![]() |
Về đêm |
(Xem triển lãm “Kết - nối” của các cán bộ - giảng viên ĐH Mỹ thuật Hà Nội vừa diễn ra tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM)
Những gam màu ấy của Lê Văn Sửu sẽ vô hồn nếu nó không mang đến cho người thưởng thức những xúc cảm và sự tưởng tượng đa dạng. Lãng phiêu trong thế giới “Xanh, trắng, vàng, đỏ”, lòng người bỗng dịu lại...
Những ký hiệu, những chữ cái non nớt như nhảy múa tung tẩy. Bỗng thấy ta như ta của những ngày thơ ấu: hồn nhiên, tinh nghịch. Bỗng thấy ta như ta của những ngày đến lớp: ước mơ, khát vọng…
Nếu nhìn chỉ để nhìn, “Về đêm” của Mai Thu Vân có gì đâu! Chỉ một… hai… ba khung cửa sổ nhỏ nhỏ, một vầng trăng khuyết cong cong và hình người cách điệu nằm sõng soài suốt chiều dài tác phẩm. Nhưng cái hồn của bức phù điêu gò đồng này là ở đây.
Ít chi tiết mà đa chiều: chiều rộng của không gian, chiều sâu của thời gian và thế giới nội tâm con người... Mai Thu Vân đã lấy cái “tĩnh” của không gian, thời gian, tư thế để làm nổi bật cái “động” trong lòng người.
Về đêm - khoảnh khắc yên lặng, tĩnh tại để con người soi rọi vào sâu xa trong tâm khảm. Về đêm - người ta sống thật nhất khi đối diện với chính mình. Một đêm trăng thanh tịnh và vắng lặng để nhìn lại mình, trong nhịp sống sôi động hối hả này, dường như khó tìm quá…
Cảm giác bình yên biến mất khi đến với “Ám ảnh” của Lê Chí Hiếu. Một màu vàng nhức nhối, một màu đỏ ám ảnh và một sắc đen tang tóc, “Ám ảnh” là sự chiếm lĩnh của những đường cong.
Hình ảnh, màu sắc cứ muốn xếp chồng lên nhau. Quá khứ và hiện tại chập chờn, xâm chiếm lẫn nhau, dồn dập, xô đẩy trong nội tâm. Sắc hình ấy là khi lòng người đang cuộn sóng!
“Kết - nối”, thông điệp nhân bản mà ngắn gọn. Kết nối - giữa nghệ sĩ với thiên nhiên, với cuộc sống và với chính họ. Kết nối - phút giao thoa giữa người sáng tạo và người thưởng thức: sự đồng cảm đồng điệu trong mối quan hệ đa chiều: nghệ sĩ - nghệ thuật - người tiếp nhận...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận