03/10/2016 16:22 GMT+7

​Chăm sóc móng đúng cách

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Móng không những có vai trò bảo vệ các đầu ngón tay, ngón chân mà còn phản ánh tình trạng sức khỏe của con người. Do vậy, để có một bộ móng khỏe, đẹp luôn là mong muốn của nhiều người, nhất là chị em phụ nữ.

Chăm sóc móng thông thường

Chăm sóc móng:

- Không nên coi móng như một dụng cụ (để mở nắp nồi, nắp đồ uống…). Móng dài mọc nhô ra khỏi đầu ngón tay có khuynh hướng dễ gãy, vỡ, vì vậy không nên để móng mọc quá dài.

- Tránh cắn móng tay.

- Tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa và xà phòng lặp đi lặp lại dẫn đến khô và tổn thương móng, móng sẽ trở nên giòn hơn và có khuynh hướng tách ra. Vì vậy nên mang găng khi rửa chén dĩa hay tiếp xúc hóa chất.

Cắt móng đúng cách:

- Trước khi cắt móng, nên rửa bàn tay với nước ấm để làm mềm móng. Nên cắt theo bờ xa móng; tuy nhiên 2 bờ bên nên giữ thẳng.

- Tránh cắt 2 góc móng một cách không cần thiết. Cắt theo đường phát triển tự nhiên của móng giúp móng khỏe hơn. Hơn nữa, cách này giúp phòng ngừa móng chọc thịt.

Thẩm mỹ cho móng

Làm móng (manicure): mô tả những kỹ thuật liên quan đến việc chăm sóc móng.

- Cắt móng đúng cách: Như đã mô tả ở trên, móng nên được cắt tròn theo bờ trước; các góc móng không nên cắt tròn mà giữ theo góc vuông. Cắt móng đúng cách giúp tăng cường sức mạnh cho móng và phòng ngừa móng chọc thịt.

- Dũa móng: Dũa bờ tự do giúp ngăn ngừa tách và nứt móng.

- Chăm sóc tiểu bì: Tiểu bì là nếp da ở đáy móng. Chăm sóc tiểu bì là cắt đi lớp da dư thừa để móng trở nên gọn gàng hơn (nếu cần). Trước đó cần nhẹ nhàng tách tiểu bì ra khỏi bản móng. Ngâm ngón tay vào nước ấm vài phút để làm mềm da trước khi cắt tỉa tiểu bì.

Sơn móng

Sơn móng được dùng cho mục đích thẩm mỹ và che dấu khiếm khuyết của móng và tăng cường sức mạnh cho những móng yếu. Thành phần chính của sơn móng là nitrocellulose, một chất ổn định giúp tăng cường sức mạnh về mặt cơ học cho móng. Chất này có nguồn gốc từ cellulose thực vật và bị hòa tan trong dung môi hữu cơ. Ngay khi được sơn lên móng, nước sẽ bốc hơi để lại một lớp mỏng nitrocellulose cứng và đề kháng với nước.

Những chất khác dùng trong sơn móng là vinyl, methylacrylate và cellulose acetate. Tuy nhiên các chất này không chắc và không tạo nên độ cứng bề mặt móng như nitrocellulose.

Sơn móng nên được phết đều lên bề mặt móng. Chú ý tránh làm sơn dính lên nếp da và vùng quanh móng. Tốt nhất là sơn từ đáy móng hướng về phía bờ tự do. Trong trường hợp phết quá nhiều sơn làm dính sang vùng xung quanh móng, nên lau cẩn thận bằng que cotton nhúng trong chất tẩy sơn móng.

Những tác dụng phụ không mong muốn của sơn móng:

Sử dụng sơn móng sậm màu trong thời gian dài có thể dẫn đến nhuộm màu móng. Khi các chất màu trong sơn móng thấm vào bản móng, màu sắc ban đầu của chúng sẽ thay đổi, ví dụ sơn móng màu đỏ thường nhuộm móng thành màu vàng. Dĩ nhiên theo thời gian màu sẽ nhạt dần khi móng mọc ra thêm. Vấn đề này có thể phòng ngừa bằng cách sơn một lớp nền không màu lên móng trước khi sơn móng.

Phản ứng dị ứng có thể biểu hiện dưới dạng đỏ, bỏng, ngứa, nhạy cảm và sưng. Phản ứng không chỉ giới hạn tại vùng quanh móng. Thực tế là phản ứng tại chỗ đối với sơn móng tương đối hiếm gặp. Mặt khác, bởi vì móng tay tiếp xúc với các vùng khác trên cơ thể (vd. khi gãi mũi hay dụi mắt…) nên phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở những vùng tiếp xúc nói trên. Do đó, hiện tượng viêm da tiếp xúc do sơn móng có thể xuất hiện trên mí mắt, những vùng khác nhau của khuôn mặt, hay bộ phận sinh dục. Trong những trường hợp này, cần xét nghiệm để xác định thành phần nào của sơn móng gây dị ứng.

Chất giữ ẩm cho móng

Mục đích của những sản phẩm này là làm ẩm cho bản móng. Chúng thường chứa protein, acid béo, lanolin và amino acid. Những sản phẩm mới chứa vitamin và một số tinh chất từ thực vật.

Chất tẩy sơn móng

Dung dịch thường được sử dụng để tẩy sơn móng là acetone. Những loại khác tan trong cồn. Một số có chứa hợp chất béo như lanolin tạo nên một lớp không thể thấm được trên móng để tăng mức độ ẩm cho móng. Sơn móng nên được lau bằng một tấm giấy hay que cotton nhúng trong chất tẩy.

Tác dụng phụ của chất tẩy sơn móng:

Chất tẩy sơn móng có thể làm cho bản móng trở nên khô, và gây kích ứng cho mô xung quanh. Khô móng có thể dẫn đến giòn móng. Để tránh tình trạng này:

- Không nên dùng chất tẩy sơn móng quá thường xuyên – không hơn 1 lần/tuần.

- Nên dùng loại chất tẩy sơn móng chứa chất béo, ít gây khô móng.

- Nên rửa sạch tay sau khi sử dụng chất tẩy sơn móng.

Lưu ý: chất tẩy sơn móng về cơ bản là độc và nếu hít phải sẽ gây nguy hiểm

Một số vấn đề về móng thường gặp

Biến dạng móng

Biến dạng móng có thể là biểu hiện của một vấn đề về sức khỏe. Che dấu móng biến dạng bằng những móng nhân tạo làm cho bác sĩ khó chẩn đoán chính xác bệnh, gây tổn thương thêm dẫn đến biến dạng móng vĩnh viễn. Vì vậy, cần phải đi khám chuyên khoa da liễu nếu có biến đổi về hình dạng móng, sau đó mới được sử dụng móng nhân tạo.

Trong nhiều trường hợp, biến dạng móng là hậu quả của nhiễm nấm móng. Hiện nay nhiều thuốc kháng nấm đã được phát triển giúp điều trị hiệu quả nấm móng.

Móng giòn dễ gãy

Như đã đề cập ở trên, những biến đổi về hình dạng móng có thể phản ánh một tình trạng bất thường về sức khỏe (bệnh da hay bệnh nội khoa). Tuy nhiên không phải tất cả biến dạng móng đều có một bệnh lý kèm theo.

Móng giòn hay tách móng là hiện tượng thường gặp, xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Mặc dù móng giòn có thể do một bệnh toàn thân (bao gồm cả suy dinh dưỡng và chứng biếng ăn), nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là khô móng do tiếp xúc thường xuyên với nước và chất tẩy rửa. Thậm chí việc rửa tay hàng ngày, nếu thực hiện quá nhiều có thể gây giòn móng. Tiếp xúc quá nhiều với chất tẩy rửa (vd. dung dịch rửa bát đĩa) hay lạm dụng thuốc tẩy sơn móng sẽ dẫn đến tổn thương keratin, giảm nồng độ nước làm cho móng giòn. Những nguyên tắc điều trị móng giòn là:

- Hạn chế để móng tiếp xúc với chất tẩy rửa và những chất hóa học khác, nếu cần phải mang găng (loại có lót bên trong bằng 1 lớp cotton)

- Sử dụng các chất giữ ẩm và làm cứng móng.

- Bổ sung vitamin C, pyridoxine, sắt, vitamin D, calci, amino acid, gelatin và biotin.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ​Chăm sóc móng