Các nhân viên trạm y tế xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) dọn dẹp vệ sinh các phòng làm việc sáng 8-8- Ảnh: TIẾN THÀNH |
Sáng 8-8, bảy cán bộ của trạm y tế xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - trạm y tế đóng cửa khi phó thủ tướng bất ngờ kiểm tra ngày 7-8 - đã có mặt từ rất sớm để quét dọn, phát quang bụi rậm và lau dọn các thiết bị y tế bị bám bụi. Công việc vệ sinh tại trạm này hoàn thành vào giữa trưa.
Ông Y Son Êban, trưởng trạm y tế xã Cư Êbur, cho biết ông và một cán bộ trực trạm đang làm bản tường trình, kiểm điểm về việc đóng kín cửa trạm y tế vào ngày chủ nhật. Ông Y Son thừa nhận đã chủ quan khi chưa giám sát chặt chẽ các ca trực vào ngày nghỉ.
“Trưa 7-8, do cán bộ trực đi ăn cơm ở xa trạm nên không về kịp. Chứ thông thường, vào các ngày thứ bảy và chủ nhật ở trạm luôn có một người trực” - ông Y Son giải thích. Cũng theo ông, không có chuyện trạm không hoạt động vào thứ sáu. “Do từ thứ hai tới thứ năm trạm thường có lịch tiêm chủng, còn thứ sáu là ngày khám chữa bệnh và cũng rất ít bệnh nhân tới nên bà con vô tình hiểu nhầm trạm y tế không hoạt động” - ông Y Son nói thêm.
Cũng theo ông Y Son, sở dĩ trạm có nhiều bụi vì thiếu người quét dọn vệ sinh, do gió thổi và trạm y tế thường xuyên bị cúp nước. “Sau vụ việc, tôi sẽ chấn chỉnh lại tác phong làm việc, đồng thời phân công cụ thể lịch trực cho các cán bộ của trạm y tế” - ông Y Son nói.
Trong khi đó, người dân sống gần trạm y tế xã Cư Êbur phản ảnh thấy trạm y tế thường hoạt động khi có lịch tiêm phòng. Anh Nguyễn Đào, thợ sửa máy cày đối diện với trạm y tế xã, cho biết: “Tôi vẫn đưa con đi tiêm phòng định kỳ tại trạm y tế xã. Tuy nhiên, chỉ thấy trạm hoạt động chính trong hai ngày thứ ba và năm. Còn lại các ngày hầu như đều đóng cửa, không thấy bóng dáng y bác sĩ”.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ, nhà cách trạm y tế xã Cư Êbur khoảng 200m, cho biết thường thấy trạm y tế đóng cửa vào ngày nghỉ (thứ bảy và chủ nhật), thi thoảng mới có một người bảo vệ trực.
“Tôi thấy một tuần chỉ có 2-3 ngày có lịch chích thuốc cho em bé người ta còn tới trạm y tế, còn bình thường ốm đau không ai tới đâu. Người dân ở đây bị cảm sốt, nhức đầu thì cứ ra tiệm mua thuốc cho nhanh, còn bệnh nặng thì lên bệnh viện khám cho an toàn” - ông Kỳ nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Thiện - giám đốc Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột - cho biết lãnh đạo trung tâm đã tiến hành họp và yêu cầu trạm trưởng trạm y tế xã Cư Êbur và nhân viên trực của trạm phải làm bản tường trình, kiểm điểm và rút kinh nghiệm về vụ việc.
“Nguyên tắc của cán bộ y tế là phải trực 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ để phòng ngừa mọi sự cố xảy xa. Sau vụ việc, trung tâm đã đề nghị 21 trạm y tế trên toàn TP nghiêm túc chấn chỉnh thái độ làm việc, tăng cường công tác trực 24/24 giờ tại trạm y tế” - ông Thiện nói.
Cần vi hành nhiều hơn Gần 200 phản hồi của bạn đọc có nhiều đề nghị các vị lãnh đạo tăng cường vi hành để chấn chỉnh các sai phạm của cán bộ cấp dưới. Phó thủ tướng và bộ trưởng Bộ Y tế đi bất ngờ như vậy mới thấy được thực tế. Nếu chỉ nghe báo cáo thôi thì thấy tình hình vẫn tốt! Dịch sốt xuất huyết đang hoành hành mà trạm y tế xã hoạt động như thế thì làm sao dập dịch nhanh? Không riêng gì trạm y tế xã Cư Êbur “chưa sử dụng hết một nửa công năng” - như nhận xét của phó thủ tướng - mà xã nào cũng vậy vì người dân có bệnh thì lên bệnh viện tỉnh hoặc thành phố. Mỗi năm trả lương cho khoảng 5-6 cán bộ mà công việc thì không có bao nhiêu, thật là lãng phí từ cơ sở vật chất đến cán bộ. Đề nghị lãnh đạo ngành y tế vi hành tìm hiểu và nên chấn chỉnh lại. Mong phó thủ tướng đi thị sát nhiều hơn nữa. Đây mới chỉ là một trạm y tế bị lãng phí trong tổng số hàng ngàn trạm y tế bị lãng phí khác trên cả nước. Tôi thấy mô hình mỗi xã phường có một trạm y tế là không phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là những trạm y tế gần bệnh viện, trung tâm đô thị càng không có bệnh nhân đến khám. Nên chăng quy hoạch lại mạng lưới các trạm y tế cũng như các trung tâm y tế quận, huyện để phát huy được hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí cơ sở vật chất, tiền của và nhân lực. Đề nghị phó thủ tướng không những vi hành với Bộ Y tế mà còn tổ chức vi hành với nhiều bộ, ngành khác nữa, chắc chắn sẽ thấy cán bộ các cơ quan công quyền ăn cắp thời gian của dân thế nào. Những doanh nghiệp của Nhà nước cũng vậy. Con số 30% cán bộ công chức ngồi không hưởng lương không sai đâu. Nếu một năm cán bộ lãnh đạo cấp cao vi hành ít nhất 3 lần (không báo trước) thì chắc chắn có sự chuyển biến nhận thức ở cán bộ địa phương. Cần hạn chế hội họp và tăng cường đi thực tế đến cơ sở để chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Làm được như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ tạo được niềm tin của người dân vào chính quyền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận