04/01/2020 08:29 GMT+7

Chặn thói tùy tiện 'hành' doanh nghiệp

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - phải thốt lên rằng đến cả phụ lục, biểu mẫu đi kèm trong thông tư của các bộ, ngành cũng "đính kèm" nhiều điều kiện kinh doanh.

Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập, đặt ra kỳ vọng hiện thực hóa quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ: chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực, nhất là với người đứng đầu và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.

Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được ví như "rừng quy định" đến mức dù đã cắt giảm tới hàng nghìn điều kiện đầu tư kinh doanh trong những năm qua, song ông Ngô Hải Phan - cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) khi thực hiện công việc này với quyết tâm cao hơn trong năm 2020 - vẫn lo ngại "cắt cái này mọc cái khác như đầu Phạm Nhan".

Còn ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - phải thốt lên rằng đến cả phụ lục, biểu mẫu đi kèm trong thông tư của các bộ, ngành cũng "đính kèm" nhiều điều kiện kinh doanh. 

Rồi thậm chí có cả những trường hợp, các quy định, điều kiện kinh doanh dù đã được bãi bỏ nhưng do làm không "đến nơi đến chốn" cũng khiến doanh nghiệp phải khổ sở gõ cửa khắp nơi để xin hỗ trợ, gây tốn kém thời gian, chi phí và mất đi cơ hội kinh doanh.

Dẫn chứng một câu chuyện điển hình về việc ban hành văn bản hết sức tùy tiện, vô lý của các bộ ngành, khi mới đây có bộ ban hành một công văn mà "cả nước phải theo", nhưng rồi chính cơ quan này lại ban hành văn bản yêu cầu không thực hiện như thế nữa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã phải thốt lên: "Toàn rế cao hơn nồi, luộm thuộm như thế là không được" và yêu cầu phải "bắt quả tang" để đưa lên báo chí những trường hợp tương tự, không để các bộ tùy tiện ban hành văn bản.

Những thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trong cuộc họp Chính phủ với các địa phương đã khẳng định: cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Đặc biệt phải chỉ ra những văn bản nào, chính sách nào còn vướng mắc và kìm hãm sự phát triển chứ không thể nói chung chung. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Việc hôm nay chớ để ngày mai", tránh để nước đến chân mới nhảy và nói nhiều mà không hành động".

Không ít tiếng nói của các bộ, ngành lo ngại rằng sẽ khó có thể đạt được mục tiêu cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm "nếu cứ thấy khó mà không làm sẽ không bao giờ làm được". Gánh nặng trên vai tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng sẽ nặng nề hơn, khi cuộc đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xóa bỏ lợi ích khi còn có những bộ tuyên bố cắt giảm nhưng không thực chất, có bộ còn chần chừ cải cách, vẫn muốn giữ thủ tục để ôm lợi ích.

Với tinh thần bãi bỏ thủ tục hành chính không phải là cắt bỏ cơ học mà phải thay đổi tư duy quản lý tốt hơn cho doanh nghiệp, cắt bỏ các quy định thực chất chứ không phải là "sửa một chữ cũng là cắt giảm", cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng cùng với công cuộc cải cách này, phải minh bạch và "chấm điểm" được sự thay đổi của từng bộ, ngành và địa phương thì hiệu quả cải cách mới rõ ràng.

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh thanh kiểm tra chồng chéo Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh thanh kiểm tra chồng chéo

TTO - Trước phản ảnh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh, kiểm tra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chấn chỉnh công tác này.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên