởng Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) - là người được bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu trả lời những băn khoăn của dư luận.
* Thưa ông, vì sao từ nhiều năm nay đã có dữ liệu giám sát hành trình nhưng vẫn chưa thể xử phạt doanh nghiệp vận tải vi phạm, có phải còn thiếu những quy định cụ thể?
- Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước tiên là phục vụ công tác quản lý, điều hành, quản lý lái xe của doanh nghiệp vận tải; đồng thời cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu từ thiết bị này được truyền về để phục vụ công tác điều tra tai nạn, phân tích nguyên nhân và xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Theo quy định, đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm theo dõi, chấn chỉnh các hành vi vi phạm của lái xe thông qua dữ liệu.
Để lái xe chạy quá tốc độ dẫn đến xảy ra tai nạn, trước tiên phải khẳng định là đơn vị vận tải đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không quản lý chặt chẽ lái xe.
Tiếp đến là lái xe không tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh, không tuân thủ đúng tốc độ giới hạn trên đường.
Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29-5-2022 của Bộ GTVT đã quy định chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của đơn vị vận tải phải xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Trong đó, quy định cụ thể trước và trong quá trình vận chuyển đơn vị vận tải phải làm gì, kiểm tra các điều kiện của phương tiện, người lái ra sao để đảm bảo an toàn giao thông.
Còn theo quy định tại nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, dữ liệu vi phạm tốc độ trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ được tổng hợp thống kê theo tháng để phục vụ công tác xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu.
Việc khai thác dữ liệu phục vụ công tác xử lý vi phạm đã được các sở GTVT quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu hằng ngày, hằng tuần để chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời các trường hợp vi phạm tại một số địa phương còn chưa được thường xuyên.
Theo báo cáo của các sở GTVT, trong chín tháng đầu năm 2023, các sở đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 25.522 phương tiện vi phạm; thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 469.739 phương tiện theo quy định tại nghị định 10.
* Nhưng có nhận định việc xử lý dữ liệu và xử phạt vẫn còn nhiều hạn chế...
- Hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ là hệ thống được xây dựng từ năm 2015, đến nay đã gần 10 năm nhưng chưa được nâng cấp, trong khi công nghệ đang phát triển rất nhanh. Vì vậy có hạn chế về năng lực xử lý, tổng hợp dữ liệu hằng tháng.
Tuy nhiên, có thể nói cách đây gần 10 năm chúng ta đã có hệ thống dữ liệu để giám sát toàn bộ hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải là một sự nỗ lực rất lớn của ngành giao thông trong việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý.
Với hệ thống hiện tại, ngoài việc tổng hợp dữ liệu hằng tháng, hệ thống đang thực hiện tiếp nhận dữ liệu và giám sát theo thời gian thực, báo cáo vi phạm được thống kê theo ngày để có thể phục vụ việc chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có xe vi phạm.
* Như ông nói, hệ thống dữ liệu tuy cũ nhưng vẫn làm việc khá suôn sẻ, thế nhưng có thông tin cho rằng dữ liệu này chưa được chia sẻ để ngành có thêm những cánh tay nối dài trong việc xử lý vi phạm?
- Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường bộ phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông, phòng cảnh sát giao thông các tỉnh thành trong việc khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phối hợp xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông; cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra tội phạm, các vụ án mạng, điều tra tai nạn giao thông.
Đặc biệt, trong các dịp cao điểm, lễ, Tết, khi nhận được thông tin phản ảnh của người dân, hai bên đã phối hợp rất chặt chẽ, liên tục cập nhật dữ liệu hành trình của các phương tiện vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh thành đang làm nhiệm vụ trên đường để có biện pháp dừng xe kiểm tra, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tạo niềm tin cho hành khách.
Hiện nay, các sở GTVT cũng đang phối hợp chặt chẽ với phòng cảnh sát giao thông các tỉnh thành thực hiện trích xuất dữ liệu trên hệ thống để xử lý vi phạm theo quy định.
Để khai thác có hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, ngày 6-10-2023 Cục Đường bộ đã cung cấp tài khoản truy cập vào hệ thống cho Cục Cảnh sát giao thông và phòng cảnh sát giao thông 63 tỉnh thành khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của ngành công an.
* Bộ GTVT đang sửa đổi, bổ sung nghị định quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Xin hỏi việc sửa nghị định sẽ bổ sung chế tài như thế nào để thực thi pháp luật hiệu quả, có tính răn đe cao?
- Hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 10/2020/NĐ-CP, sẽ siết việc cấp và thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.
Theo đó, bổ sung quy định đối với các trường hợp bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sau 30 ngày mới được cấp lại, khi đó xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ xe.
Đây cũng là cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc họ phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định sở GTVT chưa giải quyết các thủ tục hành chính đối với đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sau khi chấp hành xong quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu mới thực hiện giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo tính răn đe.
Đồng thời, để phát huy hiệu quả thiết bị giám sát hành trình, các trường hợp vi phạm được xử lý kịp thời, tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, bổ sung quy định tại nghị định 10 nội dung: Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình mỗi xe trong một ngày có từ ba lần vi phạm tốc độ trở lên, thay vì chờ tổng hợp dữ liệu một tháng có từ năm lần vượt quá tốc độ trong hành trình 1.000km mới xử lý như quy định hiện nay.
Những việc cần làm ngay
* Trong khi chờ sửa nghị định, nâng cấp phần mềm quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, trước mắt Bộ GTVT có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhất là lỗi vi phạm tốc độ của xe khách như vừa qua?
- Để ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, bộ đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các sở GTVT một số vấn đề:
1. Triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.
2. Tổ chức kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
3. Tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và công an các địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện an toàn giao thông của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn, đặc biệt việc thực hiện các quy định về thời gian lái xe, tốc độ, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện của người lái xe kinh doanh vận tải, chở đúng số người quy định...
4. Yêu cầu các sở GTVT tăng cường khai thác dữ liệu, phải bố trí cán bộ để thực hiện trích xuất dữ liệu hằng ngày, hằng tuần để chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với lái xe vi phạm; thực hiện kiểm tra chuyên đề về khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại các đơn vị kinh doanh vận tải.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo sát sao, quyết liệt chính quyền cấp phường, quận xử lý nghiêm vi phạm về đón trả khách trên địa bàn, giảm thiểu tối đa việc vi phạm của xe hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch hoạt động trá hình tuyến cố định, gây mất trật tự vận tải và an toàn giao thông.
* Bộ GTVT đã phê duyệt đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ nhưng vì sao Cục Đường bộ cho biết phải đến năm 2025 mới nâng cấp được phần mềm quản lý hoạt động vận tải đường bộ? Có giải pháp nào để triển khai nhanh hơn?
- Một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành giao thông, công an, thuế, hải quan để phục vụ công tác quản lý.
Khi đó, hệ thống tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe để hỗ trợ cơ quan quản lý trong thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội đối với các hành vi vi phạm.
Trong thời gian trước mắt, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Đường bộ khẩn trương thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ tốt hơn công tác quản lý của ngành cũng như thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời với ngành công an để phục vụ công tác xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Phải xắn tay, lao vào làm ngay
Cần phải làm rõ ai và đơn vị phải chịu trách nhiệm về tình trạng "nhờn luật" của tài xế cũng như giải quyết tận gốc tình trạng nhà xe bất chấp luật pháp gây mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng người dân trong thời gian qua.
Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM - nhận định những con số vượt tốc độ thật sự khủng khiếp, đã đến mức báo động đỏ.
Và người có thể gỡ được báo động này không ai khác chính là tư lệnh ngành giao thông. Ông Tính nói: "Con số nhà xe vượt tốc độ cả chục ngàn lần thật sự khủng khiếp. Tôi không thể tin nổi tại sao các cơ quan chức năng lại chưa có đề xuất kịp thời để ngăn chặn việc này. Sự việc có phải chỉ được vỡ lẽ qua vụ tai nạn từ nhà xe Thành Bưởi?".
Về trách nhiệm dẫn đến vi phạm chồng chất, ông Tính cho rằng: "Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm chính khi đây là nơi tiếp nhận tất cả các thông tin GPS và camera truyền về.
Kế tiếp là thuộc về các ban an toàn giao thông tỉnh thành cũng như quốc gia. Bởi lẽ, các kỳ sơ - tổng kết công tác an toàn giao thông hằng tháng, quý, năm chúng ta không thể không phân tích những nguyên nhân gây tai nạn giao thông thời gian qua của từng vùng, miền, từng mùa... cụ thể để có cơ sở đề ra kế hoạch an toàn giao thông cho năm sau hay sao.
Còn đối với doanh nghiệp, để xe liên tục chạy quá tốc độ là lỗi của bộ phận an toàn giao thông tại đơn vị nhưng trách nhiệm trước pháp luật tiếp theo không ai khác ngoài lãnh đạo doanh nghiệp/hợp tác xã vận tải liên quan.
Riêng trường hợp doanh nghiệp/hợp tác xã giao xe cho lái xe không có bằng lái (kể cả trường hợp bằng lái bị giam giữ), có thể quy trách nhiệm hình sự cho người ký duyệt lệnh vận chuyển cho chuyến xe đó lưu hành.
Do vậy, giải pháp tức thời hiện nay là Cục Đường bộ Việt Nam nên phân cấp càng sớm càng tốt hệ thống xử lý cho các địa phương.
Các địa phương là nơi quản lý xe có đủ trang thiết bị và cả nhân sự để quản lý tốt công tác này. Việc này cũng gắn trách nhiệm cụ thể cho các địa phương.
Ngành giao thông cần có một cuộc cải tổ để giải quyết triệt để các bất cập. Bổ sung các chế tài, quy định để xử lý nghiêm minh với những nhà xe cố tình vi phạm, coi thường pháp luật.
Đây là trách nhiệm và cũng là dịp để Bộ Giao thông vận tải chấn chỉnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông".
Chia sẻ dữ liệu GPS để xử lý kịp thời
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia giao thông cho rằng Cục Đường bộ Việt Nam cần chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình trực tiếp đến các cơ quan quản lý vận tải địa phương cùng rà soát, chịu trách nhiệm xử phạt khi phát hiện vi phạm.
Đồng thời nâng cấp phần mềm quản lý nguồn dữ liệu khổng lồ này. Phần mềm có chức năng lọc ra vi phạm, cảnh báo vi phạm… thì mới ứng dụng được dữ liệu GPS vào quản lý giao thông, đảm bảo an toàn.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - khẳng định dữ liệu giám sát hành trình GPS nếu sử dụng hiệu quả có thể nâng cao hiệu quả quản lý vận tải hành khách. Ngoài ra còn có tác dụng trong ngăn chặn tài xế khi phát hiện nguy cơ vi phạm giao thông.
Ở TP.HCM, cơ quan chức năng hiện muốn ứng dụng hiệu quả GPS cần ba yếu tố gồm: đảm bảo dữ liệu, chất lượng không bị mất hoặc gián đoạn, sai số vị trí; đầu tư phần mềm tự động phân tích dữ liệu, phát hiện vi phạm, nguy cơ vi phạm; và phải có hướng dẫn cụ thể về xử phạt nguội căn cứ dữ liệu GPS.
Bên cạnh đó, việc thực thi phạt hành chính này cần có sự phối hợp ngành dọc và ngành ngang, sở giao thông và cảnh sát giao thông địa phương…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận